Nhớ tiếng còi tàu

  • 08:37 | Chủ Nhật, 28/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà tôi ở thôn Minh Tiến, dưới chân đồi Trọ cách ga Thượng Lâm hơn cây số. Ngôi làng nhỏ đất đai cằn cỗi heo hút là thế giới tuổi thơ của chúng tôi. Tôi thường hỏi ngoại: Bên kia đồi là Hà Nội hở ông? Làm sao con qua được bên ấy? Lúc đó, ngọn đồi cao mấy trăm mét sao hùng vĩ thế. Lũ nhóc chúng tôi thường kéo nhau ra đường tàu. Đường ray hun hút, cứ ngửa cổ mà hít mùi gió rừng mênh mông, trời cao ngăn ngắt. Cho trâu ăn cỏ dọc đường tàu, chui vào một lùm cây ngủ thiếp với những giấc mơ tận trời...
 
Đất nước thống nhất làng tôi vẫn nghèo, hun hút gió và nắng. Rồi bộ đội công nhân về làm lại đường tàu. Xóm làng như bừng tỉnh khi chuyến tàu Bắc Nam kéo còi trên đất quê tôi. Người ta mặc quần áo mới, kéo nhau ra ga như ngày hội. Đoàn tàu xé màn sương, tiếng còi vọng đến những ngôi làng dưới chân núi.
 
Chợ xép mọc lên cạnh sân ga. Ban đầu là vài chiếc xe chở cá từ chợ huyện về. Những thùng cá tươi kho vội, mùi của biển lan khắp xóm núi. Người làng có chục trứng, mớ rau xanh, người bên kia đồi gánh theo buồng chuối vườn, măng tươi mới cắt. Những búp măng thon như bắp chân thôn nữ thật thích mắt. Mùa nào thức ấy. Nào sim tím ngọt, dâu ửng màu má hồng, hạt muồng chín đen, hạt dẻ vàng nâu màu mắt. Ai bận cách mấy cũng vài hôm ghé chợ.
 
Để chào hỏi người làng trên xóm dưới, để đợi tiếng còi chuyến tàu chợ mỗi sáng lúc 10 giờ. Tôi không thể quên được cái cảm giác sung sướng khi đặt chân lên bậc cửa tàu. Nó lắc lư rùng rùng ken két rồi trôi đi rộn rã mời gọi. Gió ngất ngây trên tóc, trên má. Những khúc quanh xanh màu cây lá, những thửa ruộng bậc thang lục vàng chấp chới. Và hoa dại, cơ man là hoa... Lơ mơ nắng gió qua hết đồi thông bất ngờ hiện ra một nhà ga nhỏ nép mình bên sườn đồi đầy hoa dại. Xa xa giữa màu khói đốt đồng là lũ trẻ với bầy trâu no kè hò hét vẫy tay theo tiếng còi tàu.
b
Minh họa: Minh Quý
Hàng năm vào dịp Tết, ngoại lại tất tả gói bánh chưng, làm bánh thuẫn, thịt heo nhà nuôi bằng rau cám, gà kiến thả trong vườn, củ gừng tươi, những nắm rau còn đọng sương trên lá, gói ghém rồi ra ga đợi tàu. Người làng qua vụ gieo cấy rủ nhau một buổi đi tàu, chiều về là có đủ thức dùng cho một cái Tết tươm tất... Bây giờ, không còn tàu chợ, xóm làng như trở lại heo hút những ngày xưa.
 
Mấy đêm rồi khó ngủ. Nằm nhớ tiếng còi tàu mà thương quê, thương mạ. Nhớ con tàu trong ký ức tuổi thơ. Tiếng còi tàu dội vào vách núi vọng đến những ngôi làng bao năm nương bên thung lũng im vắng. Ngoại làm vườn chống cuốc gật gù. Con gà mái nhảy ổ đứng im ngơ ngác. Nhớ tôi gầy gò tóc ngắn áo hoa lẽo đẽo theo các dì, các cậu bán từng nải chuối chín...
 
Nhiều người thích đi tàu nhanh vì đi đường dài và rất tiện nghi với tivi, điều hòa... Nhưng có lẽ mãi sau này nữa tôi vẫn không bao giờ quên những toa tàu chợ. Những cánh cửa mở đón gió. Bạn có thể ngắm bốn mùa trên những vùng quê thân thương, là mùi hương của cánh đồng lúa vừa ngậm sữa, là mùi rơm và khói đốt đồng khi vừa qua vụ gặt, là tiếng kêu thảng thốt của bầy chim khuya và một bầu trời đầy sao mùa hạ. Người đi tàu thường rất gần gũi, vài ba câu chào là có thể trò chuyện cùng nhau...
 
Tàu đi qua mỗi ga mùa nào thức đó, đặc sản mỗi vùng đều được rao bán cho dù tàu chỉ dừng mươi phút. Kẹo mè xửng của Huế, bánh lọc, cơm gà Mỹ Chánh, chuối mít ở ga Quảng Trị, măng khô, măng tươi, sim mua, tiêu ớt ở ga Thượng Lâm, mực khô, cá khô ga Đồng Hới... 
 
Ước một câu chuyện đẹp như cổ tích ở nước Nhật. Rằng một chuyến tàu suốt 3 năm vẫn đi về vùng quê hẻo lánh chỉ để đón đưa một đứa trẻ đến trường. Suốt 3 năm cho đến buổi học cuối cùng của bé...
 
Rồi cũng sẽ quen thôi. Các tuyến đường bộ từ huyện đã thông xe về làng. Nhà nhà đã có xe máy để có thể chạy ra  quốc lộ đón xe đón tàu. Rồi cũng sẽ quen thôi. Mạ cũng đã nói rứa... 
 
Nói để mắt mạ thôi rớm nước nhưng sao lòng cứ buồn. Mỗi buổi sáng thiếu tiếng còi tàu vọng vào vách núi, người làm đồng đứng ngẩn ngơ. Trưa lũ trẻ học về không còn tíu tít ra ga đón mẹ đòi quà vặt. Chợ cạnh ga thưa vắng, hàng quán liêu xiêu. Xóm núi đã cất thêm nhiều nhà hai ba tầng ngói đỏ tươi rói. Nhưng vắng tiếng còi tàu mỗi lần về quê, lòng tôi vẫn xao xác buồn.
 
Ga xép lặng lẽ trong cơn mưa mùa ngâu. Tôi đứng một mình giữa sân ga nhìn những chuyến tàu nhanh lướt qua, lướt qua, xa lạ...
 
Bạch Diệp

tin liên quan

Thành công từ đam mê và cống hiến

(QBĐT) - Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật có những đặc trưng riêng trong phương thức sáng tạo. Đó là mối quan hệ mật thiết giữa những điều kiện của đối tượng khách quan và người nghệ sĩ sáng tác.

Đi để thêm yêu quê hương

(QBĐT) - Nguyễn Hải đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên. Bằng niềm đam mê nghệ thuật, anh đã có nhiều tác phẩm ảnh "để đời", chủ yếu chụp phong cảnh thiên nhiên, du lịch Quảng Bình. 

Vua Thiệu Trị với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Quảng Bình

(QBĐT) - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đặc biệt dưới triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các công trình di tích, di sản ở Quảng Bình, tiêu biểu nhất là vua Thiệu Trị.