Bảo tàng "đặc biệt"
(QBĐT) - Xã Hiền Ninh với làng Cổ Hiền, vùng đất trù phú nằm bên dòng Đại Giang thuộc “tứ danh hương” huyện Quảng Ninh xưa (Văn, Võ, Cổ, Kim). Tuyến đường 15A trong hệ thống đường Trường Sơn cắt qua xã ở bến phà Long Đại, “tọa độ lửa” khốc liệt một thời. Từ năm 1971-1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn về đóng quân trên địa bàn xã. “Đất anh hùng nuôi những anh hùng”... cho đến hôm nay, người dân Hiền Ninh vẫn lưu giữ trọn vẹn những hiện vật “một thời khói lửa” theo cách riêng có của mình tại một bảo tàng “đặc biệt”-“Bảo tàng cách mạng trong lòng dân”.
Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Trần Văn Lai dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, anh chia sẻ: “Mỗi tấc đất, một địa danh nơi này đều gắn liền với dấu ấn bộ đội Trường Sơn. Là hội trường Bộ Tư lệnh, trước đây dùng làm trụ sở UBND xã; nhà khách và Văn phòng Bộ Tư lệnh nằm trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh; nhà thờ họ Nguyễn là nơi làm việc của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên; nhà thờ họ Trương dùng làm trạm tải ba bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt tuyến chiến trường; lũy Trường Dục chạy dọc theo làng Cổ Hiền với rừng cây nguyên sinh che chắn, ngụy trang cho bộ đội, phương tiện cơ giới... Cứ mỗi lần qua các di tích lịch sử này, người Hiền Ninh vẫn như thấy bóng dáng vị tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn và trùng trùng, điệp điệp lớp quân đi”.
Trong ký ức chưa xa, người Hiền Ninh vẫn nhớ chuyến thăm, chúc Tết Quý Sửu năm 1973 của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng với bộ đội Trường Sơn và Đảng bộ, nhân dân xã nhà. Trong không khí đầm ấm của xuân đất trời, xuân chiến thắng hòa quyện nhau, đồng chí Lê Duẩn khen ngợi bộ đội Trường Sơn: Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng... Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương... Quang vinh thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.
Sáng mồng 2 Tết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính hướng dẫn đồng chí Lê Duẩn thăm cầu phao Long Đại và Binh trạm 12. Trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 12, đồng chí Lê Duẩn xúc động: Tổ quốc ta, nhân dân ta rất tự hào có những người con kiên cường, dũng cảm vô cùng tận như các đồng chí...
Sau chiến thắng Đường 9-Nam Lào và qua 14 năm thành lập, vận hành tuyến chi viện Trường Sơn, lần đầu tiên, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức đại hội mừng công, khai mạc tại hội trường Đoàn 559 ở xã Hiền Ninh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương tham dự đại hội. Đại tướng khẳng định trước đại hội:
Chiến công trong 14 năm qua của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân trên tuyến đường mang tên Bác góp phần xứng đáng vào thắng lợi của các chiến trường. Đó là những cống hiến lớn lao, một trong những cống hiến có tính chất quyết định và chiến lược vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam ta. Không những thế, thành tích, chiến công đó có tác dụng giúp Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương thực hiện chiến lược đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương... Trong thành công to lớn của bộ đội Trường Sơn chứa đựng lời đáp về câu hỏi: Vì sao một dân tộc nhỏ mà anh hùng như Việt Nam ta đã đánh thắng được một tên đế quốc to như đế quốc Mỹ.
Cũng vào tháng 3/1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn nhận lệnh từ Chính phủ, Bộ Quốc phòng đón tiếp đoàn Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc và Hoàng hậu từ Trung Quốc qua Hà Nội, vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia. Được tổ chức đưa đón trọng thị, chu đáo, an toàn, Quốc trưởng và Hoàng hậu vô cùng cảm kích. Chia tay bộ đội Trường Sơn, Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc xúc động: “Ở Bắc Kinh, tôi không hiểu nổi đường Hồ Chí Minh. Qua chuyến đi này, tôi thấy tuyến đường của các bạn vô cùng vĩ đại. Nhất định các bạn sẽ thắng. Là người con đất nước Angkor huy hoàng, vợ chồng chúng tôi rất biết ơn các bạn đang giúp cuộc chiến đấu của nhân dân Campuchia” (trích hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên).
Dấu ấn về Bộ đội Trường Sơn, về quá trình đấu tranh cách mạng của quê hương, người dân Hiền Ninh có một cách lưu giữ rất “đặc biệt” trong một bảo tàng “đặc biệt”-“Bảo tàng cách mạng trong lòng dân” với trên 200 hiện vật, tranh ảnh được sưu tầm, góp nhặt suốt hành trình dài gần 70 năm.
Ghi dấu thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bảo tàng hiện diện rất nhiều kỷ vật chiến tranh: Khẩu súng chính tay đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn giao cho ông Nguyễn Đức Thể sử dụng. Rất nhiều hiện vật là mảnh bom, mảnh đạn, mảnh xác máy bay Mỹ...; các dụng cụ mà bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong, nhân dân sử dụng trong thời chiến, gắn bó với kỷ niệm ác liệt tại tọa độ lửa phà Long Đại, như: Ăng gô, bi đông, túi cứu thương, ruột tượng, cuốc xẻng, phích nước...
Vẫn còn đó trong bảo tàng bức thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Ninh Tết Ất Hợi năm 1995 với nội dung: “Chúc bà con xã Hiền Ninh phát huy truyền thống quê hương hai giỏi, xây dựng làng xã giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc, mọi nhà đều hòa thuận, phấn đấu trở thành làng xã gương mẫu trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà”. Theo thời gian, bức thư nay đã úa vàng, có nguy cơ mai một cùng với nhiều hiện vật giá trị khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng gắn liền với hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, người dân Hiền Ninh luôn tự hào về những năm tháng Bộ Tư lệnh Trường Sơn về đóng quân ở đây. Quân với dân một lòng chia ngọt sẻ bùi, dốc một lòng chi viện cho tiền tuyến quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những kỷ vật chiến tranh, trong đó nhiều hiện vật gắn liền với đường Hồ Chí Minh, “tọa độ lửa” bến phà Long Đại, bộ đội Trường Sơn mà Đảng bộ và nhân dân Hiền Ninh lưu giữ đến ngày hôm nay minh chứng rằng luôn có một bảo tàng sống mãi trong lòng dân, trường tồn cùng thời gian”.
“Cho dù vật đổi sao dời, người dân Hiền Ninh vẫn vẹn nguyên tình cảm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, với bộ đội Trường Sơn”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định-“Như lời thơ năm xưa của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/Trường Sơn vượt núi băng sông/Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa/Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”... |
Ngô Thanh Long
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.