Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển
(QBĐT) - Đó là chủ đề hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài diễn ra sáng nay, 17/9.
Dự hội tỉnh tại điểm cầu TP. Hà Nội có đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Hội nghị kết nối đến các điểm cầu địa phương trên cả nước và 80 điểm cầu của DN nước ngoài ở trong và ngoài nước.
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và DN đầu tư nước ngoài tiêu biểu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp tích cực của cộng đồng DN nước ngoài đang đầu tư trong nước trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tối đa cho các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phát huy thế mạnh về tài chính, ngành nghề kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Tiếp đó, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu về “Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội và thách thức - Giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới".
Bộ trưởng cho rằng cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; xác định một số lĩnh vực có khả năng thúc đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung cho những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng để ưu tiên thu hút; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao…
Ngay sau bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hội nghị dành phần lớn thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận và kiến nghị các vấn đề liên quan đến nhóm công tác điện - năng lượng, nhóm công tác giáo dục-đào tạo, nhóm công tác về thị trường vốn…
Cụ thể, các đại biểu kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm công bố cơ chế đối với các dự án điện gió ngoài khơi và cập nhật khung pháp lý có lợi cho nhà phát triển dự án; các cấp chính quyền cần làm rõ vướng mắc về quy trình bán điện mặt trời mái nhà; cần có quy định phù hợp thực tế cho việc mở ngành đào tạo đối với trường có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng giảng viên nước ngoài; cần xem xét lại công thức tính phí, quy trình thu phí và phương pháp quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần xem xét, sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần đối với nhà cung cấp nước ngoài và quy định rõ hồ sơ, thủ tục áp dụng Hiệp định đối với nhà cung cấp nước ngoài…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chia sẻ với những nhà đầu tư gặp khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho DN nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; có giải pháp lâu dài tăng cường năng lực nội tại của DN trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung một số ngành, nghề cụ thể; phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm hợp lý; chú trọng nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia; xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; chú trọng áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực…
Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.