Vua Thiệu Trị với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Quảng Bình
(QBĐT) - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đặc biệt dưới triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các công trình di tích, di sản ở Quảng Bình, tiêu biểu nhất là vua Thiệu Trị.
Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Đinh Mùi (1847), là con đầu của vua Minh Mạng. Sau khi vua cha mất, ông lên nối ngôi, là vị vua thứ ba của triều Nguyễn sau vua Gia Long và Minh Mạng.
Với tính tình thuận hòa, vua Thiệu Trị đều theo quy củ của vua cha trong công việc đất nước. Nhà vua không những là vị đế vương phải giải quyết nhiều bộn bề trong hoàn cảnh đất nước quân Pháp bắt đầu dòm ngó chuẩn bị xâm lược nước ta mà còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm có giá trị. Đối với Quảng Bình, vua Thiệu Trị đã để lại những dấu ấn quan trọng đối với các di tích lịch sử-văn hóa như di tích Lũy Thầy, tức Định Bắc trường thành, di tích chùa Hoằng Phúc, di tích Hoành Sơn quan trong dịp Bắc tuần năm 1842 khi qua Quảng Bình.
Di tích Lũy Thầy là hệ thống di tích gồm ba chiến lũy nằm trên đất của TP. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh do Lộc Khê hầu Đào Duy Từ hiến kế cho chúa Nguyễn và chỉ huy xây đắp để ngăn chặn các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở đàng ngoài. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1992.
Theo Đại Nam Nhất Thống chí, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, khi đi qua vùng Quảng Bình, nhớ lại các bãi chiến trường đẫm máu ngày xưa tại đây, nhà vua đã xúc động và làm 3 bài thơ cảm tác để nói lên ý nghĩ của mình. Ông đổi tên lũy này bằng cái tên mới "Định Bắc trường thành", và làm ba bài thơ, nhan đề bài văn bia là " Định Bắc trường thành hoài cổ tác tam thủ", khắc vào bia và dựng tại đò cầu Dài với ba bài thơ:
Bài thứ 1 : Thần công thánh đức tại giang sơn
Cảm mộ hà cùng triệu tạo gian
Lĩnh biểu hải tần bình địa tái
Vân phong thiên hiểm vệ nam quan
Vạn thiên sa mạc Tần thành ngoại
Bách nhị hào hàn Hán quận gian
Hỗn nhất xa thư quy chưởng ác
Vô tư bất phục liệt khu hoàn
Dịch thơ (Nguyễn Tú):
Thánh thần công ở non sông/Cảm ơn tạo dựng vô cùng gian nan/ Biển bờ biên giới bình an/Núi mây hiểm trở bảo toàn cõi Nam/Thành Tần sa mạc muôn ngàn/Lạnh lùng đất Hán trăm gian hầm hào/Xe thư một nắm quy vào/Bốn phương trải rộng lẽ nào còn lo.
Bài thứ 2 : Phu tai tác thất niệm gian nan
Vi vũ trù mâu vĩnh điện an
Phát nổ hưng công thời kế cữu
Thứ dân tử thúc nhật nhi hoàn
Tăng quan tiền liệt chiêu thiên cổ
Khai hựu lai côn thống vạn ban
Bảo thái trì doanh tư thiệu thuật
Bách vi thần chính lịch chu quan
Dịch thơ (Nguyễn Tú):
Xây nhà nhớ thuở gian nan/Chưa mưa phải tính an toàn về sau/Tư đầu lo kế dài lâu/Dân thương con cố hợp nhau xây thành/Ngàn năm tiên liệt nêu danh/Cháu con thống nhất muôn ngành mở mang/Nối truyền nghiệp lớn lo toan/Trăm lần chính nghĩa trải toàn nơi nơi.
Bài thứ 3 : Thiên thu như kiến tử phong trù
Khái tưởng linh nhân điếu cổ sầu
Bích huyết dư lưu quang Nhật Lệ
Hoàng trần viện chướng nhiểm Đầu Mâu
Đồng thành thiết lũy sơn hà túng
Nghĩa sĩ trung thần sự nghiệp lưu
Tứ hải nhất gia kim tích biệt
Thâm nhân hậu trạch tại kỳ chu
Dịch thơ (Nguyễn Tú):
Ngàn năm còn thấy công phòng giữ/Nhớ tướng tài cảnh cũ về thăm/Máu sôi Nhật Lệ sáng dòng/Đầu Mâu nhuốm bụi, bình phong vững vàng/Thành lũy thép giang san thoáng đẹp/Nghĩa trung thần sự nghiệp sáng xa/Khác xưa bốn biển một nhà/Ơn dày nghĩa nặng đất vua truyền đời.
Với di tích Hoành Sơn quan được vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1833. "Vua Thiệu Trị đi qua Hoành Sơn quan trên đỉnh Đèo Ngang, vua đã ngự chế thi chương chạm bia dựng trên núi" (Đại Nam Nhất Thống chí) với tiêu đề Quá Hoành Sơn quan. Di tích Hoành Sơn quan đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002.
Quá Hoành Sơn Quan
Nhất đái miên hoành hạn tiệt san
Uyển duyên khởi phục hải tân gian
Vệ nam cũng bắc phân nghiêm tấn
Lịch cổ lai kim tác hiểm quan
Tối lũy bất tu bình vãng sự
Trùng loan tín khả nhậm cao phan
Tiếp thiên nham thụ thanh nhi thủy
Bán lĩnh phi vân khứ phục hoàn
Dịch thơ (Nguyễn Tú):
Đi qua cửa Hoành Sơn
Núi ngăn như dải lụa mềm/Nhấp nhô uốn lượn bên thềm biển Lam/Nghiêm trang chầu Bắc giữ Nam/Xưa nhiều triều đại đặt làm ải quan/Lũy hoang chuyện cũ thôi bàn/Điệp trùng đáng để leo thang ngắm đèo/Cây xanh lèn vút cheo leo/Sườn non mây cuốn vờn theo gió về.
Cũng trong năm này, 1842, vua Thiệu Trị thăm chùa Hoằng Phước (Hoằng Phúc). Ngôi chùa khởi nguồn là am Tri Kiến, dân gian thường gọi là chùa Trạm, thuộc phường Thuận Trạch nay là xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy), là một trong những đại danh lam thuộc loại cổ nhất trên đất Quảng Bình. Thăm chùa, vua "đã ban cho 300 quan tiền, ngự chế thi chương để ghi thắng tích, khắc vào bảng đồng để trong chùa. Năm thứ 6 (1846) gặp tuần đại khánh tứ tuần thưởng tiền 300 quan" (Đại Nam Nhất Thống chí). Di tích chùa Hoằng Phúc được xếp hạng cấp quốc gia năm 2015.
Các công trình chiến lũy, chùa cổ, cổng cổ trên đất Quảng Bình, mà vua Thiệu Trị đã viếng thăm, để lại những vần thơ tuyệt tác nay đã được phục hồi, tôn tạo trở thành những địa chỉ du lịch văn hóa, tâm linh vô cùng hấp dẫn, là thông điệp, là chặng đường tiếp nối sự liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là ước mơ và khát vọng của tổ tiên với những nỗ lực và quyết tâm của chúng ta trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu ở Quảng Bình.
Tạ Đình Hà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.