Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023)

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 2: Cuốn nhật ký xuyên biên giới

  • 07:34 | Thứ Năm, 27/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hơn 40 năm, cuốn nhật ký đã ngả màu nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia vẫn giữ bên mình như một báu vật. Những dòng chữ đã nhạt nhòa theo thời gian, vậy mà ký ức của những năm tháng không thể nào quên vẫn cuồn cuộn trong ông mỗi khi nhắc đến.

 

      >>> Bài 1: "Đội quân nhà Phật"

 

Cuốn nhật ký bắt đầu từ những ngày Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu vẫn đang học tập tại Trường sĩ quan Pháo binh. Nhưng phải đến khi sang chiến trường Campuchia, đối mặt với hiểm nguy, chứng kiến sự mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng đội, những dòng gan ruột cứ thế lấp đầy trong từng trang viết. “Ngày 1/3/1984: Trung đoàn pháo binh, Sư đoàn 339 điều mình về Đại đội 10 nhận công tác. Cuộc sống chiến trường, người lính lại tiếp tục. Đại đội 10 dạo này mất mát nhiều quá, chỉ trong vòng 48 ngày mà hy sinh 3, bị thương 2. Mình mới về, thấy hậu quả để lại cũng đáng buồn”.

Cuốn nhật ký chiến trường được Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu cất giữ hơn 40 năm.
Cuốn nhật ký chiến trường được Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu cất giữ hơn 40 năm.

Đó là những dòng nhật ký đầu tiên được viết ngay tại chiến trường Pua Sát-một tỉnh giáp biên giới Campuchia-Thái Lan. Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu thời điểm này đang là Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 11, Sư đoàn 339 Mặt trận 979.

 

Khi ấy, cán bộ, chiến sĩ phải chiến đấu giữa một chiến trường ác liệt, điều kiện sống cũng vô cùng khốc liệt với những cuộc tuần tra trong rừng thiếu thốn lương thực, cả nước sạch và thường xuyên đối diện với những bẫy mìn mà kẻ địch giăng mắc khắp nơi. Ở đó, “cây cối trơ trụi, không còn lá. Trên thân cây, hàng trăm mảnh đạn chặt ngang dọc, nham nhở chừng vài cây số vuông”, mìn dày đặc trên con đường hành quân mà “người đi sau phải bước lên dấu chân người đi trước, lệch ra khỏi, không may là lại dính mìn”.

 

Khắc nghiệt thế nhưng những người lính bộ đội Cụ Hồ vẫn giữ vững phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đi qua khói lửa, vượt qua những thiếu thốn, chật vật để tiếp tục chiến đấu: “Ngày 10/12/1984: Ba đồng chí đi trinh sát đo đạc mục tiêu đến nay đã sốt gần hết. Nhìn anh em người nào cũng xanh xao, vàng vọt, cơm không đủ được. Tội nghiệp quá! Mình chắc cũng đến lượt như vậy thôi vì vùng biên giới này sốt rét 100%. Không ai tránh khỏi, cho dù sức khỏe có đi chăng nữa vẫn phải chịu đựng những trận sốt rét hoành hành. Tuy vậy song các đơn vị đã chốt giữ lâu ở khu vực này anh em vẫn lạc quan và công tác tốt”.

 

 Là người chỉ huy, ông chưa một ngày thôi lo nghĩ bởi nơi chiến trường này, sự khó nhọc và hiểm nguy là điều không thể đong đếm. Ngay cả khi đang trong cơn sốt rét, phải lui về hậu cứ, ông vẫn“thấy lo cho đơn vị và thương anh em đang ở tuyến trước vất vả quá”.

 

Khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ như một sợi chỉ mong manh. 6 năm trời chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông đã chứng kiến bao đồng đội thân yêu ngã xuống, rồi nhắm mắt ngay trên cánh tay mình. Ra trận nghĩa là chấp nhận đối diện với cái chết. Ra trận nghĩa là gạt bỏ hết những cảm xúc đời thường để mạnh mẽ chiến đấu nhưng nỗi đau mất đi đồng đội vẫn chưa bao giờ thôi nhức nhối.

 

Những lúc đó, sự yếu đuối của một đại đội trưởng chỉ được phép giãi bày trong từng trang nhật ký, chân thực, chi tiết, gần gũi mà không tô hồng hay sáo rỗng. Đó là những câu chữ gan ruột mà gần 40 năm trôi qua, mỗi khi đọc lại, ông vẫn cảm thấy nhói lòng: “Ngày 20/12/1984: Linh, đại đội trưởng đại đội 1 bị trúng mìn bị thương lúc 16 giờ, đến 18 giờ hy sinh. Vết thương nặng quá! Tội nghiệp Linh quá! Sức khỏe có, năng lực có, nhiệt tình, được anh em mến phục. Vì nhiệm vụ, Linh đã ngã xuống. Anh em cáng Linh về đến sở chỉ huy E. Mình theo xe chở Linh ra trạm phẫu sư đoàn. Chưa đến trạm phẫu, Linh đã tắt thở… Mình quyết định đưa Linh về trung đoàn để tắm rửa và mặc quần áo cho Linh. Đêm ấy, Linh đã vĩnh viễn yên nghỉ”. Hơn 1 năm sau, người lính ấy đã được ông và đồng đội vượt hiểm nguy, đường xa cách trở để đưa về quê nhà, chỉ mong “gia đình Linh sẽ yên lòng hơn một chút”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) ôn lại kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường Campuchia cùng các đồng đội.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) ôn lại kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường Campuchia cùng các đồng đội.

Trong suốt những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường nước bạn, chỉ trừ những hoàn cảnh thật sự không thể cho phép hay lúc giặc đánh phá dữ dội, còn lại hầu như mỗi ngày ông đều ghi nhật ký. Những dòng nhật ký như những lời gan ruột gửi gắm bao nỗi mong ngóng về quê hương, thương nhớ gia đình. Ở đó, có cha mẹ già đang ngóng đợi ngày con trai trở về, có người vợ hiền tảo tần hôm sớm và có đứa con thơ thèm lắm một ngày được bàn tay chăm sóc của người cha.

 

Viết cho kẻ thù, ông dành những lời đanh thép. Viết cho đồng chí, đồng đội, ông nắn nót những dòng trân trọng. Viết cho gia đình, ông lại không giấu được những lời nhớ thương. Câu chữ như nén chặt hàng trăm nghìn nỗi nhớ, chỉ chực chờ trào ra: “Ngày 23/2/1986: Mấy hôm nay, ba nhớ cu Tuấn của ba nhiều quá! Dạo trước cũng có lúc khuây khỏa nhưng 3 ngày gần đây, bao nhiều hình ảnh con cứ chập chờn trước mặt ba. Nỗi nhớ cháy cả lòng ba. Không biết con và mẹ có nhớ đến ba nơi biên giới Campuchia-Thái Lan này không?” 

 

Trên chiến trường, ông là người đại đội trưởng can trường, mạnh mẽ nhưng khi đối diện với trang nhật ký, với màn đêm đen kịt nơi núi rừng thâm u, ông trở về là một người bố trẻ với ngồn ngộn nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy cứ khắc khoải, thường trực trong tâm thức: “Ngày 8/7/1986: Nghe tin anh Tâm vào phép rồi, mình rất mừng vì thế nào cũng có tin gia đình. Nhớ cu Tuấn nhiều quá. Lúc nào cũng hình dung hình ảnh con đang đi, đang nói. Nỗi nhớ da diết nhiều đêm không ngủ được”.

 

Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4 nhưng với Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, 6 năm tại chiến trường Campuchia là trải nghiệm quý giá. Nơi đó, bao đồng đội của ông đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại ở lứa tuổi 20.

 

Nơi đó, trong gian khó và khắc nghiệt, nghĩa tình đồng đội và tình cảm mà người dân Campuchia dành cho người lính Cụ Hồ vẫn luôn ấm áp. 40 năm trước, cuốn nhật ký chỉ đơn giản là nơi để cho người lính xa quê giãi bày nỗi nhớ nhưng giờ đây, nó lại trở thành gia tài vô giá. Mỗi lần lật giở từng trang giấy đã nhuốm màu thời gian là bao nhiêu ký ức lại ùa về. Và hiển nhiên, nỗi nhớ thương những đồng đội đã mất một lần nữa lại nhức nhối tâm can người lính già.

 

Có những nỗi đau thời chiến sẽ chẳng thể nguôi ngoai khi người đang sống vẫn luôn thổn thức nhớ về những người đã nằm xuống. Nhớ về để thấy quý hơn những ngày đang sống, để trân trọng hiện tại, để hiểu rằng hòa bình và cây cầu hữu nghị của hai đất nước được vun bồi bằng xương máu, tuổi xuân của bao con người.

 

Diệu Hương

 

Bài 3: Người lính trở về

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.