Đại tướng Võ Nguyên Giáp
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2022):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua tác phẩm mỹ thuật Quảng Bình

  • 06:35 | Thứ Năm, 25/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc đời huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào và đề tài lớn để nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ tạo hình nói riêng thể hiện trong các tác phẩm mỹ thuật từ trước đến nay. Với tình cảm sâu sắc và sự ngưỡng vọng tôn kính bậc vĩ nhân, các tác giả mỹ thuật Quảng Bình đã sáng tác nhiều tác phẩm về Đại tướng có giá trị về nội dung tư tưởng và thẩm mỹ.
 
Điều thuận lợi trong sáng tác mỹ thuật về Đại tướng là được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu lịch sử, đặc biệt là sự hiện diện của Đại tướng lúc sinh thời gắn liền với các sự kiện lịch sử, văn hóa của đất nước, quê hương.
 
Thông qua nguồn tư liệu, các tác giả đã nghiên cứu và xây dựng hình tượng, cấu trúc tác phẩm phù hợp với cách nhìn thẩm mỹ của mình nhằm biểu đạt thần thái, tác phong và tầm vóc của một vị tướng được cả thế giới ngưỡng mộ, một vị tướng “văn võ toàn tài”. Nhưng, cũng đặt ra thử thách lớn khi muốn thể hiện được hết tinh thần và tầm vóc lớn về tài năng, trí tuệ, nhân cách của Đại tướng. Thần thái nụ cười, ánh mắt của Đại tướng đã trở thành biểu tượng mà mỗi người Việt Nam đều trân trọng và khắc ghi.
“Đại tướng với Quảng Bình” của Nguyễn Lương Sáng
Tác phẩm “Đại tướng với Quảng Bình” của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng
Việc xây dựng nên hình tượng riêng trên cơ sở tạo hình và cảm xúc của mỗi tác giả có thể sẽ khác so với suy nghĩ của mỗi người. Điều đó luôn đặt ra nhiều suy nghĩ, trăn trở cho các nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo. Nhưng tình cảm nồng ấm của mỗi nghệ sĩ Quảng Bình với Đại tướng thể hiện trong các tác phẩm đã được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận.
 
Tiêu biểu như tác phẩm: “Lừng lẫy năm châu” của nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái. Với chất liệu gò đồng, biểu cảm khối và tạo chất bề mặt bằng kỹ thuật tạo chất các mảng cao thấp, nông sâu, tác giả đã thể hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Không gian đồng hiện giúp cho tác giả thể hiện được ý đồ của mình khi trọng tâm là hình tượng Đại tướng đưa tay nắm chặt thể hiện quyết tâm, sức mạnh của người cầm quân với khí thế và niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Không gian chiến trường với hình tượng các chiến sĩ phất cờ chiến thắng được lựa chọn chắt lọc, tạo hình chặt chẽ quyện vào nhau với các mảng tạo khối chuyển động vừa đủ để nêu bật lên chủ đề của tác phẩm. Tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác của các nghệ sĩ khi Đại tướng còn sinh thời.
 
Nhà điêu khắc trẻ Võ Tuấn Hải từ những năm học phổ thông đã sớm tìm hiểu và làm tượng về Đại tướng. Bằng sự yêu mến, ngưỡng mộ của một người chưa qua đào tạo chuyên môn mỹ thuật, anh đã có nhiều bức tượng bằng đất sét, đắp xi măng về chủ đề trên. Sau khi được đào tạo điêu khắc chuyên nghiệp, anh tiếp tục vận dụng kiến thức tạo hình vào sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm có chiều sâu và chất lượng.
 
Có thể nói, Võ Tuấn Hải là nghệ sĩ ở Quảng Bình có nhiều tác phẩm nhất sáng tác về Đại tướng. Quá trình tìm tòi thể nghiệm nhiều tác phẩm đã giúp tác giả trẻ nắm bắt được đặc điểm riêng của Đại tướng nên rất thành công trong việc đặc tả chân dung hay tượng bán thân, toàn thân.
 
Tất cả đều toát lên thần thái giản dị và gần gũi nhưng uy nghiêm, hùng dũng của Đại tướng. Như hình tượng Đại tướng ung dung nhìn về phía trước, tay cầm sách, phong thái ung dung được thể hiện qua thủ pháp tả thực, đắp trực tiếp bằng chất liệu xi măng phủ nhủ đồng trong tác phẩm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, hay gương mặt cương nghị, ánh mắt sáng ngời trong tác phẩm “Chân dung” bằng chất liệu thạch cao…
 
Nguyễn Thành Trung là họa sĩ thành công với thể loại đồ họa có ngôn ngữ tối giản, chắt lọc. Tác phẩm “Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với nhân dân Quảng Bình” bằng chất liệu khắc gỗ khá thành công. Hình tượng Đại tướng cùng những giá trị lịch sử văn hóa và con người vùng đất Quảng Bình như Quảng Bình quan, hình tượng Mẹ Suốt được tác giả lồng ghép trên bố cục tác phẩm. Màu đơn sắc, mảng-nét chọn lọc được xử lý chính xác tôn hình tượng Đại tướng nổi bật trên không gian chung. Tác phẩm được đánh giá cao và được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
 
Hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng vẽ tác phẩm "Quyết định lịch sử” năm 2013 khi hay tin Đại tướng vừa qua đời. Đây là tác phẩm lựa chọn hình tượng vị tướng cùng phút quyết định của ông với chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng, ngoài ra còn các tác phẩm: “Rạng danh quê hương”, “Cuộc đời”, “Nỗi nhớ tháng tư”… thể hiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị danh tướng với tinh thần nhân văn, trí tuệ-một người con nặng lòng với quê hương và chính Đại tướng đã làm rạng danh lịch sử quê hương, đất nước. Trong đó, tác phẩm “Đại tướng với Quảng Bình” đăng tải trên tạp chí ChưYangSin của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk và được bình chọn là tác phẩm tấn tượng năm 2021 của tạp chí này.
 
Thể loại tranh cổ động với hình thức gần gũi với công chúng, các tác phẩm thường đến rất nhanh với cảm nhận của mọi người. Hoạ sĩ Trần Công Thoan có các tác phẩm “Dĩ công vi thượng”, “Ghi nhớ lời Bác”… thể hiện tinh thần cống hiến cách mạng, suốt đời vì nước vì dân của Đại tướng. Hoạ sĩ Lê Thuận Long với tác phẩm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương Lệ Thủy” với nụ cười và ánh mắt hiền hòa khi người về thăm quê hòa quyện cùng những giá trị văn hóa hò khoan, đua bơi… của quê hương Lệ Thủy.
 
Nhiều tác giả khác cũng đã có những tìm tòi thể hiện trong các tác phẩm của mình như hoạ sĩ Văn Đắc với tác phẩm “Chân dung Đại tướng” chất liệu bẹ chuối, Nguyễn Quang Hiếu, Đoàn Văn Thịnh với các tranh cổ động thể loại đồ hoạ vi tính, Đặng Minh Quý với tác phẩm tranh phong cảnh “Vũng Chùa-Đảo Yến” chất liệu màu nước, Phạm Hồng Đạt với tác phẩm “Chân dung Đại tướng” chất liệu lụa, Nguyễn Lương Sao với tác phẩm “Nụ cười” chất liệu Acrylic, Nguyễn Xuân Thành với tác phẩm “Chân dung Đại tướng” chất liệu gò nhôm, Trần Phú với tác phẩm “Chân dung” chất liệu sơn dầu, Nguyễn Lương Du với tượng “Chân dung Đại tướng” chất liệu đúc đồng…
 
Có thể nhận thấy, các tác phẩm sáng tác về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều được các nghệ sĩ tạo hình Quảng Bình lựa chọn những phẩm chất cao quý nhất về văn, võ của Đại tướng để tạo nên. Một Đại tướng của nhân dân, của dân tộc-thời đại, của lịch sử đã được thể hiện để tỏ lòng tri ân, biết ơn thông qua tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ Quảng Bình. Sáng tác là một hành trình dài và liên tục với mỗi đề tài, đặc biệt là nhân vật lịch sử.  Để có những tác phẩm lớn, có giá trị thẩm mỹ và tư tưởng cao luôn cần thời gian để các tác giả tìm tòi, nghiên cứu. Từ đó, tạo nên các tác phẩm xứng đáng với những giá trị to lớn mà Đại tướng để lại cho quê hương, đất nước.
 
Nguyên Sa

tin liên quan

Vũng Chùa vọng tiếng dương cầm

(QBĐT) - Từ khi Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vùng đất này có một giá trị tâm linh thật đặc biệt. Nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào, bạn bè quốc tế đã tìm về đây để thắp cho vị tướng huyền thoại, vị tướng hòa bình, vị tướng của nhân dân nén hương tưởng niệm. Vũng Chùa-Đảo Yến đã gắn với những điều cao đẹp, linh thiêng về Đại tướng kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Gói bánh chưng xanh kính dâng Đại tướng

(QBĐT) - Những ngày cuối năm Tân Sửu, những người con, cháu, chắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông (Quảng Trạch) để gói bánh chưng, sửa soạn bàn thờ Đại tướng, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây cũng là cái Tết thứ 9 kể từ ngày Đại tướng về an nghỉ tại quê mẹ Quảng Bình.

Ra mắt cuốn sách "Triển lãm theo dấu chân Đại tướng"

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm - ra mắt sách "Triển lãm theo dấu chân Đại tướng" nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 -25/8/2022).