Dấu ấn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đất Minh Hóa
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nhiều tình cảm gắn bó với huyện Minh Hóa. Sau khi đất nước hòa bình, non sông nối liền một dải, Trung tướng vẫn dành nhiều tình cảm đặc biệt cho mảnh đất này, dấu ấn lớn nhất là việc trồng rừng, cây công nghiệp và phát triển hạ tầng giao thông.
Theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, tháng 4/1965, Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định chọn hệ thống cụm hang ở xã Hóa Tiến (Minh Hóa) làm nơi đóng quân. Cụm hang này nằm trong các dãy núi đá vôi xã Hóa Tiến, Hóa Thanh sát tuyến vận tải chiến lược đường 12A, 15A. Đó những hang đá rộng lớn, kín đáo, an toàn, đủ chỗ cho cả trung đoàn trú quân và thuận lợi cho việc cất giấu hàng hóa, làm nơi đặt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh, binh trạm và các kho hàng, xăng dầu, bệnh viện...
Tháng 1/1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên giữ chức Tư lệnh Đoàn 559 rồi gắn bó với mảnh đất Minh Hóa, với đường Trường Sơn huyền thoại. Thời điểm đó, Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự, đưa đón bộ đội, tu sửa các tuyến đường giao thông, cầu, đường liên lạc, vận chuyển xăng dầu, hàng hóa, lực lượng, cứu chữa thương binh, chuyển công văn từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại... Việc chi viện vào miền Nam qua đường Trường Sơn rất khó khăn vì địa bàn dài, lực lượng mỏng, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bom Mỹ rải thảm.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển. Ngay sau đó, các trận địa pháo phòng không được bố trí tại các trọng điểm để bắn trả máy bay địch, bảo vệ nhân dân, lực lượng vũ trang và phương tiện trên khắp các tuyến đường. Trong thời gian đóng quân tại Minh Hóa, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, Đoàn 559 đã bám sát địa bàn, trận địa để chiến đấu anh dũng.
Ông Đinh Văn Liên (85 tuổi), ở thôn Tân Hòa, xã Hóa Hợp kể: “Từ năm 1965-1972, máy bay địch điên cuồng bắn phá khiến cho các tuyến đường, làng mạc từ Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Thanh bị bom cày đạn xới, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và lực lượng vũ trang, hàng chục ngôi nhà bị cháy. Trong gian khổ hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 luôn kề vai sát cánh với nhân dân và các lực lượng khác cùng nhau đánh giặc, làm đường, cứu chữa thương bệnh binh, vận chuyển hàng hóa, phương tiện chi viện cho miền Nam đánh giặc”.
Xã Trung Hóa có đường 15A nay là đường Hồ Chí Minh, đường 12A và nhiều căn cứ quân sự quan trọng nên trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Với dã tâm bẻ gãy các tuyến đường vận tải của ta chi viện cho chiến trường, đế quốc Mỹ đã thay đổi thủ đoạn đánh phá khi vừa công kích vào mục tiêu, vừa đánh liên tục cả ngày lẫn đêm vào các đường chiến lược 12A, 15A làm cho đất đồi đổ xuống lấp các tuyến đường. Riêng tại ngầm khe Rinh, có ngày máy bay địch dội xuống 10 trận bom, cướp đi sinh mạng của hàng chục bộ đội, thanh niên xung phong, cánh lái xe thời đó có câu “Qua ngầm Rinh mới biết mình còn sống”.
Ông Cao Văn Minh (87 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Hóa (từ năm 1973-1975) nhớ lại: “Ngày 26/5/1967, máy bay Mỹ đánh vào thôn Tiền Phong làm 13 người chết. Tháng 7/1967, khi nhiều xã viên của HTX Liêm Phú đi làm về thì 20 chiếc máy bay của Mỹ ném bom liên tục từ 11-17 giờ, thiêu hủy 70 ngôi nhà và làm nhiều người chết và bị thương. Cùng thời gian này tại ngầm khe Rinh, giặc Mỹ thả bom tọa độ làm 9 chiến sĩ lái xe vận chuyển vũ khí quân giới ở công trường 47, thôn Yên Phú về hang Lạn, thôn Tiền Phong hy sinh tại chỗ”.
Với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đoàn 559, cùng các lực lượng vũ trang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Hóa vẫn quyết tâm chiến đấu, bảo vệ con đường huyết mạch. Theo đó, công trường C50 được điều về ứng cứu trọng điểm khe Rinh gồm 400 công nhân bám trụ mặt đường. Chỉ trong vòng 75 ngày, với phạm vi 1km, kẻ địch đã dội xuống 3.700 quả bom nhưng đơn vị vẫn khắc phục cho đường thông. Thời điểm này, cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất ở trọng điểm khe Rinh diễn ra vô cùng quyết liệt.
Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các lực lượng của ta đã bắn hạ nhiều máy bay của địch, con đường huyết mạch vẫn luôn thông suốt, góp phần cho người và phương tiện vào ra chiến trường chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Khi đất nước hòa bình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là Đặc phái viên Chính phủ, đặc trách Chương trình 327, Trung tướng đã nhiều lần về làm việc với huyện Minh Hóa và dành nhiều tình cảm đặc biệt với mảnh đất mà ông từng gắn bó. Riêng giai đoạn từ năm 1991-1993, Chương trình 327 với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, định canh, định cư đã giúp cho huyện vươn lên xóa đói, giảm nghèo…
Ông Đinh Xuân Đình, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, kiêm chủ nhiệm dự án kinh tế mới Pheo (thuộc Chương trình 327) từng nhiều lần làm việc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ: “Phong trào trồng rừng, cây công nghiệp và phát triển đường giao thông trên địa bàn huyện Minh Hóa có dấu ấn rất lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Từ phong trào đó, đến nay, huyện đã trồng được gần 10.000ha rừng sản xuất, hàng trăm ha cây cao su và rất nhiều con đường mới đã được mở. Năm 2002, nhân dịp thông tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn, Trung tướng đã trồng 3 cây đa lưu niệm tại xã Trung Hóa và thị trấn Quy Đạt”.
Ông Đinh Xuân Sang, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa, người có nhiều công trình nghiên cứu, viết lịch sử Đảng các đơn vị, địa phương cho biết: “Trong chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn gần gũi, yêu quý, trân trọng cán bộ, chiến sĩ cấp dưới hết lòng. Do đó, những người lính luôn trân trọng, trung thành tuyệt đối với người chỉ huy của mình. Trong thời bình, vị tướng ấy cũng là người có tầm nhìn xa, trông rộng về lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khi tham mưu cho Chính phủ đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân”. |
Xuân Vương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.