Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lệ Kỳ - vùng đất địa linh

  • 07:34 | Thứ Năm, 07/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm phía bắc của huyện Quảng Ninh, làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh là miền quê có phong cảnh kỳ thú, gắn liền với những năm tháng khốc liệt của cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn.
 
Nước non làng Lệ Kỳ
 
Sơn kỳ, thủy tú, núi, sông làng Lệ Kỳ ẩn chứa trong mình nhiều nét khá kỳ lạ. Núi có nhiều ngọn khá nổi tiếng như: Đầu Mâu, Ông Hồi, Nhự Nha, Lệ Kỳ… Núi Đầu Mâu cao 783m, núi có dáng tựa như đỉnh chiếc mâu nên có tên gọi đó. Sách Ô Châu cận lục chép: “Núi ở huyện Khang Lộc, gần xã Viễn Tuy. Hình núi nhọn hoắt như chỏm mũ đầu mâu. Tục truyền trên núi có cái giếng, trong giếng có loài cá.
 
Dưới chân núi có con sông lớn, sản thứ cua ngon nổi tiếng”[1]. Thế núi hiên ngang, hùng dũng, xa xa về phía đông nam là phá Hạc Hải nên được người đời truyền tụng phương danh “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”. Ý nói núi Đâu Mâu như ngòi bút, phá Hạc Hải như nghiên mực, tượng trưng cho vùng đất văn vật. Hiếm có một địa phương nào ở tỉnh Quảng Bình mà các sơn danh được các bộ sử như: Ô Châu cận lục, Đại Nam nhất thống chí, Phủ Biên tạp lục, Đồng Khánh địa dư chí… mô tả nhiều như núi non làng Lệ Kỳ.
Bộ sưu tập rìu đá và các mảnh gốm của ông Hà Đức Thuyết, thôn Lệ Kỳ 3.
Bộ sưu tập rìu đá và các mảnh gốm của ông Hà Đức Thuyết, thôn Lệ Kỳ 3.
Làng Lệ Kỳ tuy lắm núi nhưng sông, suối lại ít. Về sông, chỉ có con sông Cổ Lũy, nay gọi là sông Lệ Kỳ. “Ở phía Đông huyện 12 dặm, nguồn sông từ rừng Đức Phổ chảy theo hướng Tây Nam, đến ấp Tráng Thiệp thì có một nhánh lớn chảy vào, rồi chảy qua phường Bình Phúc, lại đến phía nam Cầu Dài thì chảy vào sông Nhật Lệ. Lại có một nhánh từ đồng ruộng xã Lệ Kỳ chảy theo hướng Đông Nam ra đến cây cầu ngắn, rồi đổ vào sông Nhật Lệ”[2].
 
Trong phần Phong tục-Tổng luận về phủ Tân Bình, sách Ô Châu cận lục chép: “Núi An Niểu xanh tươi, nước Lệ Kỳ trong vắt”[3] để ngợi ca sự nổi tiếng của nguồn nước của làng. Trên vùng đất của làng hầu như nơi nào cũng đào trúng mạch nước ngọt. Có khá nhiều giếng làng như: Giếng Bàu, giếng Khế, giếng Mả… nhưng khu vực có nguồn nước ngọt và ngon nhất là lòi Chùa, lòi Thị, ở vị trí trung tâm của làng. Rừng Lệ Kỳ lúc xưa rậm rạp với nhiều loại gỗ quý hiếm như: Lim, gõ, chua, sến…, nhiều động vật quý hiếm như: Hổ, báo, gấu…
 
Làng Lệ Kỳ còn là vùng đất lưu dấu người Việt cổ sinh sống. Tư liệu minh chứng chính là 35 chiếc rìu đá và hàng chục mảnh gốm được ông Hà Đức Thuyết tìm thấy tại xóm 2, nay là thôn Lệ Kỳ 2. Số rìu đá này thuộc thời kỳ hậu sơ kỳ đá mới-tiền kim khí, liên quan đến di chỉ Bàu Tró, có niên đại cách đây khoảng 3.500-4.000 năm. Từ những nét đặc trưng tiêu biểu, lạ kỳ của núi, sông và phong cảnh nơi đây mà những vị tiên hiền khai canh lập làng đặt tên cho làng với tên gọi Lệ Kỳ, nghĩa là làng quê có vẻ đẹp kỳ lạ.
 
Đến nay, không có thư tịch hay nguồn sử liệu nào phản ánh quá trình hình thành làng Lệ Kỳ nhưng trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An ra đời vào năm 1558 đã thống kê, xã Lệ Kỳ là thuộc huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình. Qua đó có thể thấy, làng Lệ Kỳ được manh nha hình thành trước khi Ô Châu cận lục, cuốn địa chí đầu tiên chép về phủ Tân Bình, nay là tỉnh Quảng Bình ra đời.
 
Dấu tích một thuở binh đao
 
Trong những năm tháng sôi động của lịch sử dân tộc, sự kiện gắn liền với địa danh Lệ Kỳ, chính là cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 200 năm. Chính vì vậy, hiện nay, trên vùng đất Lệ Kỳ vẫn còn dấu tích nhiều công trình quân sự gắn liền với sự kiện bi tráng này.
 
Tháng 8, năm Tân Mùi (1631), lũy Nhật Lệ đắp xong. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình để xem xét núi sông, biết hết hình trạng cao thấp, rộng hẹp. Khi về, Đào Duy Từ nói với Chúa Nguyễn rằng: “Thần xem từ của biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy Trường Dục”[4]. Có lẽ do nhận thấy được những khó khăn, trở ngại khi xây dựng lũy nên Chúa Nguyễn từ chối. Đào Duy Từ nhân đó mà cáo ốm, sáng tác thơ ca gửi vào đó tâm tình với lời lẽ rất khích thiết. Thấy vậy, Chúa Nguyễn đồng ý cho làm.
Cổng Võ Thắng. (Ảnh: Tư liệu)
Cổng Võ Thắng. (Ảnh: Tư liệu)
Sách Đại Nam thực lục mô tả việc xây lũy Đầu Mâu: “Duy Từ cùng với Hữu Dật trông coi công việc. Duy Từ đến, tính công họp dân để khởi công đắp không lũy dài. Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm năm bực, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc…”[5].
 
Núi non làng Lệ Kỳ không cao mà hiểm trở, sông không rộng và sâu nhưng lắm bùn lầy mà ẩn hoạ khôn lường. Dựa vào cấu tạo và liên kết tự nhiên của hình sông, thế núi, Đào Duy Từ chọn bờ nam sông Lệ Kỳ, nơi có vị trí xung yếu để xây dựng lũy Đầu Mâu, một trong những phòng tuyến lợi hại bậc nhất của hệ thống chiến lũy thời Trịnh-Nguyễn phân tranh.
 
Đào Duy Từ đã liên kết, bố trận lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ, lũy Trường Sa, trận đồ đầm lầy Võ Xá, lũy Trường Dục thành hệ thống phòng tuyến vững chắc, hướng quân Trịnh đánh theo ý đồ của mình. Chính vì vậy, lũy Đầu Mâu luôn được các triều đại nhà Nguyễn hết sức quan tâm, liên tục tu bổ, về sau xây dựng kiên cố.
 
Sau khi Bắc tuần vào năm 1842, vua Thiệu Trị đã sáng tác ba bài thơ với tựa đề “Định Bắc Trường thành tác tam thủ”. Trong đó, bài thứ ba đề cập đến địa danh Đâu Mâu: “Bích huyết dư lưu quang Nhật Lệ/Hoàng trần viện chướng nhiễm Đầu Mâu”. Nghĩa là: Máu của binh sĩ vẫn còn xanh biếc sáng cả dòng Nhật Lệ/Bụi vàng của bình phong càng nhuốm rõ núi Đầu Mâu.
 
Việc chọn vùng đất Lệ Kỳ xây dựng tuyến phòng thủ Đầu Mâu lợi hại là sự lựa chọn vô cùng sáng suốt và thông tuệ, thể hiện nhãn quan, thiên tài quân sự và tầm nhìn chiến lược của Đào Duy Từ. Chính điều này đã góp phần bảo vệ được kinh đô Phú Xuân, giúp nhà Nguyễn đứng vững suốt 46 năm trước sự tấn công quyết liệt của quân Trịnh. Sau khi qua đời, người dân Quảng Bình thành kính lập đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ ở phía tả cổng Võ Thắng.
 
Là làng quê có phong cảnh kỳ thú nhưng sứ mệnh lại trao cho làng Lệ Kỳ trở thành vùng đất chiến địa trong lịch sử dân tộc.
 
Khánh Linh
 
[1] Dương Văn An, Ô châu cận lục, NXB Văn hóa Á châu, Sài Gòn, năm 1961, tr11-12.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr 506.
[3] Dương Văn An, Ô châu cận lục, Sđd, tr50.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, Tập 1, tr47.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, Tập 1, tr47-48.

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...