Tuyên Hóa: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế

  • 08:23 | Thứ Hai, 30/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, để mỗi người dân phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn, mở lối cho sinh kế, nâng cao thu nhập và phát triển các ngành nghề nông thôn. Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Tuyên Hóa (trung tâm) đã bám sát nhu cầu thực tế địa phương, tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề thiết thực và hiệu quả.
 
Thanh Hóa là xã miền núi khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Đất chật người đông, vì vậy, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân còn gặp nhiều khó khăn.
 
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, thông qua các lớp đào tạo nghề cho LĐNT đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người dân. Nhiều ngành nghề truyền thống trước đó người dân chỉ xem là nghề phụ, nhưng giờ đây đã trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, có một số ngành nghề sau đào tạo lại không duy trì được. Nếu giải quyết được vấn đề việc làm sau đào tạo, hiệu quả của công tác đào tạo nghề sẽ mang lại kết quả cao hơn.
 
Gia đình chị Lê Thị Liễu (SN 1976) ở thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa là hộ cận nghèo, nguồn thu nhập chính chủ yếu từ làm ruộng và một số công việc phụ khác. Tháng 10/2022, sau khi nghe thông tin trung tâm mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp trên địa bàn, chị liền đăng ký theo học. Qua hơn 3 tháng tham gia lớp đào tạo nghề nhưng đến nay chị vẫn chưa kiếm được việc làm.
 
Chị Liễu cho biết: “Trên địa bàn xã chưa có xưởng may nào, nên tôi chưa có cơ hội tìm việc làm  đúng với ngành nghề đã được đào tạo. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ có đơn vị đến mở xưởng may, tạo điều kiện cho những học viên như chúng tôi có được việc làm và thu nhập tại chỗ”. 
Các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn thu hút nhiều học viên tham gia.
Các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn thu hút nhiều học viên tham gia.
Giám đốc trung tâm Trần Trung Chính cho biết, hàng năm, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trung tâm đã tổ chức khảo sát, điều tra thu thập số liệu về nhu cầu học nghề LĐNT trên địa bàn toàn huyện để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo theo đúng nhu cầu, nguyện vọng của người học.
 
Ngoài việc phối hợp với các xã, thị trấn để mở lớp, trung tâm còn bố trí các cán bộ, giáo viên, nhân viên về tận các địa bàn để tư vấn, tuyên truyền cho LĐNT biết về những chế độ chính sách của công tác đào tạo nghề, giúp người học chọn nghề thuận lợi, phù hợp với bản thân.
 
Trung tâm cũng đã bám sát chủ trương phát triển kinh tế của các địa phương để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn. Chính vì vậy chất lượng đào tạo đã không ngừng được nâng cao. Chỉ riêng năm 2022, trung tâm đã mở 20 khóa đào tạo nghề cho hơn 680 LĐNT, gồm các nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp.
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Chính: “Việc hỗ trợ, kết nối, tổ chức việc làm cho người dân sau đào tạo nghề là vấn đề rất quan trọng. Bởi đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần có giải pháp kết nối, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để người dân áp dụng các kiến thức, kỹ thuật đã được đào tạo vào thực tế. Thời gian tới, trung tâm sẽ chú trọng liên kết với các trường đào tạo nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm sau khi học nghề”.
 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức cho biết, hàng năm huyện có khoảng hơn 3.000 người đến độ tuổi lao động. Nguồn lao động trẻ tăng nhanh đã tạo sức ép lớn về giải quyết việc làm cho địa phương. Vì vậy, huyện đã xác định đào tạo nghề, gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đào tạo nghề cho LĐNT vừa giúp người dân tạo việc làm tại chỗ, vừa góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
 
Thời gian qua, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, các khóa đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, như: Chăn nuôi bò lai, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi ong đã mang lại hiệu quả thực sự, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật về ngành nghề và tự tạo được việc làm ngay trên mảnh đất quê hương.
 
Riêng các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vẫn chưa thực sự hiệu quả, vì sau khi đào tạo người dân chưa kiếm được cơ hội việc làm. Nguyên nhân là do hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn thiếu và chưa thu hút được nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có quy mô.
 
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị địa phương tham mưu UBND huyện có các giải pháp cụ thể để thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đến đầu tư sản xuất trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
D.C.H

tin liên quan

Hội Tình nghĩa cán bộ hưu trí UBND tỉnh gặp mặt đầu năm mới

(QBĐT) - Sáng 29/1, Hội Tình nghĩa cán bộ hưu trí UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt và mừng thọ hội viên. Đến dự có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đón Tết trong những ngôi nhà "Đại đoàn kết"

(QBĐT) - Thời gian qua, Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã tập trung vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết", giúp các hộ nghèo được đón Tết Quý Mão trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình.

Không xảy ra tai nạn giao thông dịp Tết Quý Mão 2023

(QBĐT) - Sáng 27/1, thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông.