Tuyên Hóa: Nhiều nơi "khát" nước sạch mùa khô hạn

  • 07:36 | Thứ Năm, 25/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi mùa nắng nóng bắt đầu, người dân khu vực nông thôn Tuyên Hóa càng thêm lo lắng về nguồn nước sinh hoạt. Bởi trên địa bàn  huyện vẫn còn nhiều xã chưa có công trình nước sạch (NS) tập trung, một số xã có công trình cấp nước nhưng rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng, kém bền vững, có trường hợp ngưng hoạt động nhiều năm nay.
 
Thiếu công trình NS tập trung
 
Được sự quan tâm của các cấp, ngành, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa được ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình NS, nâng cao chất lượng NS phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, một số địa phương được điều chuyển các công trình sang Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) quản lý theo đề án nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp NS nông thôn tập trung nên có nguồn NS ổn định, hiệu quả.
 
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều nơi chưa có công trình NS tập trung, nhiều xã có công trình NS nhưng hoạt động không bền vững, thậm chí là dừng hoạt động gây thiếu NS sinh hoạt trong mùa khô hạn.
 
Sơn Hóa có 1.162 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu, là xã tiếp giáp thị trấn Đồng Lê nhưng đến nay chưa có công trình NS sinh hoạt. Từ bao đời nay, người dân nơi đây chủ yếu sử dụng nguồn giếng đào, giếng khoan nhưng những năm gần đây, do sự biến đổi khí hậu nên giếng đào, giếng khoan bị cạn nước.
 
Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa cho biết: "Trước đây, giếng đào luôn có nước để dùng, những năm gần đây, chưa đến hè thì giếng đào cạn nước, 3 gia đình gần nhau góp vốn để khoan giếng nhưng về mùa nắng hạn phải bơm nhiều lần, dùng dè xẻn mới đủ để sinh hoạt. Nhà nào cũng mất hàng chục triệu đồng khoan giếng, có hộ kém may mắn phải khoan đi khoan lại 2-3 lần mới được. Ở khu vực đất đai rộng lớn nhưng người dân ở đây không thể trồng trọt hay làm trang trại chăn nuôi lớn cũng chỉ vì không có nước, mùa hè cây cối khô cháy cả."
 
Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết, Sơn Hóa là địa phương có địa hình đồi núi dốc, dân cư thưa thớt. Khi xây dựng công trình NS thì đường ống nối về các hộ dân rất dài, để xây dựng công trình NS tập trung, cần có kinh phí lớn nên nhiều năm qua địa phương chưa được đầu tư công trình NS tập trung.
Công trình cấp nước tại xã Đức Hóa được đánh giá là không bền vững vì trong tương lai nguồn nước đầu nguồn bị khô cạn.
Công trình cấp nước tại xã Đức Hóa được đánh giá là không bền vững vì trong tương lai nguồn nước đầu nguồn bị khô cạn.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Lê Anh Tuấn cho biết: Cuối năm 2023, địa phương đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) nhưng hiện tiêu chí 17.1 về tỷ lệ sử dụng NS tập trung chưa thực hiện được. Bởi theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025, các xã không thuộc khu vực III phải có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng NS từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện thẩm định đạt chuẩn NTM.
 
Hiện, địa phương cũng đã khảo sát phương án đấu nối từ công trình NS thị trấn Đồng Lê nhưng cũng rất khó thực hiện. Mong muốn của chính quyền địa phương cũng như người dân Sơn Hóa là được đầu tư công trình NS trên địa bàn để người dân ai cũng có NS để dùng và phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
 
Không chỉ riêng Sơn Hóa, Lê Hóa cũng là xã gần thị trấn Đồng Lê nhưng chưa có công trình NS tập trung. Chủ tịch UBND xã Lê Hóa Đậu Đình Hùng cho biết: Do chưa có công trình NS tập trung, người dân sử dụng chủ yếu là nước giếng đào, giếng khoan. Về mùa khô hạn, nếu giếng đào cạn thì người dân dùng chung giếng khoan, mua nước bình để ăn, uống; còn tắm giặt, sinh hoạt thì sử dụng nước khe suối, nước sông Gianh. Mong muốn của người dân nơi đây có nguồn nước sinh hoạt tập trung để sử dụng cũng như chăn nuôi, trồng trọt.
 
Hiện, Tuyên Hóa vẫn còn 4 xã vẫn chưa có NS tập trung để dùng, gồm: Sơn Hóa, Lê Hóa, Ngư Hóa, Thanh Thạch.
 
Nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng
 
Bên cạnh các địa phương không có công trình NS thì nhiều địa phương đã có công trình NS tập trung nhưng công trình không phát huy được hiệu quả, thậm chí là ngưng hoạt động, gây thiếu nước trầm trọng trong mùa hạn hán. Đơn cử như ở xã Đức Hóa, địa phương có 7 thôn nhưng hiện mới chỉ có 1 công trình NS tập trung phục vụ cho 3 thôn 2, 3 và 4.
 
Công trình được xây dựng từ năm 2012 đến nay vẫn còn hoạt động nhưng không bền vững do sự biến đổi của khí hậu cùng với việc phá rừng nguyên sinh để trồng rừng kinh tế nên nguồn nước của công trình ngày càng cạn kiệt. Bình thường, công trình này phục vụ cho khoảng 300 hộ dân nhưng đến đầu mùa khô như hiện nay thì chỉ cấp nước cho khoảng 150 hộ đầu nguồn, các hộ còn lại phải sử dụng các nguồn nước khác từ khe suối, giếng đào.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 21 công trình cấp nước tập trung, nhưng chỉ có 6 công trình cấp nước bền vững, 7 công trình hoạt động tương đối bền vững, 6 công trình hoạt động kém bền vững và 2 công trình ngưng hoạt động (ở thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa và bản Chuối, xã Lâm Hóa).
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết: Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh, các ngành, các tổ chức khảo sát, đánh giá đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sinh hoạt phù hợp cho các vùng chưa được cấp nước tập trung trên địa bàn. Hiện, các xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Thanh Hóa, Cao Quảng có công trình NS tập trung cấp đủ nước cho bà con sử dụng, còn lại một số xã có công trình nước nhưng kém bền vững, người dân vẫn bị thiếu nước vào mùa khô hạn.
 
Việc đầu tư các công trình NS tập trung trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mong muốn của địa phương trong thời gian tới là UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình NS trên địa bàn để người dân có NS sử dụng. Đặc biệt, các địa phương có công trình NS kém bền vững nên bàn giao lại cho Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh quản lý, điều hành để phát huy hiệu quả.
 
Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Bùi Thái Nguyên cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân về NS, rất cần sự đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp; nên đầu tư các nhà máy có quy mô lớn, phục vụ nhu cầu liên xã, không nên đầu tư manh mún, làm giảm hiệu quả sử dụng sau đầu tư.
Thanh Hoa

tin liên quan

Nhiều vi phạm mua sắm, đấu thầu bắt nguồn chính từ giá gói thầu

Các quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế của dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) còn chưa đủ căn cứ thực hiện, cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho đầy đủ.
 

Đẩy mạnh tiết kiệm điện mùa khô năm 2023

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 944/UBND-KT về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện mùa khô năm 2023.

Tổ chức hơn 40 hội nghị khách hàng phát triển người tham gia bảo hiểm

(QBĐT) - Thời gian qua, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động.