Phát huy 'sức mạnh mềm' của văn hóa Việt Nam

  • 07:58 | Thứ Năm, 02/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
“Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong chặng đường phát triển bền vững đất nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
 
Văn hóa là “sức mạnh mềm” của đất nước
 
Bài phát biểu tâm huyết của người đứng đầu Đảng ta tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đề cập đến sức mạnh mềm văn hóa một cách hàm súc và gói trọn tâm huyết để xây dựng, phát triển văn hóa.
"Sức mạnh mềm văn hóa" đến từ những điều rất đỗi thân quen như một lời ru của mẹ; một khúc hát dân ca gắn liền với một miền quê, một vùng đất. Ảnh: TTXVN
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích, như Chân quê (Nguyễn Bính), Việt Bắc (Tố Hữu)..., với lời nhắn nhủ hãy giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê; giữ cho đẹp tình thủy chung, sau trước...
 
Tổng Bí thư dẫn những câu tục ngữ, ca dao để nói về việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội…
 
Bài phát biểu cũng nhắc đến lời Bác dặn trước lúc đi xa rằng "muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát dân ca!".
 
Theo đó, sức mạnh mềm đó có thể là những điều rất đỗi bình dị, giản đơn, thân quen như một lời ru của mẹ; một khúc hát dân ca gắn liền với một miền quê, một vùng đất. Đó là miền đất để gìn giữ những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ và phát huy như: dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, ca Huế, Nhã nhạc - âm nhạc Cung đình Việt Nam, nghệ thuật bài chòi, đờn ca tài tử Nam Bộ…
 
Tổng Bí thư thống kê số bảo tàng trên cả nước, số di tích được xếp hạng di tích quốc gia, số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa thế giới", để thấy chúng ta đang sở hữu một tài sản vô cùng quý báu do cha ông ta mấy nghìn năm để lại mà không phải nơi nào cũng có được.
 
Việc phát huy “sức mạnh mềm văn hóa” đã và đang được ngành văn hóa quan tâm, quán triệt nhằm chuyển hóa hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của đất nước, từ đó phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
 
Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ góp sức phát huy sức mạnh văn hóa
 
Đóng góp để xây dựng, phát triển văn hóa, GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước, để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng.”
 Việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng. Ảnh: TTXVN
Việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng. Ảnh: TTXVN
Hiến kế phát huy sức mạnh mềm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, khẳng định tài năng của văn nghệ sĩ cần được chăm lo.
 
“Hơn 80 năm trước, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, cơm áo không chỉ “đùa” mà còn nhiều khi “đùa” rất ác với giới văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ kêu gọi được đầu tư không phải chỉ để lo trả “cái nợ áo cơm”, mà ngày nay còn phải biết từ các nguồn đầu tư ấy làm cho chúng sinh sôi, sinh lời để tái đầu tư bằng cách chủ động, tích cực tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
 
Hiến kế để khơi dậy động lực và sức mạnh văn hóa, GS. TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hóa đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp, rồi tới cộng đồng và xã hội.”
 
Theo các chuyên gia, động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa không phải tự dưng hay ngày một ngày hai có được mà phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ “Hội nghị Diên Hồng” của ngành Văn hóa, sức mạnh mềm của đất nước được kỳ vọng sẽ có sức bật tốt để xây dựng, phát triển.
 
Theo Báo Tin tức

tin liên quan

Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh quốc tế

Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần đầu được tổ chức trong năm 2021 đã tuyển chọn 177 tác phẩm tiêu biểu để trưng bày triển lãm, giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Trong đó, nhiều hình ảnh thể hiện góc nhìn sáng tạo, giàu cảm xúc của các nhiếp ảnh gia trong nước và nước ngoài. 

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021: Nơi hội tụ của những đam mê

(QBĐT) - Hưởng ứng cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, ngày 22-4-2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Quảng Bình, năm 2021.

Chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật

Ngày 26-11, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản số 4854/BTTTT-CBC về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.