Con chép làng biển
(QBĐT) - Thời tiết qua rằm tháng giêng, gió mùa đông bắc thưa dần nhường cho ngọn gió nồm nhè nhẹ đưa làn sương ẩm từ ngoài biển khơi vào bao phủ vùng cát trắng Bảo Ninh (TP. Đồng Hới).
Đây là thời điểm của những người dân nghèo làng biển (cách đây vài chục năm) đi khai thác một loài hải sản: Con chép. Chép cùng họ với ngao (ngao-sò-ốc-hến). Trong số bộ tứ đó đều có "hộ khẩu" như nhau: Vừa ở vùng nước mặn vừa ở vùng nước lợ và ngọt. Chỉ riêng chép là kẻ duy nhất chỉ có "hộ khẩu" ở biển!
Con chép có cấu hình tam giác vuông. Cạnh đứng dài gấp rưỡi cạnh nằm. Tại góc vuông có một cấu tạo như bản lề để khép hai mảnh vỏ lại với nhau. Con lớn nhất có chiều dài (cạnh đứng) khoảng 5cm. Vỏ chép láng mượt với hoa văn nhiều màu sắc (trắng, nâu, vàng…). “Tuổi” của chép được thể hiện bằng những đường viền đồng tâm trên vỏ.
Chép sống sát bờ biển. Chúng chui xuống cách mặt cát khoảng 10-15cm, ngay chỗ chân sóng vỗ. Thức ăn chủ yếu là phù du lắng đọng trong cát. Con chép có bốn mùa quanh năm. Tuy nhiên, về mùa mưa bão không thể khai thác vì sóng biển lớn. Lúc này, chép tìm ra xa cách bờ và ẩn sâu vào dưới lòng cát.
Vào đầu tháng giêng, thời tiết se lạnh, khi ngọn nồm non từ ngoài khơi tiến vào thay gió đông bắc, những con sóng bạc đầu dần biến mất, bãi biển trở lại phẳng lặng, đây là thời điểm người dân quê tôi (chủ yếu là lớp trung niên, người già và trẻ con) ra bờ biển để bắt chép.
Để bắt được chép, có 2 cách. Cách thứ nhất là "dạy". Mỗi người mang theo một chiếc túi lưới (còn gọi là đạy), đứng dàn hàng ngang ở mép bờ biển nơi có con sóng tràn vào, dùng hai bàn chân vừa đi thụt lùi vừa ngoáy sâu xuống mặt cát. Mỗi khi phát hiện có vật lạ chạm vào chân (đó chính là con chép) thì cúi xuống nhặt lên.Người đi "dạy" chép có thể đi giật lùi như vậy với quãng đường gần 2km trong buổi sáng.
Cách thứ hai là "cào". Dụng cụ (cổ truyền) là một chiếc xương sườn của con bò (có độ lép và cong) hoặc sau này cải tiến, người ta dùng một một thanh sắt mỏng (như chiếc thắt lưng da) dài khoảng 0,5m, uốn cong thành hình bán nguyệt, gọi là chiếc cào. Khi con nước ròng (triều hạ), sóng biển rút ra xa để lại bãi cát bằng phẳng, người bắt chép ngồi, hai tay nắm hai đầu của cào và cào từng nhát sâu khoảng 10cm xuống cát. Từ trong đám cát được xới lên sẽ phát hiện những con chép. Có những nơi mật độ dày đặc, mỗi nhát cào có thể bắt được nhiều con.
Người đi bắt chép rất có ý thức. Chỉ bắt những con cỡ vừa và to, không bắt loại nhỏ. Chép sau khi bắt từ biển về, cho tất cả vào trong chậu (thau, vại…), đổ đầy nước và hòa thêm ít muối ngâm qua đêm để chép nhả hết cát ra ngoài. Sáng hôm sau, mang sang chợ Đồng Hới bán. Đơn vị tính bằng lon (lon sữa bò dùng đong gạo) dành cho chép nhỏ.
Chép to được tính bằng số lượng con. Mỗi buổi sáng, có người bắt được hơn chục lon loại vừa và vài trăm con chép to. Đây là nguồn thu nhập ít ỏi của lớp người có tuổi và trẻ con trong làng. Những người có “thâm niên” trong nghề cào chép hồi đó phải kể đến: Ông Giồng, mệ Lứa, mệ Phè, mệ Ấm, mệ Rẹt…
Với người dân làng biển Bảo Ninh, trong bữa cơm hàng ngày, chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần được húp bát canh chép nấu với dưa non hoặc bầu non, rắc thêm chút rau hao! Chất đồng quê của bầu, dưa, rau cùng với vị ngọt thanh tao mang hương vị biển khó mà quên được!
Ngoài ra, còn có món chép chiên đặc biệt. Để có một món chép chiên, người ta chọn những con chép cỡ lớn đã ráo nước sau khi ngâm đủ thời gian để chép nhả hết cát ra khỏi miệng. Một chiếc chảo nóng phi hành, dầu sôi và cho chép vào đảo đều. Năm phút sau thêm chút gia vị là đã có món chép chiên. Tiêu chuẩn thành phẩm của món chép chiên là: Chép chín nhưng chưa mở miệng phải đạt tỷ lệ 2/3.
Khi ăn, dùng bằng tay để tách vỏ những con chép chưa mở miệng và thưởng thức được những giọt “nước cốt” từ trong đó cùng cảm nhận độ dai, giòn, ngọt của thịt chép vừa đến độ chín tới.
Sau mấy năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nay du khách thập phương đã và đang đến với thành phố biển Đồng Hới. Những ngày đầu xuân, về làng biển Bảo Ninh, du khách được tắm mình trong không khí mát lành của ngọn nồm, trong làn sương mờ ảo tan dần của nắng sớm… Mời bạn thưởng thức món chép chiên, một món ẩm thực dân dã nhưng đầy hương vị khó quên của người dân làng biển…
Đoàn Đoàn
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.