Nhiều trường học "nợ chuẩn" và sụt chuẩn

  • 07:34 | Thứ Tư, 13/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện có 65 trường học (từ mầm non đến THCS), trong đó có 43 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 64,2%). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều trường đang và có nguy cơ sụt chuẩn.
 
Nhiều trường “nợ chuẩn”
 
Trường THCS Đức Hóa được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2017. Theo quy định, cuối năm 2022, trường sẽ được kiểm định để công nhận lại. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định, nên trường này chấp nhận “sụt chuẩn”.
Nhiều trường học trên địa bàn Tuyên Hóa sụt chuẩn vì cơ sở vật chất xuống cấp, quy mô trường lớp không đáp ứng các quy định mới.
Nhiều trường học trên địa bàn Tuyên Hóa sụt chuẩn vì cơ sở vật chất xuống cấp, quy mô trường lớp không đáp ứng các quy định mới.
Hiệu trưởng Trường THCS Đức Hóa Phạm Đăng Khoa cho hay: “Nhà trường cũng muốn đăng ký để được công nhận lại, nhưng qua rà soát, hầu như tiêu chí nào cũng không đáp ứng theo tiêu chuẩn nên đành phải bỏ lỡ cơ hội. Hiện tại, hầu hết các dãy phòng học của trường được xây dựng từ lâu (năm 2002 và 2009) và áp dụng theo tiêu chuẩn cũ (phòng học 35 học sinh), nên không đủ điều kiện về diện tích (theo quy định mới, phòng học 45 học sinh). Trong số 6 phòng học chức năng, trường mới chỉ có 3 phòng, còn thiếu 3 phòng, gồm: Phòng đa năng, Tiếng Anh và Khoa học xã hội. Các thiết bị phục vụ dạy và học chỉ đáp ứng điều kiện cơ bản, còn lại vẫn thiếu. Hàng năm, nhà trường đều đề xuất kiến nghị lên các cấp, nhưng do nguồn lực địa phương hạn chế nên không thể bố trí vốn đầu tư được”.
 
Tương tự, cuối năm 2023, Trường THCS Thanh Hóa đến thời hạn đánh giá để công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hóa Đinh Văn Đồng: “Trường còn 6 phòng học cũ xây dựng từ năm 1998 đã xuống cấp chưa được thanh lý và chưa có khu nhà hiệu bộ theo quy định mới. Năm nay, chính quyền địa phương chưa bố trí được vốn để xây dựng. Phải đến năm sau mới bố trí được vốn. Vì vậy, trường phải “gia hạn” thời gian xét công nhận lại đến năm 2024”.
 
Có phòng nhưng chưa có bàn ghế
 
Trong khi nhiều trường đang chờ đợi bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để được công nhận trường chuẩn quốc gia, thì các trường khác đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng mới. Tuy nhiên, để đưa các phòng học vào sử dụng, không ít trường đang loay hoay tìm nguồn kinh phí mua sắm bàn ghế, trang thiết bị.
 
Năm 2017, Trường THCS Cao Quảng được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo kế hoạch, đến tháng 12/2023, trường này đến thời hạn công nhận lại. Nhưng vì dãy phòng học chức năng (6 phòng, 2 tầng) mới xây dựng chưa có cơ sở vật chất thiết bị, nên thời gian công nhận lại phải lùi đến cuối năm 2024.
Mặc dù đã đủ phòng học theo quy định, song Trường THCS Cao Quảng phải lùi thời hạn đăng ký công nhận lại vì thiếu cơ sở vật chất phòng học.
Mặc dù đã đủ phòng học theo quy định, song Trường THCS Cao Quảng phải lùi thời hạn đăng ký công nhận lại vì thiếu cơ sở vật chất phòng học.
Hiệu trưởng Trường THCS Cao Quảng Nguyễn Thanh Xuân cho biết: “Dự kiến cuối tháng 9/2023, dãy phòng học mới sẽ được nghiệm thu. Tuy nhiên, vì chưa có bàn ghế và các thiết bị phục vụ dạy học, nên các phòng học này chưa thể đưa vào sử dụng. Ước tính để mua sắm đủ 120 bộ bàn ghế cho 6 phòng học cần kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Hiện tại chúng tôi đang làm tờ trình xin huyện hỗ trợ, chứ nguồn lực địa phương và trường không có. Trường còn có 2 dãy phòng học 2 tầng đã xây dựng hơn 20 năm cũng đang bị xuống cấp, nhất là phần mái đã dột nát, cần sửa chữa thay thế. Cao Quảng là địa phương còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực xã hội hóa rất khó, nên mọi khoản đầu tư cơ sở vật chất đều phải trông chờ vào cấp huyện”.
 
Tương tự, Trường THCS Châu Hóa vừa được địa phương bố trí vốn xây dựng 6 phòng học chức năng để được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia cuối năm 2023. “Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đang lo không biết xoay xở kinh phí ở đâu để mua sắm bàn ghế, thiết bị. Chứ nếu có phòng mà không có thiết bị, bàn ghế, thì cũng không thể đưa vào sử dụng được”, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Hóa Trần Thị Năm cho hay.
 
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa, đến cuối năm 2023, toàn huyện chỉ còn 38/65 trường đạt chuẩn, vì nhiều trường đã đến thời hạn đánh giá để công nhận lại, nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí về phòng học, thiết bị chưa đạt.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa Hoàng Văn Phúc cho biết: “Hầu hết các trường sụt chuẩn và có nguy cơ sụt chuẩn trên địa bàn huyện đều do cơ sở vật chất xuống cấp, quy mô trường lớp không đáp ứng các quy định mới. Những năm qua, huyện và các địa phương cũng đã quan tâm đầu tư cho giáo dục, song do nguồn lực hạn chế, nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế của các trường. Một tác động rất lớn khác khiến nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học bị “hụt” là do từ năm 2021, nhiều địa phương (11 xã) trên địa bàn huyện không còn thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135. Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Tuyên Hóa đặt mục tiêu sẽ có 85% trường học đạt chuẩn quốc gia, nhưng với những khó khăn như hiện nay, mục tiêu này khó có thể đạt được, nếu như không có sự hỗ trợ từ tỉnh. Nên chăng, tỉnh cần xem xét có chính sách ưu tiên “đặc thù” để dành nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương miền núi nhưng không còn thụ hưởng Chương trình 135 nữa”.

Dương Công Hợp

 

tin liên quan

Hoàn tất công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn đến kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.

"Tiếp sức đến trường" năm học 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 31/8, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các nhà tài trợ và địa phương trao học bổng cho 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Công đoàn ngành Giáo dục: Triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 29/8, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành CĐGD (mở rộng) nhằm triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.