Quảng Bình:

Bất cập trong phân thẻ khám, chữa bệnh BHYT ban đầu

  • 08:31 | Thứ Hai, 19/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ 1/1/2021, việc thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nội trú tuyến tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB). Tuy nhiên, vấn đề phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở y tế công lập và tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
 
Phòng khám tư được phân thẻ BHYT nhiều hơn bệnh viện công?
 
Theo thống kê từ Sở Y tế: Hiện trên địa bàn tỉnh có 168 cơ sở y tế đủ điều kiện và được phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu cho người dân trong tỉnh và các khu vực phụ cận, bao gồm: Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH-tuyến trung ương); bệnh viện tuyến tỉnh, Phòng khám Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; 7 bệnh viện tuyến huyện, thành phố; các trạm y tế xã, phường, thị trấn; bệnh xá Công an tỉnh và 5 phòng khám đa khoa (ĐK) tư nhân. 
Bệnh nhân nặng được chăm sóc, điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện HNVN-CBĐH.
Bệnh nhân nặng được chăm sóc, điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện HNVN-CBĐH.
Tuy nhiên, trên thực tế việc chủ trì, phối hợp giữa Sở Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trong phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận...
 
Trong khi các bệnh viện công lập, trạm y tế xã, phường, thị trấn là nơi KB, CB truyền thống lâu nay thì liên tục bị cắt giảm số lượng thẻ KB, CB BHYT ban đầu, thậm chí bệnh viện tuyến tỉnh bị cắt giảm sâu, gây lúng túng cho hoạt động của đơn vị.
 
Bên cạnh đó, những phòng ĐK khoa tư nhân vừa mới ra đời và đi vào hoạt động trong vài năm trở lại đây lại được phân số lượng thẻ KB, CB BHYT ban đầu rất nhiều và năm sau luôn cao hơn năm trước.
 
Cụ thể, trong 2 năm 2021 và năm 2022: Phòng khám ĐK Tân Phước An từ 3.594 thẻ tăng lên 6.631 thẻ; Phòng khám ĐK Trí Tâm từ 4.968 thẻ tăng lên 5.498 thẻ; Phòng khám ĐK Bắc Lý trực thuộc Công ty TNHH Ngọc Linh Quảng Bình từ 6.734 thẻ tăng lên 7.451 thẻ BHYT (cao hơn Bệnh viện ĐK huyện Minh Hóa năm 2021 chỉ có 6.340 thẻ KB, CB BHYT cho người dân trên địa bàn huyện miền núi này).
 
Người trong cuộc nói gì?
 
Bác sĩ Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện ĐK Minh Hóa chia sẻ, là bệnh viện hạng II, thực hiện nhiệm vụ KB, CB cho nhân dân trên địa bàn huyện Minh Hóa, các huyện lân cận và các huyện biên giới nước bạn Lào. Năm 2021, bệnh viện chỉ được phân số thẻ KB, CB BHYT ban đầu khoảng hơn 6.300 thẻ, sang năm 2022, số đầu thẻ được tăng lên hơn 14.700 thẻ.
 
Tuy đã được phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu tại các trạm y tế xã, thị trấn nhưng vì thông tuyến, nên phần lớn người dân trong huyện đều đến khám tại bệnh viện. Vì vậy, Sở Y tế, BHXH tỉnh cần căn cứ thực tế địa bàn để có sự điều chỉnh phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và tránh thiệt thòi cho người tham gia BHYT. 
Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh vắng hoe vì không có bệnh nhân đến khám.
Thời gian qua, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh giảm sâu.
Mục sở thị trong ngày làm việc bình thường, tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh vắng hoe, Giám đốc bệnh viện Trần Xuân Phú giải thích: Là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất trên địa bàn, nhiều năm qua được người dân tin tưởng, nhất là người cao tuổi. Từ gần 5.000 thẻ KB, CB BHYT ban đầu, đến năm 2021 giảm xuống 3.312 thẻ và trong năm 2022, bệnh viện chỉ còn 158 thẻ KB, CB BHYT ban đầu cho cán bộ, nhân viên làm việc tại bệnh viện, nên lượng bệnh nhân đến đây khám giảm sâu bất thường.
 
Bác sĩ Trần Xuân Phú cho biết: Việc cắt giảm thẻ đột ngột, không thông báo trước đã tạo ra rất nhiều hệ lụy cho bệnh viện và người tham gia BHYT truyền thống tại đây. Theo thói quen lâu nay, người dân vẫn đến khám bệnh, khi được cán bộ tại Khoa Khám bệnh giải thích thẻ BHYT của họ đã được chuyển đi nơi khác, họ đến khám nếu đúng bệnh điều trị nội trú thì được thanh toán BHYT còn KB, CB ngoại trú thì người dân phải tự trả tiền (vì vượt tuyến), nhiều người đã rất bức xúc, nhất là đối tượng người cao tuổi, làm nhân viên y tế rất khó xử. 
Bệnh nhân chờ khám BHYT tại Phòng khám ĐK Bắc Lý.
Bệnh nhân chờ khám BHYT tại Phòng khám ĐK Bắc Lý.
Là bệnh viện hạng II, phải tự chủ lương và một phần chi thường xuyên, khi bị cắt giảm thẻ KB, CB BHYT ban đầu, đã làm giảm nguồn thu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại đây. Trong năm 2022, bình quân lượng bệnh nhân đến khám trong ngày khoảng trên dưới 10 người, cao điểm cũng chỉ khoảng 20-30 người và tất cả họ đều được nhập viện điều trị nội trú (vì đa phần là bệnh nhân nặng, vượt tuyến KB, CB). 
 
Số lượng bệnh nhân đến khám giảm mạnh, đội ngũ y, bác sĩ phòng khám nhàn rỗi không có việc làm; trang thiết bị được đầu tư hiện đại như máy: Siêu âm 4D, X-quang kỹ thuật số, siêu âm tim, các thiết bị xét nghiệm… và đặc biệt là hệ thống phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu cao trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân đang từng ngày lãng phí, không sử dụng hết công năng. Cùng với đó, thuốc điều trị ngoại trú phải hủy nhiều (do việc đấu thầu thuốc thực hiện tập trung từ cuối năm 2021). Đặc biệt, trong năm 2022, bệnh viện đã có 5 cán bộ y tế xin nghỉ việc, chuyển việc ra làm cho y tế tư nhân, trong đó có 3 bác sĩ tay nghề cao.
 
“Những năm qua, bệnh viện đã nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ, gửi đi đào tạo các chuyên khoa bài bản và đầu tư trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, bảo đảm công tác KB, CB cho nhân dân trên địa bàn. Mặc dù tại các cuộc họp liên ngành tôi đã đề xuất rất nhiều lần, nhưng vấn đề phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu vẫn không được giải quyết. Sang năm 2023, tôi tiếp tục đề nghị Sở Y tế, BHXH tỉnh xem xét năng lực thực tế của bệnh viện để phân bổ thẻ bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị, tránh lãng phí nguồn lực và đặc biệt là để người dân tham gia BHYT được hưởng lợi một cách chính đáng”, bác sĩ Trần Xuân Phú bày tỏ. 
Năm 2022, Phòng khám ĐK Tân Phước An được phân đầu thẻ KB, CB BHYT gần gấp đôi năm 2021.
Năm 2022, Phòng khám ĐK Tân Phước An được phân đầu thẻ KB, CB BHYT gần gấp đôi năm 2021, nhưng không thường trực cấp cứu ban đêm.
Cách Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh một đoạn không xa, cùng trên đường Hữu Nghị (TP. Đồng Hới), tại Phòng khám ĐK Bắc Lý, lượng bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám và trả kết quả khá đông.
 
Ông Trần Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh Quảng Bình cho biết, phòng khám được cấp phép đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 và bắt đầu thực hiện khám BHYT từ 1/3/2020. Đến nay, phòng khám có số lượng thẻ BHYT được phân là 7.451 thẻ, chủ yếu khám cho đối tượng là cán bộ hưu trí, doanh nghiệp tại các xã, phường: Bắc Lý, Lộc Ninh, Quang Phú; Trường đại học Quảng Bình… 
 
Hiện phòng khám có 70 nhân viên, trong đó có 18 bác sĩ, mỗi ngày đón khoảng trên 100-150 người đến khám, vào những ngày cuối tháng và đầu tháng lượng người đến khám còn nhiều hơn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được khám, kê đơn cấp phát thuốc; nếu bệnh nhân cần điều trị thì phòng khám có 2 khoa điều trị ngoại trú với 35 giường chuyên điều trị đông y và phục hồi chức năng; còn bệnh nhân nặng thuộc các chuyên khoa khác thì được chuyển tuyến lên Bệnh viện HNVN-CBĐH.  
Bệnh nhân được chăm sóc, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền.
Bệnh nhân cao tuổi được chăm sóc, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền.
Qua tìm hiểu, có một thực tế bất cập đang diễn ra mà ngành Y tế cần có sự điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT, đó là việc các phòng khám ĐK tư nhân được phân bổ đầu thẻ KB, CB BHYT ban đầu rất lớn, nhưng chỉ làm việc trong giờ hành chính, không thường trực cấp cứu ban đêm và các ngày nghỉ lễ, Tết… Từ đó, dẫn đến tình trạng người bệnh được phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu tại đây khi cần cấp cứu phải đến những cơ sở y tế khác, như: Bệnh viện ĐK TP. Đồng Hới hay vượt tuyến đến thẳng Bệnh viện HNVN-CBĐH…
 
Bác sĩ Nguyễn Đức cường, Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH cho biết, bệnh viện thường xuyên điều trị khoảng từ 1.000-1.200 bệnh nhân, cao điểm có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, lượng thẻ được phân KB, CB BHYT ban đầu không nhiều (năm 2021 có 10.445 thẻ, sang năm 2022 giảm xuống còn 10.313 thẻ). Việc phân thẻ BHYT ban đầu không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của bệnh viện, nhưng điều quan trọng là người tham gia BHYT không được hưởng lợi, họ không được KB, CB BHYT ban đầu ở bệnh viện có điều kiện tốt hơn và cũng có không ít bệnh nhân chỉ được hưởng 40% chi trả từ BHYT (vì nhiều lý do khách quan, chủ quan phải vượt tuyến KB, CB).
 
Sở Y tế đã phát huy vai trò chủ trì trong phân thẻ BHYT?
 
Qua trao đổi, bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, tinh thần chủ đạo của ngành Y tế đó là: Quyền lợi của người tham gia BHYT phải được đặt lên hàng đầu! 
 
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua, việc phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu chủ yếu do BHXH tỉnh thực hiện. Những bất cập, nhất là tại địa bàn TP. Đồng Hới và đặc biệt là xoay quanh Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh và 5 phòng khám ĐK tư nhân trên địa bàn sở cũng đã ghi nhận. 
Phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu: Quyền lợi của người tham gia BHYT phải được đặt lên hàng đầu!
Phân thẻ KB, CB BHYT ban đầu: Quyền lợi của người tham gia BHYT phải được đặt lên hàng đầu!
Vừa qua, Sở Y tế đã quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại năng lực cụ thể của các phòng khám để công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện, cũng như năng lực KB, CB BHYT ban đầu gửi BHXH tỉnh để phối hợp thực hiện phân phối thẻ trong năm 2023 phù hợp hơn.
 
Sở Y tế cũng sẽ chủ trì việc phân bổ thẻ BHYT ban đầu năm 2023 dựa trên 4 nguyên tắc: Thứ nhất là gần địa bàn; thứ 2 là theo nguyện vọng của người dân; thứ ba là theo độ tuổi và thứ tư là phải phù hợp với năng lực thực tế của các phòng khám công lập cũng như tư nhân, bảo đảm khách quan, công bằng và trên hết là bảo đảm quyền lợi tối đa của người dân-những người trực tiếp đóng BHYT.
 
Tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế Quy định đăng ký KB, CB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KB, CB BHYT đã quy định cụ thể: 
 
Trách nhiệm của Sở Y tế: Xác định, lập và công bố danh sách các cơ sở đăng ký KB, CB ban đầu theo các tuyến trên địa bàn tỉnh, thành phố; chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn đối tượng, cơ cấu nhóm đối tượng và số lượng người tham gia BHYT đăng ký KB, CB ban đầu tại các viện, trung tâm, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện, viện y học cổ truyền bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở và tổ chức hệ thống cơ sở KB, CB tại địa phương, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn và chất lượng KB,CB.
 
Trách nhiệm của BHXH tỉnh: Tổ chức ký hợp đồng KB, CB BHYT với các cơ sở KB, CB có đủ điều kiện tổ chức KB, CB ban đầu theo danh sách Sở Y tế đã phê duyệt.
 
Nội Hà

tin liên quan

Tổ chức Y tế thế giới sử dụng tên tiếng Anh mới cho bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo tên tiếng Anh của bệnh đậu mùa khỉ - "monkeypox" sẽ được đổi thành "mpox" nhằm tránh những hiểu lầm liên quan đến tên cũ.

Quảng Bình vượt mốc 8.000 ca mắc sốt xuất huyết và dự báo dịch tiếp tục diễn biến phức tạp

(QBĐT) - Sáng nay, 27/11, Quảng Bình ghi nhận 52 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), nâng tổng số ca mắc SXH toàn tỉnh từ đầu năm đến nay lên 8.007 ca, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong. 

Hoàn thành gần 5.700 mũi tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên

(QBĐT) - Ngày 26/11, Trung tâm Y tế Bố Trạch tiếp tục tổ chức điểm tiêm lưu động vắc xin phòng Covid-19 tiêm vét mũi 3 cho gần 150 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, hoàn thành đợt tiêm chủng 5.658 liều Pfizer cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn huyện trước 2 ngày với kế hoạch.