Ủy ban Trung ương MTTQVN: Phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
(QBĐT) - Ngày 15/9, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN dự và chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh.
Thực hiện kế hoạch về tổ chức phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQVN về các nội dung phản biện.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã tổ chức 2 hội nghị tọa đàm, góp ý kiến một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hòa Bình. Hai hội nghị đã nhận được 16 báo cáo tham luận của các đại biểu Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã có công văn đề nghị Ủy ban MTTQVN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức các hoạt động để tham gia ý kiến phản biện đối với dự án luật.
Nhìn chung, các ý kiến đánh giá dự thảo luật đã được Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường cầu thị, tiếp thu, lắng nghe trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng.
Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần quy định rõ hơn.
Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã định hướng các nhóm nội dung để đại biểu tập trung thảo luận, góp ý, phản biện dự thảo luật, gồm: Tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với các quy định khác của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQVN trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; việc bỏ khung giá đất nên được quy định trong dự thảo Luật Đất đai như thế nào cho phù hợp; về bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, nhằm góp phần hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Hiền Chi
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.