Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Gờ giảm năng" của tạo hóa

  • 08:28 | Chủ Nhật, 03/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đang mùa mưa lũ, lại phải ngồi nhà phòng dịch Covid-19, tôi nhớ một lần về quê trên xe ô tô của một thanh niên (tuổi con cháu). Lần đó, đang lái xe bông cậu ấy nói: “Chú ơi, nếu những hòn lèn này bị san phẳng thì cả cái huyện này bị nước lũ cuốn ra biển hết”. Tôi giật mình với câu nói đó của cậu thanh niên, bất chợt nhìn qua cửa kính thấy dãy núi đá vôi đứng ven đường đang bị người ta khai thác đá, san phẳng dần.
 
Từ câu nói của cậu thanh niên, tôi nghĩ đến cái gờ giảm năng của công trình thủy lợi. Người ta thường xây dựng trên mái phía hạ lưu của đập tràn xả lũ những cái gờ bằng bê tông để giảm bớt cường độ chảy mỗi khi có nước tràn qua, hạn chế sự hung dữ của nước qua mái dốc và hố tiêu năng ở hạ lưu.
 
Địa hình của huyện Tuyên Hóa chẳng giống nơi nào trên đất nước chúng ta; chiều ngang của huyện rất hẹp bởi phía tây nam là dãy Trường Sơn, có một nhánh nối từ các xã Hương Hóa, Thanh Hóa, Kim Hóa...chạy thẳng ra biển ở đèo Lý Hòa (Bố Trạch); phía đông bắc là dãy Hoành Sơn chạy theo hướng Tây sang Đông bắt đầu từ dãy Trường Sơn thuộc địa bàn Hà Tĩnh, qua các xã Hương Hóa, Kim Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa...kéo dài ra tận biển tại đèo Ngang. Tuyên Hóa và Quảng Trạch (nay là huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn) nằm giữa hai dãy núi ấy như một cái “máng” mà Tuyên Hóa là phía thượng du, còn Quảng Trạch là phía hạ du.
 
Hai dãy núi hai bên như mái nhà hướng vào nhau, có nhiều khe suối, nước dồn xuống đổ vào cái “máng” mà điểm tập trung là nơi con sông bắt nguồn từ đèo Mụ Giạ-sông Gianh.
 
Sông Gianh ở thượng nguồn nhỏ như một con suối, chảy luồn lách trong điệp trùng của dãy Trường Sơn. Sau một quãng dài tích hợp nguồn nước của nhiều khe suối khác, đến địa bàn của xã Kim Hóa (Tuyên Hóa), sông rộng dần ra, với nhiều thác ghềnh hung dữ.
 
Từ Thuận Hóa đổ về xuôi, sông bắt đầu chảy chậm dần, uốn lượn quanh co tạo nên dáng hình mềm mại; càng về xuôi nước sông chảy càng chậm. Mùa mưa lũ nước đỏ ngầu, khi lòng sông không chứa hết, mực nước dâng cao, chảy tràn ra, lắng đọng phù sa trên những cánh đồng, làng mạc...
 
Đó chính là nhờ những cái “gờ giảm năng” của tạo hóa - những hòn lèn cao vút.
Những hòn lèn cao vút ở Tuyên Hóa trở thành “gờ giảm năng” của tạo hóa. Ảnh: Bách Chiến.
Những hòn lèn cao vút ở Tuyên Hóa trở thành “gờ giảm năng” của tạo hóa. Ảnh: Bách Chiến.
Địa hình huyện Tuyên Hóa có nhiều lèn (núi đá vôi), phân bố từ đầu huyện đến cuối huyện không theo trật tự nào cả; có chỗ dãy lèn chạy thuận chiều theo địa hình, có chỗ lèn đứng xiên xiên, có nơi lèn quay ngang như thách thức với dòng sông.
 
“Nhất thủy, nhì hỏa”, con sông không chịu thua, không thể dừng lại trên cái “máng” dốc, nên tìm cách chảy về với hạ du. Nơi lèn thuận chiều (như lèn Minh Cầm) thì sông nép mình, cứ chảy; nơi lèn đứng xiên xiên thì sông rẽ sang một bên, tạo ra bên lở, bên bồi; gặp lèn chặn ngang thì sông bẻ ngoặt và uốn lượn...
 
Cũng may, không có chỗ nào lèn chắn bịt ngang cái địa hình lòng máng. Thế nên, phải cảm ơn tạo hóa bởi đã ban tặng những cái “gờ giảm năng” khổng lồ ấy cho cư dân dọc sông Gianh, nhất là đã điều tiết dòng chảy, tạo nên những cánh đồng màu mỡ khi mùa mưa lũ về...
 
Chưa hết, đó chỉ mới nhìn theo chiều của dòng chảy từ thượng du về hạ du, còn chiều ngược lại thì sao? Theo chiều ngược lại, địa hình này như cái ống hút gió bão từ biển vào. Phía biển, khoảng cách từ đèo Ngang đến đèo Lý Hòa khá rộng, càng vào sâu đất liền “cái ống” càng bị thu hẹp lại, vì thế mà hút bão, thuận cho bão đi từ cửa Gianh lên phía thượng nguồn, lên đến vùng trên gió, bão vẫn còn mạnh.
 
Đây là hướng đi của nhiều cơn bão để sang Lào. Cũng nhờ có lèn chắn giữ mà sức mạnh của gió bão giảm đi, hướng gió thay đổi, tản ra, giảm bớt đáng kể thiệt hại cho con người.
 
Bản thân các “gờ giảm năng” này chứa đựng biết bao điều bí ẩn của thiên nhiên trên đó, với hệ sinh thái đặc trưng của núi đá vôi, nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm như: Sơn dương, voọc, cây gỗ mun sọc, các loài cây thuốc, cây làm cảnh... Núi đá vôi ở đây cũng tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều hang động đẹp; cung cấp vật liệu cho xây dựng các công trình...
 
Nhưng có lẽ quan trọng nhất của những cái “gờ giảm năng” ấy với con người là chức năng phòng hộ, môi trường, cảnh quan...
 
Trên địa bàn Tuyên Hóa, nhiều núi đá vôi nằm cách xa con sông, xa đầu mối giao thông nên ít bị khai thác đá (có lẽ do chi phí cao, lợi nhuận thấp); trong khi đó nhiều lèn đá ở gần sông, làng mạc, cánh đồng có cảnh quan đẹp, là môi trường sống của loài voọc... thì đang bị tận dụng khai thác.
 
Cứ hình dung, với địa hình như cái “máng” dốc mà không có những lèn núi đá vôi ngăn trở, thì sẽ còn lại những gì khi nước lũ trút xuống, chảy xiết qua? Tôi lại sực nhớ, đoạn sông khi chảy đến địa phận của chợ Gát gặp lèn Tiên Giới đứng sừng sững, hiên ngang nên sông phải chảy qua phía Vịnh Thế, ôm lấy Phúc Sơn (Đức Hóa) rồi mới về với Minh Cầm. Quá trình uốn lượn đó, đoạn sông này trở nên thơ mộng nhưng lại gây ngập lụt cho các xã phía trên khi mùa mưa bão đến, nhất là Thạch Hóa.
 
Vì thế, có người đã nói ước chi đào cho sông chảy thẳng về Yên Tố! Thôi, được cái này thì mất cái khác, có khi cái mất sẽ lớn hơn! Cứ để mặc cho tạo hóa, nếu sông chảy thẳng thì dọc hai bờ sông sẽ còn gì trong mùa mưa lũ (kể cả phía trên và dưới lèn Tiên Giới)? Trong khi đó, Tuyên Hóa là địa bàn nắng lắm mưa nhiều; hạn hán cũng rất khốc liệt mà mưa lũ cũng rất dữ dội.
 
Sinh sống ở đâu, thì phải chịu tác động của thiên nhiên ở đó, cần tìm cách khắc phục và thích nghi, hạn chế thiên tai, sống chung với lũ... Bài học sinh tồn từ hàng thế kỷ qua là phải cấp thiết bảo vệ thiên nhiên, khai thác tài nguyên hợp lý; phải xem xét, cân nhắc kỹ đến các yếu tố tác động, tránh gây hậu quả xấu cho môi trường, vì lợi ích chung.
 
Những cái “gờ giảm năng” mà tạo hóa sinh ra như để cân bằng trạng thái cấu trúc của địa hình nơi đây. Thế nên, băn khoăn của thanh niên kia là có cơ sở!
 
Hoàng Xuân Trinh
 

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...