Để người trẻ mặn nồng với di sản
Bài 2: "Tiếp lửa" tình yêu di sản, rất cần sự chung tay
(QBĐT) - Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một thách thức không hề nhỏ trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đối với những người trẻ, bên cạnh khó khăn, thử thách, còn có những cơ hội để họ thể hiện vai trò của mình trong việc gìn giữ những vốn quý của dân tộc. Vậy làm thế nào để người trẻ ngày càng mặn nồng và lan tỏa tình yêu với di sản, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với anh Trần Khánh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh về vấn đề này.
- P.V: Chương trình “Phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2018-2022” được xem là một trong những điểm nhấn của tuổi trẻ tỉnh nhà thời gian qua, trong đó có những nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dường như công tác này đang ngày càng gặp nhiều thách thức hơn. Xin anh chia sẻ về những khó khăn này?
- Anh Trần Khánh Cường: Với phương châm “mỗi đoàn viên, thanh niên là một hướng dẫn viên du lịch”, công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên tham gia đồng hành cùng phát triển du lịch thường xuyên được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đổi mới về nội dung lẫn hình thức, liên tục đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, rõ việc, rõ mô hình, phù hợp đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, các nội dung liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm chú trọng.
Thời gian qua, nhiều cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ dân gian, duy trì bài chòi vào các dịp đầu năm mới, ngày kỷ niệm quan trọng… Các hoạt động gìn giữ di sản còn được lồng ghép linh hoạt, hiệu quả trong các chương trình hành động, đề án… của các cấp bộ đoàn, mang lại những tín hiệu vui trong nỗ lực lan tỏa tình yêu di sản.
Nhưng thực tế cho thấy, nỗ lực này gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, về khách quan, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, các bạn trẻ bị “bủa vây” bởi nhiều tiện ích, ứng dụng giải trí, khiến sự quan tâm đối với văn hóa dân tộc ít nhiều bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể đến để thấu hiểu các giá trị di sản còn cần sự nghiên cứu, tìm hiểu và niềm say mê, yêu thích.
Về chủ quan, có thể thấy sự phối hợp giữa cơ sở đoàn và các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thiếu chiều sâu và dài hơi đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền đối với nội dung này còn chưa thật sự tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ. Việc tiếp cận gần hơn với người trẻ, trao truyền ngọn lửa đam mê nhiệt huyết với di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc còn nhiều gian nan. Đó là chưa kể đến những khó khăn của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi những người trẻ gặp nhiều thách thức hơn trong quá trình gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản.
Bên cạnh đó, mặc dù có sức trẻ, có quyết tâm, nhưng vấn đề về thiếu nguồn kinh phí duy trì cũng khiến nhiều cơ sở đoàn băn khoăn trong việc triển khai các mô hình CLB văn hóa văn nghệ dân gian hay mạnh dạn tổ chức các sân chơi truyền thống.
- P.V: Phát triển di sản bền vững phải dựa trên bảo tồn, bảo vệ và gắn kết với cộng đồng. Trong đó, đưa di sản tiếp cận giới trẻ đang là những hoạt động được đặc biệt chú ý, nhằm lan tỏa các giá trị đến thế hệ tương lai. Đáng chú ý, bảo tồn di sản bằng công nghệ số hiện là xu hướng của Việt Nam và thế giới. Được biết, Tỉnh đoàn đang dự thảo đề án về xung kích tham gia chuyển đổi số quốc gia, vậy xin anh cho biết, đây có phải là một trong những lĩnh vực sẽ được Tỉnh đoàn quan tâm trong đề án này?
- Anh Trần Khánh Cường: Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình xung kích tham gia chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2027 nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức đoàn toàn tỉnh trong triển khai, tuyên truyền, vận động đoàn viên tích cực tham gia chuyển đổi số quốc gia; tập trung thực hiện và cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, đề án còn góp phần triển khai hiệu quả phong trào tuổi trẻ sáng tạo, phát huy tối đa sức sáng tạo và sự tham gia đóng góp của đoàn viên, thanh niên vào thực hiện chuyển đổi số, từng bước cụ thể hóa thực hiện các chỉ tiêu thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh Quảng Bình.
Một trong những mục tiêu mà đề án hướng đến chính là hàng năm, toàn tỉnh triển khai lắp đặt 10 công trình điểm quét mã QR tại các di tích lịch sử, văn hóa, địa danh du lịch trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, kỳ vọng các giá trị di sản sẽ tiếp tục được trao truyền và được người trẻ yêu thích, tìm hiểu.
- PV: Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, nội dung bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được Tỉnh đoàn lồng ghép trong nhiều đề án, chương trình... Vậy, đến bao giờ Tỉnh đoàn sẽ xây dựng một chương trình hay đề án riêng về nội dung này, thưa anh?
- Anh Trần Khánh Cường: Xác định đây là một trong những nội dung quan trọng để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, góp phần vun đắp tình yêu với văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã lồng ghép linh hoạt, hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong các chương trình, đề án…
Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai cụ thể, sát sườn, thiết thực, phù hợp thực tiễn những chương trình liên quan đến hoạt động này.
- P.V: Xin anh cho biết những giải pháp của Tỉnh đoàn trong thời gian tới để góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh?
- Anh Trần Khánh Cường: Trước hết, Tỉnh đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, quan tâm ứng dụng công nghệ số.
Đồng thời, Tỉnh đoàn mong muốn có sự hỗ trợ, phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương liên quan trong nỗ lực này, nhất là với Sở Văn hóa-Thể thao và Sở Giáo dục-Đào tạo.
Trong thực tế hiện nay, các cơ sở đoàn cần tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương để mạnh dạn triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.
- P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Mai Nhân (thực hiện)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.