Giá rau xanh tăng cao, người tiêu dùng lo ngại
(QBĐT) - Thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhất là mặt hàng rau, củ, quả. Những biến động về giá cả này đã gây không ít lo ngại cho người tiêu dùng và cả người kinh doanh.
Tại một số chợ trên địa bàn TP. Đồng Hới, theo ghi nhận của phóng viên, các loại rau, củ, quả là mặt hàng có giá cả tăng cao đột biến nhất. Các tiểu thương cho biết, giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh đã tăng mạnh so với thời điểm giữa năm do thời tiết mưa kéo dài, cộng thêm giá các loại xăng tăng làm tăng phí vận chuyển. Giá một số loại rau xanh có loại tăng hơn gấp đôi nên lượng người mua cũng đã giảm nhiều so với trước.
Dạo một vòng quanh chợ Đồng Hới, phóng viên nhận thấy các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả vẫn rất phong phú. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, vì các mặt hàng rau, củ, quả chủ yếu là vận chuyển từ phía Nam ra nên giá bán cao hơn nhiều so với trước.
Sau khi mua 3 bó rau cải với giá 45.000 đồng, 3 quả dưa chuột với giá 20.000 đồng, phóng viên được bà Nguyễn Thị Mai, tiểu thương tại chợ Đồng Hới cho biết: “Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều có biến động về giá cả ở mức độ khác nhau, nhưng giá rau, củ, quả là tăng đột biến, có khi gấp đôi, một bó rau cải trước đây bán chỉ 5.000 đồng thì giờ có giá 15.000 đồng”.
Giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng, trong đó có các loại rau, củ, quả khiến các bà nội trợ cũng phải cân nhắc khi chọn mua để phục vụ bữa ăn cho gia đình mình. Bà Lê Thị Hằng, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Cá, thịt thì nói chung là giá cả ổn định nhưng rau xanh thì đắt quá! Trước đây, đi chợ chỉ cần ba chục nghìn đồng là mua được rau, củ cho cả nhà ăn trong ngày, nhưng giờ thì chỉ được một bữa thôi! Có lẽ, do khan hiếm nguồn cung nên giá cả tăng lên”.
Tại chợ Nam Lý, chợ Công Đoàn, mặt bằng giá cả có giảm nhẹ so với chợ Đồng Hới. Tuy nhiên, cả người bán và người mua đều tỏ ra ngần ngại do giá cả một số mặt hàng tăng cao. Một tiểu thương chia sẻ, các mặt hàng rau, củ hiện tại chủ yếu từ Đà Lạt ra, phí vận chuyển tăng cao nên giá tăng lên, không thể khác được. “Ở các vựa rau trong tỉnh, nhất là Lệ Thủy, Bố Trạch, chưa đến vụ rau, củ, quả chính vụ, hơn nữa vừa mưa lụt xong. Bây giờ, rau xanh trên địa bàn chỉ có một vài diện tích nhỏ lẻ ở nơi cao ráo, không bị ngập lụt và sản lượng không đáng kể”, tiểu thương này cho biết.
Dọc theo các xã trọng điểm trồng rau xanh của huyện Lệ Thủy, phóng viên ghi nhận, người dân các địa phương chủ yếu đang làm đất để gieo trồng vụ rau chính trong năm. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn, xã Hồng Thủy ở vùng trũng thấp nhất trong các xã ven Quốc lộ 1A của huyện Lệ Thủy, nước lụt rút rất chậm nên đến nay người dân vẫn đang tập trung làm đất, một số hộ ở khu vực cao thì đã gieo hạt các loại rau màu. Nếu nhanh nhất thì cũng phải từ 20 ngày đến 1 tháng nữa mới có rau xanh bán ra thị trường, nhất là thị trường Tết.
Nguồn cung rau xanh trên địa bàn tỉnh giảm mạnh trong thời điểm hiện tại, trong khi gía xăng liên tục tăng cao làm phí vận chuyển cũng tăng lên, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá cả mặt hàng rau, củ, quả và một số mặt khác tiêu dùng khác tăng theo.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng 0,22% so với tháng trước; tăng 5,11% so với kỳ gốc 2019. Trong đó: nhóm hàng hóa tăng 1,81%; nhóm dịch vụ tăng 0,86%.
|
Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy, việc các loại rau, củ, quả tăng giá vào giai đoạn này gần như đã trở thành quy luật. Vì các địa phương trong khu vực đều vừa trải qua lũ lụt, cơ bản các vùng trồng rau xanh chưa sản xuất được, chưa có sản phẩm đưa ra thị trường, trừ một số diện tích manh mún hoặc được trồng trong nhà màng, sản lượng không đáng kể. Các loại rau, củ, quả mà người tiêu dùng đang sử dụng hiện nay chủ yếu chuyển từ miền Nam ra, một số ít từ miền Bắc, trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao nên giá cả mặt hàng này tăng là điều dễ hiểu.
Cũng chính vì giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng, trong đó có các loại rau, củ, quả mà nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn các siêu thị làm điểm đến mua sắm hàng hóa thay vì chợ truyền thống như trước đây.Nhiều người dân chia sẻ, mua hàng hóa trong siêu thị, hoặc hệ thống phân phố lớn thì được bình ổn giá, cùng các chính sách khuyến mãi, tuy nhiên, họ cũng bày tỏ lo ngại là từ nay đến Tết nguyên đán, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao hơn, ảnh hưởng nhiều tới việc chi tiêu của gia đình.
Theo tìm hiểu của phóng viên ở các siêu thị và một số hệ thống bán hàng lớn, từ đầu tháng 10-2021 đến nay, nhiều nhà sản xuất, cung ứng của các cơ sở này cũng đã đặt vấn đề tăng giá bán, trong đó, tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm. Lý do tăng giá là vì giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, các siêu thị đã và đang nỗ lực ổn định giá để hỗ trợ người tiêu dùng bằng chính sách bình ổn và các chương trình khuyến mãi hợp lý.
Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình cho biết: "Từ đầu tháng 11-2021, siêu thị chúng tôi đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi. Bên cạnh đó, siêu thị đã giảm giá các mặt hàng nhu yếu phẩm với kỳ vọng góp một phần nhỏ giúp người dân vơi bớt khó khăn sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19.
Trước tình trạng một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá, nhất là rau xanh, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giảm bớt gánh nặng, chi phí sinh hoạt của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát thị trường và đẩy mạnh các chính sách bình ổn giá".
Anh Tuấn