Quảng Bình: Sốt xuất huyết "hạ nhiệt", nhưng không chủ quan

  • 08:22 | Thứ Bảy, 14/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày đầu năm mới 2023, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Quảng Bình đã “hạ nhiệt”, số ca mắc giảm sâu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), diễn biến thời tiết cực đoan, người dân không nên chủ quan, lơ là, tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để mọi nhà được đón Tết Quý Mão đầm ấm, đoàn viên.
 
Một năm căng mình chống dịch
 
Năm 2022, là một năm Quảng Bình tiếp tục căng mình phòng chống các loại dịch bệnh. Đặc biệt, tháng 6/2022, dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, thì Quảng Bình đối diện với dịch SXH bùng phát. Số ca mắc và nhập viện liên tục gia tăng, gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế.  
Tăng cường giám sát chỉ số côn trùng tại các vùng có ổ dịch SXH cũ.
Tăng cường giám sát chỉ số côn trùng tại các vùng có ổ dịch SXH cũ.
Trong năm 2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 9.382 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Địa phương có số ca mắc cao nhất là Lệ Thủy, Bố Trạch, tiếp theo là Quảng Ninh, Đồng Hới. Huyện miền núi Minh Hóa là địa phương có số ca mắc thấp nhất toàn tỉnh. Tỷ lệ trẻ em mắc SXH từ 5-15 tuổi chiếm 46,8% (4.391 trường hợp) và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong (là trẻ 5 tuổi) tại huyện Quảng Ninh.
 
So trong khu vực miền Trung, theo thống kê của Viện Pastuer Nha Trang, Quảng Bình có số ca mắc SXH cao thứ 4 trong số 11 tỉnh, thành phố (thấp hơn Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Thuận). 
 
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết: Chu trình dịch, ca bệnh SXH tại tỉnh ta trong năm 2022, bắt đầu tăng cao từ tháng 6, tăng dần đều các tháng sau đó, đạt đỉnh dịch vào tháng 9 và bắt đầu giảm từ tháng 10, đặc biệt giảm mạnh vào cuối tháng 12.  
Lốp xe phế thải là nơi thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản.
Lốp xe phế thải là nơi thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản.
Bệnh SXH thường xảy ra quanh năm và có thể bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4-11. Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, lây nhiễm cho nhiều người cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc, điều trị, làm giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây tử vong cao, nhất là đối với trẻ em.
 
Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, CDC Quảng Bình đã chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ; chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị tuyến huyện, thực hiện hoạt động giám sát tại cộng đồng. Trong đó, chú trọng giám sát hoạt động phòng chống SXH tại 17 xã vùng trọng điểm và vùng đang xảy ra ổ dịch của các huyện, thành phố: Đồng Hới, Bố Trạch và Lệ Thủy; tăng cường hoạt động giám sát ca bệnh truyền nhiễm tại tuyến bệnh viện huyện và đặc biệt là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
 
Đồng thời, triển khai giám sát véc tơ định kỳ hàng tháng tại 8 xã trọng điểm, gồm: Cảnh Dương (Quảng trạch), Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), Đức Trạch, Hoàn Lão (Bố Trạch), Bắc Lý, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Tân Ninh (Quảng Ninh) và Lộc Thủy (Lệ Thủy) và những vùng có nguy cơ cao, chỉ số côn trùng vượt ngưỡng cảnh báo.  
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại nhà, diệt lăng quăng/bọ gậy.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại nhà, diệt lăng quăng/bọ gậy.
Trong năm 2022, CDC đã hỗ trợ phun xử lý ổ dịch tại các huyện, thị xã, thành phố: Tổng cộng có 69 ổ dịch nhỏ tại 53 xã đã được vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy và xử lý bằng phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành (Lệ thủy 8 xã, Quảng Ninh 12, Bố Trạch 10, Ba Đồn 7, Đồng Hới 7, Quảng Trạch 7, Minh Hóa 1 và Tuyên Hóa 1). Có 24 xã trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cao cũng đã được phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH.
 
Bên cạnh đó, CDC phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt loăng quăng/bọ gậy, đã có 123 xã tham gia chiến dịch.
 
Cùng đó, tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở các kiến thức, kỹ năng về giám sát và xử lý ổ dịch SXH. Trong năm 2022, CDC đã tổ chức lớp tập huấn cho tuyến bệnh viện về thực hành báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phần mềm TT 54; tập huấn về phòng, chống và điều trị SXH cho cán bộ tuyến huyện; phối hợp Viện Pasteur Nha Trang tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát, phòng, chống SXH cho Trung tâm Y tế  8 huyện, thị xã, thành phố... 
Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch SXH.
Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch SXH.
Tuy nhiên, trong năm 2022, hoạt động phòng, chống dịch SXH còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí và đặc biệt là việc mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm, hóa chất phục vụ chống dịch rất khó khăn; cùng với đó là tâm lý chủ quan và thiếu tinh thần tự giác của một bộ phận người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH… do vậy thời gian lưu hành của bệnh SXH trên địa bàn tỉnh kéo dài, đến cuối tháng 12 mới “hạ nhiệt”.
 
Bệnh nhân SXH giảm mạnh, nhưng không chủ quan 
 
Theo báo cáo của CDC Quảng Bình, từ ngày 1-13/1//2023, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 39 ca mắc SXH, bình quân mỗi ngày có 3-4 ca mắc, có 1 số ngày chỉ ghi nhận từ 1-2 ca và đặc biệt ngày 9/1 toàn tỉnh không có ca mắc SXH. Hiện Quảng Bình không xuất hiện ổ dịch SXH tại các địa phương trong tỉnh. 
CDC Quảng Bình sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới phòng, chống dịch bệnh SXH.
CDC Quảng Bình sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới phòng, chống dịch bệnh SXH.
Thông tin từ các bệnh viện cũng cho biết, bệnh nhân SXH nhập viện giảm hẳn, có những ngày không còn bệnh nhân điều trị SXH. Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, bác sĩ Lê Cừ, Trưởng khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới chia sẻ, bệnh nhân SXH đã giảm sâu, hiện khoa chỉ còn điều trị cho 4-5 bệnh nhân SXH. 
 
Tuy nhiên, bác sĩ Lê Cừ khuyến cáo, dịch SXH có thể kiểm soát nhờ thời tiết ủng hộ, nhưng nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại là hiện hữu trong dịp Tết Nguyên đán này, nhất là đối với người già và người có bệnh nền. Trong ngày 13/1, khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhân mắc Covid-19 khá nặng do có bệnh nền. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng, chống các loại dịch bệnh, thường xuyên mang khẩu trang và giữ khoảng cách cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình.
 
Theo Giám đốc CDC Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp, tình hình thời tiết dịp Tết Nguyên đán Quý Mão có nhiều biến động, mưa nắng thất thường sẽ là một trong những thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, để tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch SXH cũng như các loại dịch bệnh khác, đơn vị chỉ đạo Trung tâm Y tế tuyến huyện thường xuyên giám sát tại cộng đồng, nhất là tại các vùng trọng điểm, vùng đang có ca bệnh SXH lưu hành và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở.  
Số bệnh nhân SXH điều trị tại Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới) hiện đang giảm sâu.
Số bệnh nhân SXH điều trị tại Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới) hiện đang giảm sâu.
Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng bằng nhiều hình thức, thông tin kịp thời về tình hình bệnh SXH tại các địa phương, tránh người dân và các ban, ngành, đoàn thể chủ quan khi số bệnh nhân SXH đang giảm sâu.
 
“Cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế trong việc phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giám sát, khoanh vùng dập dịch, thì cộng đồng dân cư cần tích cực vệ sinh môi trường, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Đặc biệt  mỗi người dân cần ý thức, chủ động diệt muỗi, lăng quăng mọi lúc, mọi nơi, ngay tại chính nhà mình và không chỉ làm khi dịch bệnh bùng phát… phấn đấu không để dịch bệnh SXH quay trở lại, để mọi nhà được đón Tết an toàn”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh.
 
Ngày 11/1/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 46/UBND-NCVX, gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế: Tiếp tục thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; kịp thời thời hướng dẫn trong trường hợp cần thiết và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bảo đảm chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh; phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả. 
 
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là với dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa đông-xuân; chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; tiếp tục bảo đảm công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh. 
Nội Hà

tin liên quan

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

(QBĐT) - Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp-an toàn.

18 trẻ em Uzbekistan tử vong do uống siro nhập khẩu từ Ấn Độ

Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Uzbekistan cho biết ít nhất 18 trẻ em đã tử vong sau khi uống một loại sirô do hãng dược phẩm Ấn Độ Marion Biotech Pvt Ltd sản xuất.
 

Giám sát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19

(QBĐT) - Chiều 28/12, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về nội dung giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.