Ước mơ của Kiên

  • 07:53 | Thứ Bảy, 06/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cha bị di chứng của chất độc da cam/dioxin nên mất khả năng lao động, mẹ lại không được lanh lợi... Gia cảnh khó khăn khiến giấc mơ vào giảng đường đại học của em Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Ninh Châu (Quảng Ninh) có nguy cơ bỏ lỡ.
 
Gia cảnh nghèo khó
 
Về thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh), nhắc tới hoàn cảnh của em Nguyễn Trung Kiên, không ai không khỏi xót xa, thương cảm. Nhà của Kiên nằm trong con ngõ nhỏ. Nói là nhà nhưng bên trong hầu như không có gì đáng giá. Đồ đạc trong nhà đều là đồ cũ người ta không dùng nữa đem cho, đến cái ghế nhựa mời khách ngồi cũng phải qua nhà bà nội mượn. Căn nhà tạm 40m2 tuềnh toàng, chật chội là nơi sinh sống của gia đình 5 người.
 
Bố Kiên-anh Nguyễn Xuân Tỵ bị di chứng của chất độc da cam/dioxin từ khi mới lọt lòng, dù cơ thể lành lặn nhưng từ nhỏ anh Tỵ luôn ốm yếu, quanh năm “làm bạn” với thuốc men. Vì cơ thể gầy gò, không được “nhanh nhẹn” nên anh Tỵ không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn phụ việc nhà.
 
Bà Đỗ Thị Tới, bà nội của Kiên kể, trước đây, nhà nghèo lại đông con khốn khó trăm bề, dù không có sức khoẻ nhưng anh Tỵ cũng phải ra sông bắt hến phụ mẹ kiếm ăn qua ngày. Dù đã đến tuổi dựng vợ gả chồng nhưng vì “có bệnh” nên anh Tỵ vẫn ở vậy. Sau này, trong một lần ra sông bắt hến, anh Tỵ quen được chị Võ Thị Dung ở xã An Ninh rồi kết duyên vợ chồng.
Hai bố con trong ngôi nhà tuềnh toàng, chật chội.
Hai bố con trong ngôi nhà tuềnh toàng, chật chội.
“Dung cũng không được nhanh nhẹn như người ta nên khi cháu Kiên ra đời, gia đình lại càng khó khăn hơn. Tôi nay tuổi đã cao nhưng vẫn phải nhịn ăn, nhịn mặc, phụ giúp nuôi con, nuôi cháu. Rồi lần lượt 2 đứa nhỏ nữa ra đời, gia đình lại càng cơ cực hơn. Nhiều lúc thương con, thương cháu nhưng không biết phải làm thế nào”, bà Tới nghẹn ngào chia sẻ.
 
Từ sáng sớm, không kể ngày nắng hay mưa, anh Tỵ, chị Dung lại “đằm mình” trên sông để mò hến. “Nghề mò hến rất vất vả, phải ngâm mình trong nước hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng gay gắt của mùa hè, mùa đông thì rét run người. Anh Tỵ sức khoẻ vốn đã yếu, hàng ngày phải ngâm mình trên sông rất nguy hiểm nhưng vợ chồng tôi ngoài mò hến ra không biết làm gì để kiếm sống. Biết là nguy hiểm nhưng ít ra còn có cái để nuôi con. Hôm nào may mắn thì được vài ba chục nghìn, hôm nào ít thì cũng đủ cho con ăn hến thay thức ăn”, chị Dung tâm sự.
 
Nhiều năm nay, gia đình Kiên luôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Gia đình không có lao động chính, không có thu nhập lại thường xuyên ốm đau bệnh tật. Ba đứa con thì đang trong tuổi ăn, tuổi học. “Mấy đứa nhỏ khổ lắm o ơi. Mùa hè, ba mẹ còn bắt được hến thì có cái để ăn chứ vào mùa mưa lũ thì chỉ ăn cơm trắng với ít rau trong vườn, nhiều lúc “ăn bữa nay lo bữa mai”. Việc học hành nhờ cả vào sự hỗ trợ của nhà trường và anh em họ hàng, bà con lối xóm. Từ quần áo, sách vở đến đồ dùng học tập đều là đồ cũ được cho”, bà Tới cho hay.
 
Và giấc mơ đến trường
 
Kiên là con lớn trong gia đình, sau Kiên còn có 2 em nhỏ, một em học lớp 4 và một em học lớp 2. Từ nhỏ, Kiên đã biết phụ giúp bố mẹ làm việc nhà và việc đồng áng. Dù gia cảnh khó khăn, không có thời gian, không gian để học tập nhưng Kiên lại học rất giỏi, nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường. Đặc biệt, em học giỏi môn Hóa học với thành tích cao: Năm lớp 8 đạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện, lớp 9 đạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh, lớp 11 đạt giải ba cấp tỉnh và năm học này Kiên đã xuất sắc đạt giải nhất cấp tỉnh.
 
Cô Lê Thị Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Ninh Châu chia sẻ: “Kiên là tấm gương học sinh nghèo vượt khó của trường. Dù điều kiện gia đình của em rất khó khăn, bố mẹ đau ốm quanh năm nhưng em luôn cố gắng học tập và đạt thành tích cao. Không chỉ học giỏi, em còn là một trong số ít học sinh xuất sắc được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
 
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Ninh Nguyễn Duy Nhân chia sẻ: “Gia đình em Kiên là hộ đặc biệt khó khăn ở địa phương nhưng em lại học rất giỏi. Giờ em không có điều kiện để đi học tiếp, đây quả là điều rất thiệt thòi. Chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm rất quan tâm đến gia đình em nhưng cũng chỉ hỗ trợ được trong phạm vi có thể. Chúng tôi rất mong, các nhà hảo tâm hãy dang tay giúp đỡ để em có cơ hội được tiếp tục được đến trường”.
Học giỏi, con đường bước vào cổng trường đại học đã rộng mở phía trước, nhưng đó là đối với những học sinh có điều kiện gia đình chu toàn; còn với Kiên lại khác. Em đang đứng trước nguy cơ phải bỏ lỡ ước mơ học đại học vì ba mẹ không đủ khả năng cho em đến trường. Trước đây, phần vì là hộ nghèo nên được nhà trường miễn học phí, phần được anh em họ hàng hỗ trợ nên bố mẹ Kiên vẫn gắng gượng nuôi các con ăn học. Nhưng nay, để nuôi Kiên học đại học thì vượt quá khả năng của gia đình.
 
“Tôi biết con rất muốn đi học, nhưng hoàn cảnh gia đình hiện tại quá khó khăn thì biết lấy gì để lo cho cháu. Vay mượn thì không ai cho vì sợ không có khả năng để trả. Ngôi nhà xây trên mảnh đất không có sổ đỏ nên cũng không thể cầm cố để vay ngân hàng. Biết hoàn cảnh của gia đình, Kiên định nghỉ học một vài năm đi phụ hồ kiếm tiền để đi học đại học. Thương con đứt từng khúc ruột nhưng tôi không biết phải làm sao”, gạt giọt nước mắt nghẹn ngào chị Dung chia sẻ.
 
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai của mình, Kiên chỉ biết cúi đầu, mặc cho giọt nước mắt lăn dài trên má. “Em muốn học công nghệ thông tin, muốn có việc làm ổn định để giúp ba mẹ thoát nghèo. Và muốn thoát được nghèo chỉ có con đường học tập, nhưng với thực tế hiện tại của gia đình, không cho phép em mơ đến một giấc mơ xa như vậy”, giọng Kiên nghẹn ngào.
 
Chia tay Kiên và gia đình, lòng chúng tôi nặng trĩu, xót xa. Liệu Kiên có thể thực hiện được ước mơ bước vào giảng đường đại học khi cuộc sống gia đình quá khó khăn. Để em có thể viết tiếp giấc mơ, hướng về tương lai phía trước, rất cần sự động viên, sẻ chia của cộng đồng.
Lan Chi
 
 
Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn đọc hảo tâm với gia đình em Nguyễn Trung Kiên, xin vui lòng liên hệ đến chị Võ Thị Dung theo số điện thoại: 0826264487.
 
Hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình, số TK: 128000000559-Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.
 
Công ty Điện lực Quảng Bình đồng hành cùng chương trình này.

 

 

tin liên quan

Giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm được huyện Bố Trạch thường xuyên quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Nhờ đó, nhiều lao động có việc làm mới, ổn định, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

TP. Đồng Hới: Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa du lịch năm 2023

(QBĐT) - Bà Hoàng Thị Thanh Nhung, Phó Chủ tịch Thường trực TP. Đồng Hới, cho biết: Ngày 18/4, thành phố thành lập đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Thông báo treo Quốc kỳ và nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

(QBĐT) - Ngày 17/4, UBND tỉnh có Thông báo số 692/TB-UBND về việc treo Quốc kỳ và nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 2023.