(QBĐT) - Những năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng đã nỗ lực rất lớn để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam-nghĩa là AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Người nhiễm HIV đang trẻ hóa nhanh
Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Trong những năm qua, với nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở trên 12%; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới (từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,6% năm 2021) và 89,8% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong đó đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS. Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay >10.000 ca/năm); tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS<1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân); tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (hiện nay 6%).
Trong 10 tháng năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (48,6%) và 30-39 (28,4%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).
Điều đáng nói, kiến thức phòng, chống HIV/AIDS ở người trẻ còn rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80%, thì tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%.
Đặc biệt, xu hướng dịch HIV ở Việt Nam đang thay đổi, trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu, nhưng trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.
“Chấm dứt dịch AIDS-Thanh niên sẵn sàng!”
Năm 2022, Việt Nam triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ ngày 10/11-10/12 và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS-Thanh niên sẵn sàng!”. Chủ đề phù hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam khi mà các bạn trẻ là lực lượng cần quan tâm trong thời gian tới để đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Điều này sẽ thành công nếu huy động được thanh niên chủ động, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, Đoàn Thanh niên các cấp cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó chú ý nhóm thanh niên trẻ tuổi trong khu vực trường học, khu công nghiệp.
Cụ thể, đối với thanh niên là học sinh, sinh viên: Tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ… Thông qua các tiết ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề, các sự kiện truyền thông tại các trường THPT, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp để tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.
Đối với thanh niên là công nhân, người lao động: Tăng cường hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các hình thức truyền thông phù hợp về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp lớn…
Quảng Bình nỗ lực hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Tính đến ngày 28/11/2022 số người nhiễm HIV toàn tỉnh là 469 trường hợp, trong đó đã tử vong 138 trường hợp, hiện tại có 331 người nhiễm HIV đang còn sống; 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 125/151 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.
Qua số liệu giám sát, nam giới có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn nữ giới (nam 60,34%; nữ 39,66%); đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (72,49%), đường máu (12,15%), mẹ sang con (4,26%), không rõ chiếm (11,09%).
Thời gian qua, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai mạnh mẽ.
Mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng hiện nay đang thực hiện công việc tiếp cận, truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Kết nối tư vấn xét nghiệm HIV ngoài cộng đồng, kết nối khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và kết nối chăm sóc điều trị HIV.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 được khống chế trên địa bàn tỉnh, CDC tỉnh đã tập trung thực hiện tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho các phạm nhân tại Trại giam Đồng Sơn và Trại tạm giam Công an tỉnh; cấp test xét nghiệm sàng lọc HIV cho trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xét nghiệm được 10.627 mẫu, phát hiện 15 trường hợp dương tính với HIV.
Hiện Quảng Bình có 269 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị (người lớn 261, trẻ em 8); tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 3 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh là 150 trường hợp; 100% bệnh nhân được khám, cấp phát thuốc qua bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường dự phòng, phát hiện, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh đồng nhiễm (lao, da liễu, viêm gan vi rút, các bệnh lây truyền qua đường tình dục), góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ, HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ở Quảng Bình, tình hình dịch AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp. Đường lây HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên... Từ đó, cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Vì vậy, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay nhằm tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, góp phần cùng cả nước chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Việt Nam hiện là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo tên tiếng Anh của bệnh đậu mùa khỉ - "monkeypox" sẽ được đổi thành "mpox" nhằm tránh những hiểu lầm liên quan đến tên cũ.
(QBĐT) - Sáng nay, 27/11, Quảng Bình ghi nhận 52 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), nâng tổng số ca mắc SXH toàn tỉnh từ đầu năm đến nay lên 8.007 ca, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
(QBĐT) - Ngày 26/11, Trung tâm Y tế Bố Trạch tiếp tục tổ chức điểm tiêm lưu động vắc xin phòng Covid-19 tiêm vét mũi 3 cho gần 150 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, hoàn thành đợt tiêm chủng 5.658 liều Pfizer cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn huyện trước 2 ngày với kế hoạch.