Quảng Bình: Các bệnh viện căng sức điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
(QBĐT) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn Quảng Bình, số ca mắc chưa có chiều hướng giảm, các cơ sở y tế đang căng sức tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.
Ca mắc SXH chưa giảm
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, từ đầu năm đến nay (4/12), số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn tỉnh lên 8.440 ca, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2021, bệnh nhân rải đều ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, tập trung nhiều nhất ở 3 huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch và Quảng Ninh. Bình quân mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận từ 70-80 ca mắc SXH, cá biệt có những ngày tăng vọt lên trên 100 ca. Với số ca mắc SXH chưa có xu hướng giảm, hiện tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục đông bệnh nhân (BN), luôn trong tình trạng quá tải.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, do thời tiết diễn biến cực đoan, là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nên tình hình dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, ngành Y tế cùng các địa phương đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt; tổ chức tập huấn cho tuyến y tế cơ sở về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về SXH Dengue. Đồng thời, tập trung giám sát phát hiện ca mắc tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế không để dịch lan rộng.
CDC đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống SXH, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại một số xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có ổ dịch cũ phức tạp hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ cao.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống SXH một cách triệt để, như: Làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, ngủ màn, mặc áo quần dài tay phòng muỗi đốt vào các buổi sáng sớm và chiều tối, sử dụng các sản phẩm xua đuổi muỗi…
Tuy nhiên, do dịch SXH có tính chất chu kỳ, cùng với yếu tố thời tiết thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển… thì việc thiếu hóa chất cho y tế cơ sở xử lý triệt để các ổ dịch và phun hóa chất chủ động diệt muỗi trưởng thành ở những khu vực nguy cơ cao… là những nguyên nhân dẫn đến dịch SXH vẫn chưa được khống chế triệt để, còn kéo dài và số ca mắc SXH vẫn chưa giảm trên địa bàn toàn tỉnh.
Các bệnh viện liên tục quá tải bệnh nhân SXH
Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Bắc Quảng Bình, bác sĩ Nguyễn Viết Thái Giám đốc bệnh viện chia sẻ, thời gian qua, khu vực phía bắc tỉnh chưa phải là “điểm nóng” của dịch SXH, nhưng bệnh viện phải thu dung điều trị BN SXH của cả khu vực: Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và một phần của huyện Bố Trạch, nên luôn trong tình trạng quá tải.
Ngoài Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi, bệnh viện phải trưng dụng thêm một phần Khoa Ngoại để kê thêm giường điều trị cho bệnh nhân SXH. Hiện bệnh viện đang điều trị gần 200 bệnh nhân SXH, trong đó có khoảng 30-40 bệnh nhi.
“Mặc dù luôn trong tình trạng quá tải, nhưng bệnh viện đã nỗ lực bảo đảm thuốc, dịch truyền và vật tư y tế điều trị cho BN. Tuy nhiên, dịch SXH năm nay kéo dài, bệnh diễn biến chuyển nặng nhanh, không theo quy luật như trước đây… Tại bệnh viện chưa có máy lọc tiểu cầu cho BN cần truyền máu, nên trong tháng 10 và 11 đã chuyển lên tuyến trên 28 BN SXH, riêng trong tuần vừa rồi phải chuyển 6 ca”, bác sĩ Nguyễn Viết Thái bộc bạch.
Là địa bàn trọng điểm của dịch SXH, bác sĩ Phan Văn Hợi, Phó Giám đốc BVĐK Lệ Thủy cho biết, bệnh viện tiếp nhận BN SXH khởi phát từ đầu tháng 6 và đến nay luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày tiếp nhận từ 30-40 BN nhập viện, bình quân tại bệnh viện luôn thường trực điều trị từ 110-130 BN, cao điểm cuối tháng 9 có ngày lên trên 170 BN. Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi quá tải, bệnh viện đã huy động thêm lực lượng hỗ trợ và ngoài việc kê thêm giường thì chia sẻ BN SXH về các khoa nội, ngoại, sản, liên khoa… để điều trị ở phòng cách ly riêng.
“Hiện tại Khoa Truyền nhiễm chỉ chuyên điều trị BN SXH, còn các bệnh khác như sốt siêu vi, cúm… được chuyển về các khoa khác điều trị. Bệnh viện không có dịch cao phân tử và máu để truyền cho BN giảm tiểu cầu nghiêm trọng, nên đội ngũ y bác sĩ phải thường xuyên theo dõi chặt diễn biến bệnh của từng BN để chuyển tuyến kịp thời, tránh tình trạng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong do SXH. Từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện đã chuyển lên tuyến trên hơn 100 BN SXH nguy cơ cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng BN nhập viện có giảm (do người dân tự điều trị tại nhà), nhưng số BN phải chuyển tuyến nhiều hơn so với thời kỳ đầu mùa dịch”, bác sĩ Phan Văn Hợi chia sẻ thêm.
Ghi nhận thực tế tại Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH)-đơn vị tuyến cuối điều trị bệnh SXH trên địa bàn Quảng Bình, hiện đang điều trị cho hơn 70 ca SXH.
Trưởng khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, bác sĩ Lê Cừ cho biết, từ tháng 7 đến nay, tại khoa hàng ngày lượng BN SXH sau khi được điều trị khỏi bệnh ra viện từ 20-30 ca và sẽ có ngay ca mắc SXH mới vào tương đương, giường bệnh không lúc nào trống. Có thời điểm khoa tiếp nhận điều trị trên 100 ca, phải kê thêm giường và đề nghị tăng cường nhân lực từ các khoa khác để hỗ trợ điều trị BN SXH. Cùng với nhiệm vụ điều trị BN Covid-19 tầng 3, số ca mắc SXH tăng đột biến, gây quá tải trong thời gian dài đã tạo áp lực không nhỏ cho Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới nói chung và đội ngũ y bác sĩ làm việc tại đây nói riêng.
Bác sĩ Lê Cừ thông tin thêm, dịch SXH năm nay kéo dài và diễn ra khốc liệt hơn, BN nặng nhiều hơn, lượng máu tiêu thụ nhiều hơn mọi năm rất nhiều. Hiện tại khoa có khoảng 20 BN trong tình trạng cảnh báo, phải theo dõi chặt và hầu như ngày nào ở đây cũng có BN phải truyền tiểu cầu. Thời gian qua, đã có 3-4 BN phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc vì diễn biến nặng và sốc nhiễm trùng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại Quảng Bình chưa ghi nhận ca xuất huyết não do SXH.
“SXH là một bệnh truyền nhiễm, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, mỗi người dân cần chủ động tự giác ngủ màn, phòng ngừa muỗi đốt. Đồng thời, phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo để đến bệnh viện điều trị kịp thời”, bác sĩ Lê Cừ khuyến cáo.
Còn tại đơn nguyên Hồi sức tích cực-Chống độc nhi-Sơ sinh (Khoa Nhi, Bệnh viện HNVN-CBĐH) đang điều trị tích cực cho 3 bệnh nhi sốc do SXH. Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi chia sẻ: Thời gian dài tại khoa luôn thường trực từ 30-40 bệnh nhi SXH, có những thời điểm còn nhiều hơn và ngày nào cũng tiếp nhận một vài ca từ tuyến dưới chuyển lên; có nhiều ca là trẻ nhỏ, cá biệt có 1 ca cháu bé chưa đến 30 ngày tuổi. Cùng với nhiều bệnh khác của trẻ do thời tiết thất thường, Khoa Nhi luôn trong tình trạng áp lực quá tải. Có thể nói, dịch SXH lần này kéo dài, nhiều bệnh nhi nhập viện diễn tiến nặng và chưa có dấu hiệu dừng lại, nên các bậc phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, nhũ nhi, trẻ suy dinh dưỡng cũng như béo phì, trẻ có bệnh đi kèm, như: viêm phổi, nhiễm khuẩn, mắc Covid-19, tay chân miệng…
“Đa số trẻ em khi mắc SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, trong thời gian đó lưu ý cho trẻ uống nhiều nước, đề phòng trẻ mất nước do sốt cao, bổ sung nước hoa quả giàu vitamin C, nước dừa, các loại rau xanh trong khẩu phần ăn; mắc màn và xịt thuốc đuổi muỗi, bảo đảm cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, nếu phát hiện có 1 trong các dấu hiệu sau phải đưa trẻ vào viện gấp: Đau bụng, li bì, nôn liên tục, hạ thân nhiệt đột ngột, xuất hiện chảy máu (mũi, miệng, tiểu máu, phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái, chân tay trẻ lạnh, ẩm…”, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân nhấn mạnh.
Quyết liệt không để dịch SXH kéo dài
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài và hạn chế tử vong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng phối hợp với ngành Y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại các địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể; xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động.
Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị BN, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh SXH, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính), chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH; đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Những ngày tới, nếu thời tiết thuận lợi, CDC sẽ chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện các ổ dịch mới và ca bệnh mới mắc trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch SXH; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, như: Huy động tổng lực các lực lượng tại chỗ tổng vệ sinh môi trường, đồng loạt ra quân chiến dịch diệt loăng quăng với chủ đề "không có loăng quăng/bọ gậy-không có SXH"; tranh thủ sự hỗ trợ tài chính để tổ chức phun hoá chất diệt muỗi ở các ổ dịch vừa trở lên và CDC sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân lực, máy móc, hoá chất… cho các địa phương trọng điểm SXH. |
Nội Hà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.