Nuôi trồng thủy sản và "giấc mơ" VietGAP

  • 10:43 | Thứ Sáu, 12/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. 9 tháng năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 10.600 tấn, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, như: Tôm thẻ, tôm sú, cá trắm, cá rô phi. Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), các diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh lại rất ít ỏi và hiện nay, chủ yếu bà con nuôi trồng theo hướng VietGAP.
 
Trên thực tế, để đạt chứng nhận này, người nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe; đồng thời, phải tuân thủ sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của bên chứng nhận. Ngoài ra, bà con cũng phải bỏ ra kinh phí để duy trì chứng nhận VietGAP. Chính vì vậy, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản kém mặn mà với VietGAP, thậm chí một số mô hình trước đây được hỗ trợ của các dự án nên đạt chứng nhận, nhưng khi dự án kết thúc thì không còn tham gia, rất lãng phí công sức, tiền của.
 
Một nguyên nhân khác nữa là bởi, trên thị trường chung, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận VietGAP có giá cả không mấy chênh lệch so với thủy sản khác, người tiêu dùng đại chúng ít quan tâm đến chứng nhận này khi tiêu thụ thủy sản. Ngoài ra, diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng của Quảng Bình cũng chưa phải lớn để tính đến các thị trường tiềm năng hơn và mở hướng xuất khẩu, nên chứng nhận VietGAP không được quan tâm hàng đầu.
 
2. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, một số mô hình chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản đã được triển khai và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định, còn về giá trị lâu dài sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Đây cũng chính là cơ hội để điệp khúc “được mùa mất giá” trong nuôi trồng thủy sản không còn cơ hội hiện hữu.
 
Đồng thời, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các nguy cơ tiềm ẩn lớn như hiện nay (dịch Covid-19…), thì việc xây dựng thành công các chuỗi liên kết thủy sản, mà tiền đề là đạt các chứng nhận sản xuất trong nước cũng như quốc tế, được ví như "cơ hội vàng" để các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản vững vàng trong các biến động của thị trường, giá cả và có điều kiện tiếp cận thị trường đa dạng, tiềm năng.
 
3. Xu hướng tiêu dùng hiện nay là các sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, còn phải bảo đảm các tiêu chí về môi trường và an toàn cho cả người lao động. Do vậy, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, việc xây dựng các sản phẩm thủy sản an toàn, được chứng nhận đạt các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế là giải pháp quan trọng hàng đầu.
 
Để làm được điều này cần sự vào cuộc tích cực của từ phía cơ quan quản lý và mỗi người dân tham gia nuôi trồng thủy sản. Trong đó, việc thay đổi nhận thức của người dân về tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng, mà minh chứng rõ nét nhất chính là những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong thời gian qua. Đã đến lúc, các chứng nhận sản xuất sạch cần được xem như “tấm thẻ xanh” để bảo đảm an toàn cho đầu ra của ngành thủy sản.
 
Quảng Hạ

tin liên quan

Nghiệp đoàn nghề cá bám biển vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) đã luôn "kề vai, sát cánh", động viên đoàn viên, bà con ngư dân khắc phục khó khăn, duy trì khả năng bám biển vươn khơi, phát huy vai trò bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương…

Giá rau xanh tăng cao, người tiêu dùng lo ngại

(QBĐT) - Thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhất là mặt hàng rau, củ, quả. Những biến động về giá cả này đã gây không ít lo ngại cho người tiêu dùng và cả người kinh doanh.

Tuyên Hóa công bố hết dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở huyện Tuyên Hóa đã được khống chế.