21.000 lao động và những giấc mơ thoát nghèo

  • 08:04 | Thứ Ba, 31/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa xuân này, bao gia đình đã đón được một cái Tết ấm áp, đủ đầy bởi nhiều người lao động (NLĐ) đã tìm được việc làm (VL) sau những chật vật do đại dịch Covid-19. Đằng sau con số gần 21.000 LĐ được giải quyết VL trong năm 2022 là những câu chuyện của niềm vui, sự kiên trì và cả sự nỗ lực không chỉ của riêng cá nhân NLĐ.
 
“Mẹ em hẳn đã yên lòng”  
 
Ở tuổi 18, khi mà phần đông bạn bè đồng trang lứa đam mê theo đuổi giấc mơ giảng đường thì cô gái trẻ Trương Thị Thùy Linh (Quảng Sơn, TX. Ba Đồn) phải vội vã tìm kiếm VL. Nhà nghèo, mẹ mất cách đây 7 năm, bố em thất nghiệp, mọi gánh nặng cơm áo, nuôi 3 em ăn học bỗng một ngày đổ ập xuống đôi vai gầy của cô gái nhỏ. Bị dị tật bẩm sinh ở tay nhưng sự không lành lặn ấy càng khiến cho Linh thêm nghị lực để bước qua những nghịch cảnh ngặt nghèo. Tốt nghiệp THPT, Linh mong muốn kiếm được công việc gần nhà để có thể vừa làm, vừa chăm lo việc gia đình nhưng loay hoay mãi, cô gái trẻ vẫn không tìm được VL phù hợp, nhất là với cánh tay khiếm khuyết của mình.
 
Mấy tháng sau, Linh quyết định vào TP. Đồng Hới, nộp đơn xin việc ở Xí nghiệp May Hà Quảng và may mắn được nhận vào làm ngay. Nhận thấy quyết tâm vượt khó cùng sự nhanh nhẹn của cô gái tật nguyền, Ban Giám đốc xí nghiệp quyết định nhận Linh vào làm công nhân, đồng thời phân công người hỗ trợ đào tạo nghề cho em. Sau những ngày đầu vừa làm, vừa nhận được sự chỉ bảo nhiệt tình của chị em cùng phân xưởng, tay nghề của Linh dần khá lên. Dù đôi lúc, với đôi bàn tay không lành của mình, em phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những người bình thường khác.
 
Một năm qua, nhờ xe đưa đón của xí nghiệp mà mỗi ngày em đều có thể vừa đi làm, vừa chăm chút việc gia đình, chỉ bảo các em học hành. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, em đã có thể gánh vác việc gia đình và ước mơ đến trường của 3 đứa em thơ không bị đứt đoạn. Linh bảo, Tết này, gia đình em đón Tết thật vui, dù không đủ đầy như những gia đình khác nhưng đã không còn triền miên với nỗi lo thiếu trước, hụt sau. “Ngày mẹ mất, cả 4 chị em em vẫn còn rất nhỏ. Mẹ đi mà vẫn mang nặng nỗi lo. Còn giờ, khi em đã có VL ổn định, hẳn mẹ đã yên lòng”, Linh bùi ngùi.
 
Hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo
 
Chuyện của Linh chỉ là 1 trong rất nhiều niềm vui được lan tỏa khi mà những ước mơ mưu sinh của hàng nghìn LĐ Quảng Bình đã được “chắp cánh” trong năm 2022. Những niềm vui ấy càng trở nên giá trị sau hai năm thị trường LĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với hàng nghìn LĐ bị mất việc, nhiều gia đình rơi vào cảnh lao đao. Vậy mà, chỉ một thời gian ngắn sau rất nhiều nỗ lực phục hồi, nhiều LĐ gồng gánh nhau trở về trong những ngày đại dịch đã tìm kiếm được VL ngay trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều LĐ trở về nước sau 5 tháng làm thời vụ tại Hàn Quốc theo thỏa thuận của hai nước cũng đã có được một cái Tết ấm cúng, sung túc hơn.
 
Chị Nguyễn Thị Thạnh (xã Thái Thủy, Lệ Thủy) là 1 trong số những LĐ trở về từ Hàn Quốc chia sẻ: “Trong lúc chưa tìm được VL ổn định thì nhận được thông báo tuyển LĐ đi Hàn Quốc nên tôi nộp hồ sơ ngay. Sau 5 tháng LĐ, tôi cũng đã tích cóp được một số vốn nhỏ để đầu tư làm kinh tế ngay tại quê nhà”.
Tập trung đào tạo nghề là góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương.
Tập trung đào tạo nghề là góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết VL cho trên 21.000 LĐ (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó 4.000 LĐ được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 2,9%.

Từ các nguồn vốn vay hỗ trợ VL, duy trì và mở rộng VL, đã có 6.000 lượt khách hàng được vay vốn với tổng doanh số cho vay ước đạt hơn 302 tỷ đồng, góp phần giải quyết VL cho khoảng 6.200 NLĐ. Thông qua nguồn vốn vay giải quyết VL của Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh Võ Công Bình (xã Nam Trạch, Bố Trạch) đã có điều kiện để mở rộng gia trại, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và tăng diện tích trồng cây ăn quả. Sau nhiều chật vật, đã có lúc tính đường vào Nam mưu sinh, giờ gia đình anh đã là một trong những hộ có kinh tế khá tại địa phương.

21.000 LĐ được tạo VL là chừng ấy câu chuyện về những nỗ lực không chỉ riêng cá nhân NLĐ. Nhiều ước mơ thoát nghèo đã được chắp cánh. Nhiều cánh cửa hy vọng đã được mở ra. Những ước mơ và hy vọng ấy càng ý nghĩa hơn sau những năm tháng chật vật vì ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
 
Hướng đến nguồn LĐ có chất lượng
 
Mới đây, tại một hội thảo về gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường LĐ, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc LĐ-TB-XH thẳng thắn bày tỏ, trong khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, buộc phải thu hẹp sản xuất thì tỷ lệ thất nghiệp, thiếu VL ở tỉnh ta hiện nay còn cao. Nghịch lý đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc đào tạo nghề, gắn kết giữa nhà trường và DN, giữa đào tạo với thị trường lao động, giữa lao động và VL.
 
Năm 2022, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 67,7% (đạt 100,29% so với kế hoạch) và tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 28,6 % (đạt 102,5% so với kế hoạch). Con số này còn khá khiêm tốn so với yêu cầu ngày càng cao của thị trường LĐ thời kỳ hội nhập nhưng để đạt được kết quả đó là cả sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị.
 
Xác định chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cán bộ giai đoạn 2020-2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30/3/2021 thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nội dung phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025.
 
Lần đầu tiên, công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt. Những quyết sách, chương trình hành động không còn chỉ là văn bản mà đã thực sự được đưa vào thực tiễn bằng những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Từ những lớp học nghề, nhiều NLĐ đã tự tin để mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ứng tuyển vào các đơn vị, doanh nghiệp. Chất lượng LĐ cũng vì thế được nâng lên.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo 233 ngành nghề, trong đó có 14 nghề trọng điểm (gồm 9 nghề trọng điểm quốc gia, 3 nghề trọng điểm ASEAN, 2 nghề trọng điểm quốc tế). Mỗi năm, các cơ sở này có thể tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 25.000 người. Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo thì việc huy động được số lượng này đến các cơ sở đào tạo nghề sẽ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn LĐ tại địa phương.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Nơi gửi gắm những giọt máu nghĩa tình

(QBĐT) - Để công tác này chủ động và hiệu quả hơn nữa, Công an Quảng Bình đã thành lập Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống với mục tiêu luôn sẵn sàng, kịp thời hiến máu để cứu giúp người dân không may mắc bệnh hiểm nghèo, cần đến máu.

Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

(QBĐT) - Tỉnh ủy Quảng Bình vừa có Công văn số 486-CV/TU về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuyên Hóa: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế

(QBĐT) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, để mỗi người dân phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn, mở lối cho sinh kế, nâng cao thu nhập và phát triển các ngành nghề nông thôn.