Hành trình "hạ cánh" của AD-6 trên "đất lửa" Quảng Bình

  • 15:29 | Thứ Ba, 24/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ai từng đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đều thấy trong khuôn viên có hai chiếc máy bay, hiện vật gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phía bên trái là chiếc Mig 17 của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Phía bên phải là chiếc AD-6 của Không lực Hoa Kỳ. Riêng chiếc AD-6 có một số phận khá kỳ lạ, cho đến bây giờ ít người biết trọn vẹn.
 
“Gãy cánh” trên bầu trời Vĩnh Linh, Quảng Bình
 
Trong tập hồi ký “Mặt đất và bầu trời” của Trung tướng Lê Văn Tri (1920-2006), một người con ưu tú quê hương Quảng Bình, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đề cập về sự kiện đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất như sau: “13 giờ 30 phút ngày 7/2/1965, Tổng thống Hoa Kỳ Giôn-xơn ra lệnh cho Không quân Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa I” đánh phá Vĩnh Linh, Quảng Bình, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất miền Bắc nước ta. Mỹ, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) huy động 48 máy bay A4D, F8 cùng một phi đoàn AD-6 bắn phá Vĩnh Linh, Hồ Xá, Cồn Cỏ, Đồng Hới... Qua 3 ngày chiến đấu, quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh bắn rơi 12 máy bay Mỹ, bắn bị thương 4 chiếc AD-6, trong đó có chiếc máy bay AD-6 do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh Không quân VNCH điều khiển...”
Chiếc máy bay AD-6 đang được sửa chữa tại Công ty sửa chữa trực thăng, Bộ Quốc phòng trước khi bàn giao cho tỉnh Quảng Bình.
Chiếc máy bay AD-6 đang được sửa chữa tại Công ty sửa chữa trực thăng, Bộ Quốc phòng trước khi bàn giao cho tỉnh Quảng Bình.
Liên quan đến chiến dịch “Mũi lao lửa I” và số phận những chiếc AD-6 bị thương cố gắng “lết” về phía Nam vĩ tuyến 17, đại tá Nguyễn Quốc Trị, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Quảng Bình cho biết: Tháng 3/1964, Nguyễn Cao Kỳ trở thành Tư lệnh Không quân của Quân đội VNCH. Tháng 10/1964, ông Kỳ được phong hàm Thiếu tướng Không quân tại nhiệm, Tư lệnh Không quân kiêm Chỉ huy trưởng Không đoàn 83 đặc nhiệm (hay còn gọi Biệt đoàn 83 Thần Phong). Chính lực lượng này tiên phong hô hào Bắc tiến, san bằng Vĩnh Linh, Quảng Bình, vùng đất đầu giới tuyến miền Bắc XHCN. Sáng 8/2/1965, Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy Phi đoàn Bắc Tiến 516, Biệt đoàn 83 Thần Phong gồm 24 cường kích AD-6 vượt sông Bến Hải đánh phá thị trấn Hồ Xá, Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, Quảng Bình và chịu thất bại ê chề như Trung tướng Lê Văn Tri đề cập trong tập hồi ký “Mặt đất và bầu trời”.
 
“Theo xác nhận của những sĩ quan cao cấp Quân chủng PK-KQ như Trung tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng; trung tá Lê Trọng Sành, Cục phó Cục tác chiến Quân chủng... thì chiếc cường kích AD-6 hiện tại đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình chính là 1 trong 4 chiếc AD-6 bị quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh bắn bị thương trong chiến dịch “Mũi lao lửa I” của đế quốc Mỹ. Còn có phải là chiếc máy bay do Nguyễn Cao Kỳ điều khiển hay không, cần phải tìm hiểu từ những nguồn cứ liệu lịch sử xác tính”, đại tá Nguyễn Quốc Trị chia sẻ thêm.
 
“Hạ cánh” ở “đất lửa” Quảng Bình
 
AD-6 là máy bay cường kích trên hạm, sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam giai đoạn 1964-1973. AD-6 trang bị động cơ cánh quạt Wright R-3350-26WA cho phép đạt tốc độ 518km/h, tầm bay hơn 2.000km, trần bay 8.685m. AD-6 thiết kế 4 pháo 20mm và 15 giá treo mang 3,6 tấn vũ khí.
Hành trình chúng tôi tiếp cận “nhân thân” chiếc AD-6 tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Vì sao máy bay cường kích này lại trở về “hạ cánh” trên “đất lửa” Quảng Bình, nơi một thời nó từng “gãy cánh”...? Rất may đã gặp lại hết những nhân chứng từng tham gia “di lý” chiếc AD-6 từ Nam ra Bắc.
 
Khởi đầu là tâm huyết của những sĩ quan cao cấp trong Quân chủng PK-KQ gốc gác Quảng Bình: Trung tướng Lê Văn Tri, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, trung tá Lê Trọng Sành... Những năm đầu sau ngày tái lập tỉnh, các ông thống nhất muốn xin Bộ Quốc phòng một kỷ vật chiến tranh nào đó trong kháng chiến chống Mỹ gắn bó máu xương với vùng đất đầu giới tuyến miền Bắc XHCN để tặng cho quê hương.
 
Cũng cần nói thêm về số phận những cường kích AD-6, trong đó có chiếc máy bay do Nguyễn Cao Kỳ lái. Sau khi bị “dính” đạn phòng không của quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, chúng được kéo về sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa. Ý định phía chính quyền VNCH dùng chúng để trưng bày... như  một chiến công “oanh liệt” về vị tướng Tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ và lực lượng Không quân Mỹ, VNCH. Tuy nhiên, ý tưởng này chưa thành hiện thực thì miền Nam giải phóng vào ngày 30/4/1975. Những chiếc AD-6 bị lãng quên giữa “nghĩa địa” xác máy bay tại sân bay Biên Hòa.
 
Tướng Tri, tướng Hy và trung tá Sành qua tìm hiểu, biết chiếc AD-6 tại sân bay Biên Hòa “duyên nợ” với Quảng Bình, Vĩnh Linh nên đề xuất và được Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ đồng ý vào năm 1996. Thông qua ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh, các ông “đánh tiếng” cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xúc tiến đưa máy bay AD-6 về.
 
Nhưng phải mất đến... 10 năm sau, kỷ vật chiến tranh máy bay AD-6 mới về đến Quảng Bình.
Một ngày cuối năm 2022, những người trong cuộc “giúp” chiếc AD-6 “hạ cánh” tại “đất lửa” Quảng Bình gồm các ông: Nguyễn Quốc Trị, nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh; Đặng Phúc Duệ, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Lê Hùng Phi, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao), nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh có dịp hội ngộ bên chiếc AD-6 tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. 
Những nhân chứng “giúp” chiếc AD-6 “hạ cánh” tại “đất lửa” Quảng Bình bên kỷ vật chiến tranh một thời.
Những nhân chứng “giúp” chiếc AD-6 “hạ cánh” tại “đất lửa” Quảng Bình bên kỷ vật chiến tranh một thời.
Trong câu chuyện của họ, sự kiện này tái hiện như sau: Khi ông Lê Hùng Phi nhận chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin từ người tiền nhiệm, phát hiện trong hồ sơ, tài liệu bàn giao có các Quyết định số 1594/QĐ-QP, ngày 25/9/1996 của Bộ Quốc phòng và Lệnh điều động số 93-96/QĐ-TM, Quân chủng PK-KQ về việc điều động một chiếc máy bay AD-6 cho UBND tỉnh Quảng Bình để làm hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Sự việc được ông Lê Hùng Phi báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Phan Lâm Phương.
 
Sau khi xác minh lại chiếc máy bay AD-6 vẫn còn tại sân bay Biên Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Lâm Phương giao nhiệm vụ cho các ông Nguyễn Quốc Trị, Đặng Phúc Duệ làm việc với Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ về thủ tục xin lại chiếc máy bay AD-6 (vì các quyết định trước đó đã hết hiệu lực-PV); các ông Lê Hùng Phi, Trần Anh Tuấn chịu trách nhiệm liên hệ sửa chữa, khôi phục nguyên trạng và vận chuyển hiện vật từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) về Quảng Bình.
 
“Nhưng phải mất thời gian 2 năm (2005-2006), chiếc máy bay AD-6 mới đến được Quảng Bình”-ông Đặng Phúc Duệ nhớ lại-“Khi đoàn chúng tôi tiếp cận máy bay AD-6 tại sân bay Biên Hòa, phần vỏ đầu máy bay bị hư hỏng nặng. Quân chủng PK-KQ quyết định đưa máy bay về sửa chữa, khôi phục nguyên trạng như ban đầu tại Công ty sửa chữa trực thăng, Bộ Quốc phòng”.
 
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Được sự phân công trực tiếp từ anh Lê Hùng Phi, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là đơn vị đầu mối tiếp nhận hiện vật chiến tranh máy bay AD-6. Sau quá trình phục hồi, chiếc máy bay nguyên vẹn như mới. Ngày 6/10/2006, tôi đại diện cho tỉnh Quảng Bình ký biên bản giao nhận máy bay AD-6 với Công ty sửa chữa trực thăng, Bộ Quốc phòng. Nhận máy bay xong, một vấn đề nan giải khác phát sinh là phương tiện vận chuyển. Lại phải nhờ những vị tướng con em Quảng Bình can thiệp, đề nghị Quân chủng PK-KQ, Bộ Giao thông vận tải giúp đỡ. Công ty sửa chữa trực thăng, Bộ Quốc phòng cử một tổ kỹ thuật, tháo rời hai cánh AD-6, sau đó vận chuyển bằng 2 xe chuyên dụng của Quân chủng PK-KQ. Khi về đến Quảng Bình, tổ kỹ thuật của Công ty sửa chữa trực thăng giúp lắp ráp lại. Toàn bộ chi phí sửa chữa, vận chuyển... hết 350 triệu đồng”.
 
Như vậy sau 41 năm tính từ ngày diễn ra chiến dịch “Mũi lao lửa I”, chiếc máy bay AD-6 từng bị “gãy cánh” trên bầu trời Quảng Bình, Vĩnh Linh đã “hạ cánh” an toàn tại “đất lửa” Quảng Bình, trở thành kỷ vật chiến tranh ghi dấu ký ức không thể nào quên về một thời khói lửa nơi vùng đất đầu giới tuyến miền Bắc XHCN Vĩnh Linh, Quảng Bình.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

109 người thương vong vì tai nạn giao thông sau 4 ngày đầu nghỉ Tết

Sau 4 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20-23/1), toàn quốc xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người và 61 người bị thương.

Miền Bắc đón không khí lạnh từ mùng 2 Tết, trời mưa rét, có nơi dưới 3 độ C

Do ảnh hưởng không khí lạnh, từ đêm 23/1, ở Bắc Bộ trời rét, vùng núi trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C, trời mưa.

Xuân yêu thương từ những ngôi nhà "Đại đoàn kết"

(QBĐT) - Bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm chân thành, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã nỗ lực kết nối, khơi dậy truyền thống "tương thân, tương ái" trong nhân dân để hỗ trợ xây dựng mới hàng trăm ngôi nhà "Đại đoàn kết".