Lệ Thủy: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

  • 07:16 | Thứ Ba, 05/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ tập trung nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên mọi mặt công tác, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên đáng kể. Kết quả đó là nền tảng vững chắc để huyện vững tin bước vào năm học mới 2023-2024.
 
Thi đua dạy tốt-học tốt
 
Xác định việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT huyện luôn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên (GV) học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Huyện Lệ Thủy luôn chú trọng đến công tác tôn vinh, biểu dương giáo viên, học sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi.
Huyện Lệ Thủy luôn chú trọng đến công tác tôn vinh, biểu dương giáo viên, học sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi.
Ngành đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học. Đối với bậc giáo dục mầm non (GDMN), Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo 28/28 đơn vị thực hiện tốt chương trình GDMN phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương; triển khai tốt các nội dung của chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025.
 
Ở bậc giáo dục tiểu học (TH), các trường học đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài các hoạt động được tổ chức sôi nổi, như: “Ngày hội học sinh (HS) TH”, cuộc thi “Nói tiếng Anh với sơ đồ tư duy” dành cho HS TH, Phòng GD-ĐT huyện còn chỉ đạo các trường học tổ chức cho HS tham gia những sân chơi trí tuệ, như: Olympic Tiếng Anh (IOE), Trạng nguyên Tiếng Việt, Trạng nguyên toàn tài, Violimpic Toán…
 
Các trường học đã chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá HS nhất là đối với lớp 6, lớp 7 bậc học trung học cơ sở (THCS); hoàn thành việc bồi dưỡng các module cho CBQL và GV để thực hiện Chương trình GDPT mới.
 
Xác định thi đua “Dạy tốt-Học tốt” là nhiệm vụ trọng tâm, khâu cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều GV, HS đã phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện. Nhờ vậy, tỷ lệ GV, HS đạt danh hiệu GV dạy giỏi, HS giỏi trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Nhiều GV đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS bằng cách cho HS tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
 
GV còn phân loại khả năng học tập của HS theo từng nhóm để có biện pháp giảng dạy phù hợp nhằm giúp HS nắm vững kiến thức. GV còn có nhiều sáng tạo trong tổ chức hoạt động ngoài trời, hoạt động trải nghiệm, tạo hứng thú cho HS trong học tập. Nhờ triển khai nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn của huyện được nâng lên đáng kể.
Các trường học luôn chú trọng đến việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập
Các trường học chú trọng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, tạo hứng thú cho học sinh.
Năm học vừa qua, Lệ Thủy tiếp tục duy trì vị trí tốp đầu của tỉnh về tỷ lệ HS đoạt giải ở các cuộc thi cấp tỉnh. Tại kỳ thi HS giỏi lớp 9 cấp tỉnh, toàn huyện có 94/135 HS tham gia đoạt giải (hơn 69,6%), trong đó có 5 giải nhất, 20 giải nhì… 
 
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững cho biết: Việc triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là phong trào “Dạy tốt-Học tốt” với nội dung trọng tâm "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" đã góp phần cổ vũ, động viên đội ngũ CBQL, GV, người lao động phát huy trí tuệ, áp dụng nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Qua đó, đề xuất các giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm học. Ngành cũng chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, tạo sức lan tỏa trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
 
Năm học 2022-2023,  Phòng GD-ĐT huyện có 3 đơn vị đạt danh hiệu lá cờ đầu, 26 tập thể đạt danh hiệu lao động xuất sắc, 5 tập thể, 12 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 3 tập thể, 3 cá nhân được Giám đốc Sở GD-ĐT tặng giấy khen; 1 cá nhân được Bộ GD-ĐT biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; 1 tập thể được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.
 
Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục-đào tạo
 
Toàn huyện hiện có 92 đơn vị, trường học, trong đó có 85 đơn vị thuộc Phòng GD-ĐT huyện. Nhiều năm qua, huyện luôn quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho các trường học, nhất là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG).
 
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng trường học đạt CQG, bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Lệ Thủy là địa bàn thấp trũng, hàng năm phải gánh chịu hậu quả nặng nề của các đợt thiên tai, bão lũ. Sau các trận lũ, lụt, nhiều công trình, hạng mục của các trường học bị hư hỏng, nhất là trong đợt lũ lịch sử năm 2020. Mặt khác, nhiều trường học đã hết hạn CQG sau 5 năm trong khi các quy định, tiêu chuẩn về CSVC đối với trường học CQG theo Thông tư số 13 và 14 của Bộ GD-ĐT cao hơn trước nên huyện gặp không ít khó khăn trong đầu tư vì kinh phí địa phương còn eo hẹp. 
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trường mầm non Trường Thủy đã triển khai tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ.Thực hiện hiệu quả xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trường mầm non Trường Thủy triển khai tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ.
Với quyết tâm tăng cường nguồn lực cho GD-ĐT, huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT và các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng kế hoạch tăng trưởng CSVC, trang thiết bị, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương, trường học đã bám sát nội dung của Thông tư số 13, 14 để tiến hành rà soát, đối chiếu nhằm tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư theo thứ tự, từ dễ đến khó. Huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư cho các trường đến hạn xây dựng CQG theo lộ trình, hỗ trợ kinh phí đối với các trường đã quá hạn để được công nhận lại.
 
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, Lệ Thủy đã dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ trường đạt CQG. Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn huyện có 71/84 trường MN, TH, THCS đạt CQG (84,5%). Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng CSVC trường CQG đối với các đơn vị trực thuộc Phòng GD-ĐT huyện trong 2 năm 2021, 2022 là 155,3 tỷ đồng, bao gồm ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình dự án, sự hỗ trợ đóng góp của phụ huynh HS…
 
Năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường CQG, chú trọng huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa trường học; đồng thời sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, GV phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy giảng dạy theo chương trình GDPT mới.
 
Năm học 2023-2024, huyện Lệ Thủy tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Huyện sẽ tiến hành hợp nhất Trường TH số 2 Phong Thủy và Trường TH Đại Phong thành Trường TH Phong Thủy; hợp nhất Trường MN thị trấn Kiến Giang và Trường MN Hoa Mai thành Trường MN Kiến Giang. Quy mô số trường lớp năm học 2023-2024 là 83 trường...  Huyện cũng đề ra các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng HS các khối lớp, trong đó chú trọng chất lượng lớp cuối cấp; đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng HS giỏi, quyết tâm giữ vững vị thế tốp đầu của tỉnh.
Nh.V

tin liên quan

Hoàn tất công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn đến kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.

"Tiếp sức đến trường" năm học 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 31/8, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các nhà tài trợ và địa phương trao học bổng cho 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 29/8, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.