Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Một thập kỷ gieo niềm thương, nỗi nhớ - Bài 1: Hành trình xúc cảm

  • 06:06 | Thứ Năm, 03/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 5/2013, chuyến tàu du lịch Hà Nội-Quảng Bình (QB1, QB2) chính thức được đưa vào vận hành và mỗi dịp cuối tuần, được tăng cường thêm tàu QB3, QB4 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tròn 10 năm đi vào khai thác, trên những chuyến tàu hỏa này, hàng triệu lượt khách đã đặt chân khám phá Quảng Bình. Bao nhiêu chuyến tàu xuôi ngược là bấy nhiêu hành trình xúc cảm, là chừng ấy niềm thương, nỗi nhớ của lữ khách khi nghĩ về mảnh đất Quảng Bình.  
 
Ga Hà Nội, 20 giờ. Dòng người vội vã bước vào sân ga. Ánh đèn vàng vọt hắt bóng xuống mặt đường. Trên đường sắt số 3, đoàn tàu QB3 sẵn sàng đón đợi từng đoàn khách bước vào. Không giống như những chuyến tàu khác, QB3 đặc biệt bởi không có nỗi buồn của những cuộc chia xa, chỉ có sự háo hức, niềm vui đón đợi một hành trình nhiều xúc cảm về với vùng đất Quảng Bình đang ở phía trước.
Ga Hà Nội-điểm khởi đầu của chuyến hành trình 520km Hà Nội-Quảng Bình.
Ga Hà Nội-điểm khởi đầu của chuyến hành trình 520km Hà Nội-Quảng Bình.
Đó là một buổi tối Hà Nội dịu mát sau cơn mưa giông bất chợt. Sân ga chộn rộn tiếng nói cười, tiếng vali kéo rần rật trên mặt bê tông. Dẫu có bao đổi thay, hiện đại, hoành tráng hơn thì ga Hà Nội vẫn đâu đó dáng dấp của ga Hàng Cỏ nổi tiếng một thời. Đằng sau sự ồn ã vốn có của một sân ga chốn Thủ đô, vẫn là nét bình yên với những ánh đèn vàng hiu hắt, với những lối đường sắt đã cũ và cả những con người gắn bó với sân ga hàng chục năm trời mà trên gương mặt đã hằn in nếp gấp thời gian. Ga Hàng Cỏ xưa và nay là ga Hà Nội vẫn mang đến cho người đi, kẻ ở bao nhiêu xúc cảm khó lòng gọi tên.
 
Sau tiếng loa phát thanh thông báo chuyến tàu QB3 sắp sửa rời ga, những vị khách cuối cùng vội vã bước lên tàu. Trưởng tàu Hà Văn Tỉnh dạo một vòng qua các toa nắm tình hình, thỉnh thoảng lại đưa cuốn sổ tay ra ghi chép, không quên mỉm cười, gật đầu chào những vị khách vô tình bắt gặp trên lối hành lang hẹp.
 
Ông đã có ngót nghét 30 năm gắn bó đời mình với những thân tàu. Cuộc đời là những chuyến đi dài hàng nghìn km mỗi ngày, đồng hành cùng những người khách lạ mà quen, mới gặp mà cứ ngỡ đã thân từ lâu lắm. Bởi, với những người dành trọn đời cho những chuyến hỏa xa thì tàu chính là nhà, khách chính là người thân.
Hành khách tàu QB3 làm thủ tục tại ga Hà Nội trước khi lên tàu.
Hành khách tàu QB3 làm thủ tục tại ga Hà Nội trước khi lên tàu.
Chuyến tàu hôm nay-QB3-đặc biệt hơn một chút khi mà hành khách chủ yếu là khách du lịch. Rời xa những huyên náo của chốn thị thành, họ bước chân lên tàu với tâm thế háo hức, sẵn sàng khám phá một vùng đất lạ. Trưởng tàu Hà Văn Tỉnh bảo rằng, là tàu du lịch nên không khí cũng vui vẻ, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hành trình ngắn chỉ gói gọn trong hơn 10 giờ với 520km nhưng lại đủ đầy xúc cảm.
 
Khi cánh cửa các toa lần lượt được đóng lại, con tàu rùng mình rồi chầm chậm chuyển bánh rời khỏi sân ga. Ga Hà Nội bắt đầu xa dần. Ánh đèn vàng vọt hắt lên tấm rèm cửa rồi vội vã chìm dần sau khoảng không gian phố thị rực rỡ ánh đèn. Khi con tàu di chuyển cũng là lúc những nhóm người nhoài mình ra các ô cửa kính, ngắm nghía chút ánh sáng vàng vọt cuối cùng còn sót lại của sân ga. Họ đang nghĩ ngợi điều gì, trông mong điều gì? Chỉ biết khi tàu rời ga cũng là lúc họ bỏ lại sau lưng những chộn rộn cơm áo, những sấp ngửa nơi phố thị để tìm về chốn bình yên, thả lòng mình ở một vùng đất mới.
 
Giữa bao lựa chọn mới mẻ, hiện đại hơn, họ vẫn thủy chung với việc đi tàu hỏa-phương tiện giao thông thuộc loại cổ xưa bậc nhất Việt Nam. Nghĩa là lựa chọn cho mình một lối sống chậm, một không gian chật hẹp với những người lạ, với những cung đường khi tỏ, khi mờ, khi ngập sóng điện thoại, khi lại mất hẳn liên lạc với bên ngoài. Nghĩa là sẽ được ngắm nghía quê hương, Tổ quốc ở một cung đường thật khác, một góc nhìn thật lạ. Trên con tàu này, có nhiều người lần đầu tiên được trải nghiệm tàu hỏa và cũng lắm người phải thật lâu năm rồi mới lại được đặt chân lên tàu.
Trải nghiệm các dịch vụ trên tàu du lịch.
Trải nghiệm các dịch vụ trên tàu du lịch.
Chị Nguyễn Thị Sinh, du khách ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi chọn đi tàu vào Quảng Bình du lịch vì chỉ cần ngủ một giấc trên tàu là đã đến nơi. Chưa kể, đây là lần đầu tiên các con tôi được đi tàu hỏa nên cũng là cơ hội để cho các cháu thêm nhiều trải nghiệm”. Nói rồi, cả gia đình lại quay ra phía ô cửa nhỏ, ngắm nhìn những hàng quán vụt qua trong thoáng chốc.
 
Bóng đêm dần bao phủ. Con tàu lầm lũi xé toang màn đêm. Tiếng xình xịch vẫn đều đặn vang lên, thỉnh thoảng lại xen lẫn tiếng kèn kẹt của hệ thống phanh rà sát mặt đường. Đêm đã về khuya. Ánh đèn bên trong mỗi toa tàu đã giảm. Tiếng cười đùa của du khách cũng vãn dần. Tàu vào địa phận Hà Nam, rồi Ninh Bình, Nam Định… cứ thế, lẳng lặng đi giữa đêm tối.
 
Chúng tôi và hơn 350 vị khách lạ trên chuyến tàu này thật may mắn khi được trải nghiệm tàu hỏa vào một đêm trăng tròn vạnh. Ánh trăng chảy tràn trên cung đường khi tỏ, khi mờ rồi treo lơ lửng như cố bám víu vào những ô cửa nhỏ trên thân tàu. Chẳng cần biết những gì đang đón đợi phía trước, chỉ thấy rằng, khoảnh khắc ấy, mọi nỗi phiền muộn đã vội vã trôi tuột đi.
Trải nghiệm tàu hỏa sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên quê hương ở một góc nhìn khác.
Trải nghiệm tàu hỏa sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên quê hương ở một góc nhìn khác.
QB3 là tàu du lịch tăng cường vào dịp cuối tuần. Ga Hà Nội và ga Đồng Hới là điểm đầu và điểm cuối của hành trình hơn 520km. Suốt đêm trên con tàu lắc lư đi qua bao vùng đất, thỉnh thoảng QB3 dừng lại đôi phút để tránh tàu rồi vội vã rời đi. Những sân ga lớn, nhỏ lần lượt lướt qua trong thoáng chốc, ánh đèn hắt vào buồng ngủ chóng vánh rồi vội tan. Con tàu tăng tốc lao đi giữa không gian bàng bạc ánh trăng.
 
Bất giác, lại nhớ nhiều đến câu thơ ngày cũ của nhà thơ Tế Hanh: “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/Ngàn đời không đủ sức đi mau/Có chi vương víu trong hơi máy/Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”. Là phương tiện giao thông được coi là lâu đời và lạc hậu nhất, trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật, đường sắt cũng buộc phải chuyển mình, để không còn bị mặc định rằng “ngàn đời không đủ sức đi mau”.
 
Không giống như các tàu thống nhất, toàn bộ các toa tàu du lịch QB1, QB2 (QB3, QB4 vào dịp cuối tuần) đều là giường nằm với hệ thống điều hòa mát lạnh, đầy đủ các tiện nghi cơ bản. Có lẽ vậy nên chúng tôi đã bắt gặp nụ cười thật hiền và cái gật gù đầy tâm đắc của cô bé buồng bên sau khi em đã dành trọn hơn 1 giờ đồng hồ khám phá hết 17 toa xe trên tàu.
Trải nghiệm tàu hỏa sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên quê hương ở một góc nhìn khác.
Trải nghiệm tàu hỏa sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên quê hương ở một góc nhìn khác.
Trời hửng sáng. Mở mắt, kéo tấm rèm cửa nơi buồng ngủ, cả một thế giới thật khác lạ mở ra trước mặt. Không còn những dòng xe vội vã nối đuôi nhau trên con phố sát ga Hà Nội, chỉ thấy một không gian đất trời, mây núi khoáng đạt, vần vũ trong làn sương bàng bạc. Tàu chạm đất Quảng Bình, qua đèo Khe Nét, rồi lắc lư trên cung đường sát bờ sông Gianh. Du khách đã bắt đầu trở dậy, ngắm nghía khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
 
“Đoàn tàu QB3 sắp sửa dừng xuống ga Đồng Hới. Quý khách có vé xuống ga Đồng Hới…” Loa phát thanh vang lên hiệu lệnh, rồi bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” rộn rã khắp toa. Tiếng người cười nói chộn rộn khắp toa tàu. Những gương mặt háo hức, trông đợi đang sẵn sàng cho một chuyến khám phá nhiều điều thú vị. Sau cuộc đi dài hơn 520km trên con tàu lắc lư, đi qua bao vùng đất, đặt chân xuống tàu, kéo vali rời sân ga Đồng Hới, du khách chính thức bước vào một hành trình lắm trải nghiệm trên mảnh đất Quảng Bình.
Diệu Hương
 
>>> Bài 2: Hỏa xa hóa gần

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.