Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023):

Người con ưu tú của Quảng Bình

  • 15:49 | Thứ Năm, 23/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đầu tháng 5/2009, tham dự hội thảo toàn quốc kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại, tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội, tôi được chứng kiến một cuộc hội ngộ vỡ òa cảm xúc giữa Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với các đồng đội Trường Sơn.
 
Nhiều người mở đầu bản tham luận hoặc bài phát biểu của mình bằng những lời nghẹn ngào thao thiết: “Thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên ơi, em là… ở binh trạm…”. Giờ giải lao, các cựu chiến binh đầu hai thứ tóc ùa đến bên ông nói cười rổn rảng, đôi mắt nhòe nước. Những cựu nữ thanh niên xung phong đã là những bà nội, bà ngoại vẫn tíu tít bên ông gọi bố xưng con...
 
Muốn gặp Trung tướng xin hỏi đôi điều nhưng tôi đành phải “nhường” ông cho họ, đến trò chuyện với bác gái Nguyễn Thị Ngọc Lan, năm ấy đã gần tám mươi tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn và mẫn tiệp. Biết tôi quê ở huyện Tuyên Hóa, bác Lan hào hứng nói: “Quê ngoại của bác trai ở Tuyên Hóa đấy! Hai bác cũng cưới nhau và sinh anh cả ở Tuyên Hóa…”
Nhà thơ Mai Nam Thắng (mặc quân phục) và đạo diễn Nguyễn Văn Vinh, tại một điểm quay phim “Vị Tướng và con đường”.
Nhà thơ Mai Nam Thắng (mặc quân phục) và đạo diễn Nguyễn Văn Vinh, tại một điểm quay phim “Vị Tướng và con đường”.
Vậy là tôi còn được đồng hương cùng huyện với vị Tướng của Trường Sơn huyền thoại. Sau này tìm hiểu kỹ tôi được biết: Thân mẫu của ông là cụ Đặng Thị Cấp, quê ở làng Kinh Châu, xã Châu Hóa, và là cháu ngoại của một lãnh binh họ Trần ở làng Lệ Sơn-một trong 8 làng văn vật nổi tiếng của đất Quảng Bình, gọi là “bát danh hương”. Làng Lệ Sơn và Kinh Châu nằm bên bờ sông Gianh đoạn chảy qua Tuyên Hóa về gần Hạ Bạn, còn làng tôi ở thượng nguồn, trước đây là vùng chiến khu Chợ Gát-Đồng Lào của tỉnh Quảng Bình thời kháng Pháp. Sát phía trên làng tôi là làng Còi, nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quảng Bình, sau này là Trung đoàn 18 anh hùng của Sư đoàn 325 nổi tiếng.
 
Hồi đó, doanh trại của Chi đội Lê Trực cũng là trụ sở của Tỉnh đội. Tại đây, ngày 24/12/1947, Ban hành chính đã tổ chức một bữa cơm “tăng cường” làm tiệc cưới của Chính trị viên Tỉnh đội Đồng Sỹ Nguyên với cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, có sự chứng kiến của Tỉnh đội trưởng Quản Ân và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Diệm. Ông Diệm đã trao cho hai người giấy chứng nhận kết hôn và bắt ông bà phải hôn nhau trước mặt mọi người. Năm sau, họ sinh hạ con trai đầu lòng tại làng Còi...
 
Bởi những sự liên quan hết sức thú vị trên đây, nên đầu năm 2018, khi Thiếu tướng Phan Khắc Hải gợi ý tôi tham gia viết kịch bản cho bộ phim về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Trường Sơn huyền thoại, tôi hăng hái nhận lời. Phim nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn-Đoàn 559 (19/5/1959-19/5/2019), do Thiếu tướng Phan Khắc Hải làm cố vấn nội dung. Anh Hải người Lý Hòa-Bố Trạch, từng là Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin nghỉ hưu đã hơn chục năm và làm Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội.
 
Chúng tôi khẩn trương lên ý tưởng, làm đề cương và đến gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để xin ý kiến. Dịp ấy, ông vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng vẫn ngồi nghe chúng tôi trình bày cặn kẽ từng phần và góp ý rất cụ thể. Ông bảo: “Nói về tôi chỉ là để nói về bộ đội Trường Sơn và con đường Trường Sơn. Đặc biệt, phim của Hội đồng hương Quảng Bình thì phải làm nổi bật vai trò của Quảng Bình đối với đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...”.
 
Về phần “đặc biệt” trên đây, ông nhấn mạnh 2 nội dung. Một là: Huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình là một địa danh lịch sử của đường Trường Sơn. Nơi đây đặt Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, năm 1973, đã hân hạnh đón và đưa Quốc vương Xi-ha-núc cùng Hoàng hậu và đoàn tùy tùng trở về thăm đất nước Campuchia sau nhiều năm lưu vong. Tại đây, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã vinh dự đón tiếp đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến thăm và làm việc để xây dựng phương án rút ngắn thời hạn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đến thăm, kiểm tra khả năng vận tải bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…”. Nơi đây, vào cuối năm 1973 từng diễn ra đại hội mừng công toàn mặt trận của bộ đội Trường Sơn, có bắn pháo hoa là sự kiện chưa từng có lúc bấy giờ… Hai là: Trước khi mở thêm đường 20-Quyết Thắng năm 1966, thì đường 12A nối Quốc lộ 1 lên cửa khẩu Cha Lo là huyết mạch vận tải cơ giới duy nhất nối Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây. Vì vậy, đế quốc Mỹ đã tập trung không quân, có cả B52, đánh phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược này. Có nhiều trọng điểm mỗi ngày hứng trên 30 trận bom các loại...
 
Lắng nghe những lời chỉ bảo trên đây, trong tôi dạt dào cảm hứng, bởi với Quảng Ninh tôi có rất nhiều kỷ niệm và đường 12A chạy dọc huyện Tuyên Hóa của tôi. Những tưởng được vị Tướng trực tiếp dặn dò như thế là vô cùng hiếm hoi quý báu rồi, nào ngờ mấy hôm sau ông lại nhờ người chuyển đến anh Phan Khắc Hải lá thư ông viết tay, nhắc lại những lời ông đã nói với chúng tôi. Nhìn những dòng chữ vốn rất đẹp và rắn rỏi nhưng đôi nét chuệch choạc đứt gãy, chúng tôi biết ông đã yếu lắm nhưng vẫn cố gắng để viết. Càng thương và quý ông vô cùng…
 
Bức thư viết tay của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi nhóm làm phim “Vị Tướng và con đường”.
Bức thư viết tay của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi nhóm làm phim “Vị Tướng và con đường”.
Trong quá trình làm phim, chúng tôi còn tìm gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn và những người thân quen của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên qua các thời kỳ. Trong số đó có đại tá nhà văn Nguyễn Duy Tường, nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản QĐND. Anh Tường là người chắp bút cả 3 cuốn tự truyện và hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Cả 3 lần, nhà văn đều được ông lưu ý phải làm nổi bật vai trò của Quảng Bình đối với đường Trường Sơn và bộ đội Trường Sơn. Quê hương Quảng Bình không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, mà còn là “đất dụng võ” của ông. Vì vậy, ông mang ơn Quảng Bình gấp hai lần tình cảm của một người con quê hương. Trong kháng chiến cứu nước cũng như trong xây dựng hòa bình, khi đương chức cũng như đã nghỉ hưu, ông vẫn luôn hướng về quê hương, quan tâm theo dõi và bằng mọi hình thức tham gia xây dựng quê hương.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy chiến đấu bảo vệ quê hương, xây dựng những mô hình “làng chiến đấu” nổi tiếng khắp cả nước như Cự Nẫm, Cảnh Dương… Hơn 13 năm ông cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Quảng Bình luôn là mảnh đất bộ đội Trường Sơn chọn các địa điểm để đặt bản doanh. Quảng Bình là tâm điểm của 5 tuyến đường ngang, 5 trục vượt khẩu nối Đông-Tây Trường Sơn; là căn cứ tập kết các lực lượng của bộ đội Trường Sơn; là trung tâm dự trữ vũ khí, lương thực, vật tư kỹ thuật của bộ đội Trường Sơn... Và, Quảng Bình là “hậu phương trực tiếp” của bộ đội Trường Sơn, sau mỗi chiến dịch trở về được đồng bào chở che, nuôi dưỡng…
 
Bộ phim phóng sự-tài liệu 2 tập VỊ TƯỚNG VÀ CON ĐƯỜNG của chúng tôi hoàn thành đúng tiến độ, được VTV, VTC, Truyền hình QĐND và nhiều đài truyền hình địa phương phát trong dịp kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn. Tiếc là trước đó hơn 1 tháng, vị Tư lệnh của tuyến đường huyền thoại ấy đã qua đời, thượng thọ 96 tuổi…
 
Minh triết Á Đông dạy rằng: “Tài năng khiến người ta kinh ngạc, đức độ khiến người ta kính phục”. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một con người tài đức song toàn, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong Lời giới thiệu tập hồi ký TRỌN MỘT CON ĐƯỜNG: “Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ (...) Đồng chí là một cán bộ đảng viên mẫu mực, có phẩm chất trong sáng, sống trung thực, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị...”.
 
Đó là những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ mà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-người con ưu tú của quê hương Quảng Bình-là một chiến sĩ tiêu biểu! 
 
Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng

tin liên quan

Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng

(QBĐT) - Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Bình vừa ban hành Đề cương kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023). Báo Quảng Bình điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bản đề cương.

Nhớ bác Đồng Sỹ Nguyên

(QBĐT) - Tôi may mắn có 3 năm dạy học ở Trường cấp 3 vừa học vừa làm ở xã Quảng Trung, quê hương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. 

Vị thần và địa danh Phong Nha

(QBĐT) - Hệ thống hang động vùng Phong Nha-Kẻ Bàng không những có giá trị địa chất, địa mạo, giá trị tự nhiên toàn cầu, mà còn có giá trị thắng cảnh, giá trị văn hóa, tâm linh phong phú, trong đó, động Phong Nha là một trong những hang động có "linh hồn" nhất.