Liên kết sản xuất cho nông dân nụ cười

  • 08:27 | Thứ Ba, 09/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở mọt số địa phương trên địa bàn tỉnh...
 
Từ năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp-PTNT, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (Công ty GCT Quảng Bình) thực hiện dự án: “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP” tại các vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh. Để thực hiện thành công dự án, Công ty GCT Quảng Bình chọn các bộ giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất là QS88, HV3, PN99, PC6… Nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Bình.
 
Tại Quảng Bình, lúa là cây trồng có diện tích tương đối lớn, bình quân hàng năm gieo cấy trên 53.000ha, tập trung ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn.  Để nâng cao năng suất, chất lượng, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Công ty GCT Quảng Bình cũng khảo nghiệm và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Qua đó, đưa năng suất từ 45,1 tạ/ha năm 2010 lên 55 tạ/ha năm 2020. Quảng Bình liên tiếp được mùa, sản lượng lương thực từ 25,4 vạn tấn (năm 2010) lên trên gần 32 vạn tấn (năm 2020).
 
Người nông dân chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ lúa mà không lo bị mất giá, ép giá.
Người nông dân chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ lúa mà không lo bị mất giá, ép giá.
Triển khai liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty GCT Quảng Bình phối hợp với các địa phương trong tỉnh áp dụng có hiệu quả các quy trình kỹ thuật, như: IPM, ICM, SRI... Nhiều đơn vị thực hiện thành công, như: HTX Đại Phong, HTX Mỹ Lộc Thượng, HTX Tuy Lộc (Lệ Thủy), HTX Vạn Phúc (Quảng Ninh), thôn Phúc Tự Đông, thôn Phúc Tự Tây (Bố Trạch)...
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty GCT Quảng Bình, trong 2 năm qua, công ty đã thực hiện gần 200ha lúa trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Năng suất lúa trung bình đạt 65 tấn/ha, sản lượng 1.235 tấn.  
 
“Thực hiện liên kết theo chuỗi dọc từ sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao VietGAP, công ty ký hợp đồng liên kết với các HTX, thôn tham gia dự án, cung ứng các yếu tố đầu vào (giống lúa chất lượng cao QS88, Hương Việt 3, phân bón vô cơ, hữu cơ, bao bì). Sau khi thu mua lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch, công ty trực tiếp tiêu thụ thóc, gạo trên địa bàn toàn quốc”, ông Kỳ nói thêm.
 
Trong quá trình sản xuất, cán bộ có kinh nghiệm thường xuyên bám sát đồng ruộng để hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình. Trước đó, công ty đã mời chuyên gia Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Nội dung tập huấn dễ hiểu, sát thực tế để nông dân có thể áp dụng ngay vào sản xuất.
 
Nói về hiệu quả kinh tế của dự án liên kết, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HTX Xuân Bồ (Lệ Thủy) cho biết, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP nên nông dân có thể bán lúa thương phẩm với giá cao hơn sản xuất lúa bình thường 10-15%. “Lợi nhuận đối với diện tích thực hiện dự án là trên 22,3 triệu đồng/ha. Trong khi ruộng đối chứng mức lãi chỉ khoảng 12 triệu đồng/ha. Mục tiêu là thóc lúa thành sản phẩm hàng hóa có thị trường tiêu thụ ổn định”, ông Dũng nhấn mạnh.
 
Với chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân ngày càng gắn bó với đồng ruộng và hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Với chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân ngày càng gắn bó với đồng ruộng và hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả sản xuất thu nhập cho trên 300 hộ tham gia chuỗi. Qua 2 năm thực hiện, lợi nhuận trên đồng ruộng đã mang về cho người nông dân gần 4 tỷ đồng. Điều lớn hơn nữa là thông qua đó, làm thay đổi nhận thức từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo chuỗi liên kết. Người nông dân đã biết sản xuất theo quy trình an toàn,  bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Trao đổi với chúng tôi, nông dân Trần Văn Tiến (Lệ Thủy) cho hay: “Từ khi tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết, chúng tôi thấy môi trường sản xuất nông nghiệp lành mạnh. Nông dân chủ động tiêu thụ sản phẩm với giá cao, không bị ép. Hy vọng việc liên kết sản xuất được mở rộng hơn nữa để nông dân chúng tôi gắn kết với đồng ruộng và sản xuất nông nghệp bền vững hơn. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của bà con, nhưng có doanh nghiệp sát cánh thì bà con vững tin lắm!”
 
Định hướng tới, Công ty GCT Quảng Bình tiếp tục mở rộng mô hình liên kết sản xuất, mở rộng diện tích và tiến tới xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ trên vùng đất Quảng Bình.
 
Hạnh Châu

tin liên quan

Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022

Đến 2-11 vừa qua, có 6 nước ASEAN và 4 nước đối tác nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN nên Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2022.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng thêm 150.000 đồng mỗi lượng

Mở cửa phiên đầu tuần sáng nay, 8-11, giá vàng trong nước tăng từ 30.000-150.000 đồng mỗi lượng, trong khi giá vàng thế giới chỉ nhích nhẹ 1 USD/ounce.
 

Làng hoa và thách thức từ biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Như mọi năm, hiện là thời điểm để các làng hoa trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Lý Trạch (Bố Trạch) bắt đầu rộn ràng vụ hoa Tết. Nhưng năm nay không khí như khác hẳn...