Luồn rừng "lượm" đặc sản

  • 09:10 | Chủ Nhật, 21/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch hàng năm, cứ sau những cơn mưa rào là loài ốc lèn ẩn mình trong những hốc đá, dưới tán rừng già Phong Nha-Kẻ Bàng lại bò ra ngoài để ăn lá cây rừng. Vào thời điểm này, đồng bào Rục ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò o Ồ ồ (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) lại rủ nhau vào rừng, xuyên đêm “săn” ốc lèn-đặc sản của vùng đất này.
 
Xuyên đêm “săn” đặc sản
 
Một buổi chiều cuối tháng 3/2023 âm lịch, sau khi hoàn thành công việc ở Đồn Biên phòng Cà Xèng đóng bên trong các bản của người Rục, chúng tôi chuẩn bị xuống núi, thì trời bất chợt đổ mưa sau nhiều ngày nắng nóng. Trận mưa rào kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã làm nhiệt độ những ngày đầu hè giảm sâu, cây rừng dường như xanh hơn khi vừa được tắm mưa.
 
Tiễn chúng tôi ra cổng, trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng bỗng nhiên đề nghị: “Hay là nhà báo ở lại, đêm nay đi bắt ốc lèn với đồng bào. Trời vừa mưa xong, tối nay dân bản sẽ kéo nhau đi “săn” ốc lèn đấy”.
 
“Được lời như cởi tấm lòng”, chúng quyết định ở lại để được “trải nghiệm” đi “săn” ốc lèn với đồng bào Rục. Bấm điện thoại, anh Ninh gọi cho ai đó để sắp xếp chuyến đi. Sau một lúc trao đổi, anh ngắt điện thoại, quay sang nói với chúng tôi: “Xong rồi, tối nay chắc chắn các nhà báo sẽ có một chuyến trải nghiệm thú vị cùng với ông Cao Ngọc Đoàn, một người Rục lành nghề “săn” ốc lèn nhất bản Ón”…
Ông Cao Ngọc Đoàn và hơn 50 con ốc lèn vừa bắt được.
Ông Cao Ngọc Đoàn và hơn 50 con ốc lèn vừa bắt được.
Ở vùng núi, màn đêm buông xuống rất nhanh, vừa đến cửa rừng, trời đã tối om. Đầu đội đèn pin, lưng mang gùi, bên hông dắt thêm một con dao quắm, ông Đoàn thoăn thoắt bước lên phía trước dẫn chúng tôi men theo con đường mòn ven suối để đi vào rừng.
 
Càng vào sâu, con đường càng dốc, lởm chởm đá tai mèo, bởi điểm đến của chúng tôi là những tán rừng nằm lưng chừng lèn núi. Ở cái tuổi 65, ông Đoàn vẫn rất nhanh nhẹn, cường tráng, bước chân vững chãi, thoăn thoắt làm chúng tôi muốn đứt cả hơi để theo cho kịp. Ông Đoàn nói, đi rừng chủ yếu là kinh nghiệm, ở vùng rừng này ông đã thuộc từng lùm cây, bụi cỏ nên chúng tôi cứ yên tâm mà bám theo.
 
Theo ông Cao Ngọc Đoàn, con ốc lèn thường xuất hiện sau những trận mưa rào, bắt đầu từ đầu tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, khi trời bắt đầu nắng hạn kéo dài. Những tháng còn lại chúng vùi mình dưới đất, trong những hốc đá hoặc các lớp lá dày.
 
“Có một điều đặc biệt, không chỉ xuất hiện sau cơn mưa rào mà chỉ khi màn đêm buông xuống, ốc lèn mới chịu bò ra khỏi nơi trú ấn để ăn lá và ngọn cây rừng. Vì vậy, muốn bắt ốc lèn chúng ta phải đi vào ban đêm…”, ông Đoàn giải thích thêm.
 
Sau một hồi cắt rừng đi bộ, điểm dừng chân của chúng tôi là vùng rừng bên những lèn núi đá vôi cạnh thung lũng Ma ma Ka tắp. Ông Đoàn kể, đây là vùng đất có nhiều hang đá mà người Rục đã từng sinh sống cách đây hơn 60 năm về trước. Ngày đó, cuộc sống “săn bắt hái lượm” đã giúp người Rục có những bản năng sinh tồn đặc biệt trong rừng già. Trong các “sản vật” của rừng mà tổ tiên truyền lại thì ốc lèn cũng là một nguồn thức ăn quan trọng trong cuộc sống của người Rục.
 
“Lượm” tiền triệu dưới tán rừng
 
Ốc lèn là loài ốc sống ở khu vực rừng bên núi đá vôi. Ốc lèn to bằng con ốc bươu nhưng vỏ dày hơn. Thức ăn của loại ốc này là lá và ngọn cây rừng tầng thấp mọc bên lèn đá, trong đó có cả những cây thuốc quý.
 
Đã am hiểu đặc tính của loài ốc lèn, ông Đoàn rọi đèn pin vào bụi cây táy và dùng con dao quắm vạch lá tìm ốc. Một con, hai con, ba con ốc lèn đang vươn râu, chậm chạp bò lên thân cây. Vừa nhanh tay bắt những con ốc lèn bỏ vào gùi, ông Đoàn vừa giải thích: “Lá táy là thức ăn mà ốc lèn thích nhất trong các loại cây rừng!”.
Món ốc lèn hấp chấm với muối cheo.
Món ốc lèn hấp chấm với muối cheo.
Ngoài bụi cây táy, ánh đèn pin của ông Đoàn liên tục chiếu rọi từ các vách đá, đến những bụi cây rừng, nơi mà ông đoán chắc là sẽ xuất hiện những con ốc lèn. Chúng tôi cũng bắt chước làm theo ông và cũng may mắn “săn” được một vài con. Cứ như vậy, cái gùi của ông Đoàn cứ đầy dần. Ước chừng trong gùi được khoảng 50 con ốc lèn thì ông Đoàn bảo với chúng tôi: “Hôm nay đưa nhà báo đi trải nghiệm nên đến đây miềng (mình) về thôi. Chứ bình thường thì miềng đi cả đêm, mặt trời lên lại mới quay về!”.
 
Không biết mất bao nhiêu thời gian nhưng khi trở về bản Ón, tôi nhìn đồng hồ, thì đã là 23 giờ khuya. Vậy nhưng, không chịu nghỉ ngơi, ông Đoàn vẫn xuống bếp chế biến món ốc lèn đã bắt được mời chúng tôi thưởng thức.
 
Theo ông Đoàn, cách chế biến món ốc lèn cũng rất đơn giản. Ốc lèn sau khi được bắt về, người Rục rửa sạch, đem luộc và chấm với muối ớt. Khác với muối ớt dưới xuôi, món muối ớt của người Rục cũng được giã nhuyễn từ muối, ớt rừng và một loại lá rừng có vị chua-bà con thường gọi là muối cheo. Luộc lên thơm phức, ốc lèn chấm với cheo ăn sần sật, có vị béo mà không ngán.
 
Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cho biết: Ngày xưa người Rục chỉ đi bắt ốc lèn về để ăn trong những bữa cơm hàng ngày. Nhưng hiện nay, con ốc lèn đã trở thành một món ăn “đặc sản” được thực khách ưa chuộng, săn đón. Bởi không chỉ là món ăn ngon, ốc lèn còn được xem là món bổ thận, tráng dương và hỗ trợ chữa bệnh gút.
 
Nhiều du khách thập phương khi đặt chân đến huyện Minh Hóa, đặc biệt trong dịp Hội rằm tháng ba, đều tò mò tìm mua để được thưởng thức món ốc lèn. Vì thế, từ chỗ chỉ là nguồn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người Rục, nay ốc lèn đã trở thành món “đặc sản” có giá trị kinh tế cao.
 
Theo ông Tư, hiện ốc lèn được bà con đi bắt về bán sỉ cho thương lái đến mua ngay tại bản với giá 4.000 đồng/con. Vì vậy, đến mùa ốc lèn, đồng bào lại có một nguồn thu khá để trang trải cuộc sống. “Hiện, đang trong mùa ốc lèn, nên mỗi đêm ở bản Ón có khoảng 35-40 người vào rừng “săn” ốc lèn. Nhiều gia đình đi 2-3 người, như: ông Cao Ngọc Đoàn, Cao Xuân Lành, Cao Xuân Văn, Cao Xuân Lộc, Cao Xuân Lý đi cả 2 vợ chồng, mỗi đêm bắt được hơn 300 con ốc lèn, thu được tiền triệu”, ông Tư chia sẻ.
 
“Con ốc lèn có ở nhiều nơi ở Minh Hóa nhưng theo đánh giá của những người sành ăn, con ốc lèn ở vùng đồng bào Rục là ngon nhất, bán được giá nhất. Nhìn bề ngoài, ốc lèn ở đây to, có màu đen, trong khi ốc lèn ở vùng khác con nhỏ hơn và có màu vàng nhạt. Sở dĩ như vậy là do ở đây là vùng rừng nguyên sinh, cây rừng có nhiều loài thuốc quý, ốc lèn ăn lấy mà trở nên ngon như vậy”, ông Trần Xuân Tư chia sẻ.
Phan Phương

tin liên quan

Dĩ hòa vi quý!

(QBĐT) - Làm nhà thì dọn dẹp cho sạch sẽ, bụi bặm, ồn ào, rác rưởi... làm ảnh hưởng đến người khác-Chị H. nói lớn để nhà hàng xóm nghe.

9 người mang giấy tờ tùy thân Việt Nam tử vong trong vụ tai nạn giao thông tại Trung Quốc

Theo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 19/5/2023, tại thành phố Tịnh Tây, Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 11 người thiệt mạng, trong đó, có 9 người mang giấy tờ tùy thân Việt Nam.

Đừng để nỗi đau còn mãi

(QBĐT) - Tuyên Hóa là huyện miền núi, địa hình nhiều ao hồ, sông suối chảy qua. Vì vậy, nguy cơ trẻ em bị đuối nước rất cao. Trong khi đó, mùa nắng nóng là thời điểm thường xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, nhất là trẻ em.