"Cái nôi" chắp cánh những ước mơ

  • 12:03 | Thứ Ba, 05/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đứng chân trên địa bàn xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn), với bề dày truyền thống gần 60 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Lê Hồng Phong là nơi hun đúc, chắp cánh ước mơ, hoài bão, là niềm tự hào của biết bao thế hệ học sinh. Thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong đang nỗ lực, chung sức, chung lòng, vượt mọi gian khó, viết tiếp truyền thống của ngôi trường được xem là "cái nôi" đào tạo của vùng Nam Ba Đồn.
 
Nơi nuôi dưỡng khát vọng trên vùng đất khó
 
Được thành lập năm 1966 với tiền thân là Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch, sau đổi thành Trường THPT số 2 Quảng Trạch và đến năm 2014 chính thức mang tên Trường THPT Lê Hồng Phong.
 
Nam Ba Đồn là vùng đất có bề dày văn hóa, cách mạng, bao thế hệ cư dân đều dựa vào sản xuất nông nghiệp để mưu sinh, lại là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng từ thiên tai, bão lũ hàng năm nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Sinh ra trên vùng đất khó nên việc học gần như là "lối thoát" duy nhất để con em trong vùng vươn lên. Và không biết tự bao giờ, Trường THPT Lê Hồng Phong trở thành nơi gửi gắm, nuôi dưỡng những khát vọng vươn lên của những người con vùng Nam Ba Đồn.
Các tiết học thực hành phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Các tiết học thực hành phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Hôm chúng tôi đến trường, đúng dịp thầy và trò nhà trường đang tất bật dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị cho năm học mới. Nằm ở "rốn lũ", toàn bộ cơ sở hạ tầng của trường gần như còn nguyên dấu vết loang lổ ngập lũ các năm trước. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với đầy đủ các phòng học chính, phòng học chức năng cùng phương tiện thiết bị dạy học, tuy nhiên, có nhiều dãy phòng đã xuống cấp nghiêm trọng bởi được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hệ thống nhà vệ sinh chỉ đáp ứng được hơn 1/3 nhu cầu của học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Khắc Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ, trường được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 vào năm 2013 và giai đoạn 2 vào năm 2018. Thế nhưng hiện nay, vì hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp nên nhà trường không còn đáp ứng được các tiêu chí theo quy định mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Trường đóng trên địa bàn mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc vận động các nguồn xã hội hóa rất hạn chế. Tuy vậy, chất lượng dạy và học của trường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo thầy Thảo, với bề dày truyền thống gần 60 năm, tập thể ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường luôn quan niệm "lấy học trò làm chủ thể", chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy, khơi dậy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh và đặc biệt là khát vọng vươn lên của các em.

Viết tiếp truyền thống
 
Trải qua gần 60 năm phát triển, hàng vạn con em vùng Nam Ba Đồn trưởng thành từ ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường vẫn huy động được các nguồn lực để hỗ hỗ trợ học bổng khuyến học cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Nhà trường huy động các nguồn lực để hỗ trợ học bổng khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó.
Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường từng bước được nâng lên theo từng năm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều đạt trên 99%, riêng trong năm học 2022-2023 toàn trường có 58 giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên với 81 người có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tận tâm hết lòng trong sự nghiệp trồng người.
 
Với bề dày truyền thống gần 60 năm, Trường THPT Lê Hồng Phong đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Suốt nhiều năm liền, nhà trường đều đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2016; bằng khen của Bộ Giáo dục-Đào tạo năm 2016 và 2021...
Thầy giáo Trần Xuân Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trên tinh thần đổi mới tư duy, sáng tạo, trường đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho giảng dạy và đổi mới phương pháp, tạo hứng thú học tập sôi nổi cho học sinh, góp phần giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh và hiệu quả. Phong trào hoạt động của nhà trường không ngừng được đổi mới và mang lại hiệu quả cao, được phụ huynh và nhân dân địa phương tin tưởng, ủng hộ.
 
"Năm học 2023-2024, Trường THPT Lê Hồng Phong tiếp nhận thêm 495 học sinh khối lớp 10, nâng tổng số học sinh toàn trường lên gần 1.500 em. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng sức, đồng lòng, thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong sẽ không ngừng nỗ lực vươn lên, tiếp nối truyền thống của nhiều thế hệ đi trước trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự kỳ vọng của các cấp, ngành và bà con", thầy Trần Xuân Tiến chia sẻ.
X.Phú

tin liên quan

Hoàn tất công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn đến kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.

"Tiếp sức đến trường" năm học 2023-2024

(QBĐT) - Ngày 31/8, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các nhà tài trợ và địa phương trao học bổng cho 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cả nước có trên 610.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong đợt 1 tuyển sinh vào các trường đại học, trường cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, cả nước có hơn 610.000 thí sinh trúng tuyển.