Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023)

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

  • 06:31 | Thứ Sáu, 28/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Chú thân của cháu! Cháu nhớ mãi đến chú, đến các chuyên gia Việt Nam, đến thầy cô giáo Việt Nam đã hết sức giúp đỡ và giảng dạy cháu. Cháu đã lớn lên trong chế độ cách mạng được giúp đỡ này, không bao giờ quên được…”. Lá thư của người bạn Campuchia gửi cho ông Phạm Quang Lịch, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, chuyên gia công tác tại Campuchia đã bắt đầu bằng những lời gan ruột và đầy trân trọng như thế. Hồi hương sau 10 năm gắn bó với đất nước Angkor, gia tài của những chuyên gia, người lính tình nguyện có vô vàn niềm thương và nỗi nhớ.
 
 
Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.
 
Gia tài
 
Đã nhiều năm trôi qua nhưng thi thoảng, ông Phạm Quang Lịch vẫn lần giở những trang thư của người bạn phía bên kia biên giới. Những bức thư ấy được ông cất giữ cẩn thận như một kỷ niệm quý giá. Dòng thư bằng tiếng Việt được Tiêng Kim San-người thanh niên Campuchia năm nào nắn nót từng nét, từng chữ: “Cháu còn nhớ mãi lời khuyên của chú, khi gặp khó khăn trong cuộc sống và học tập, lời nói chú quay lại nhắc cháu cố gắng khắc phục để học tập và làm việc tốt”. Với ông Phạm Quang Lịch, những lời nghĩa tình ấy có giá trị hơn bất cứ một lời khen ngợi nào khác.  
 
Ngày 26/9/1989, toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trở về Tổ quốc trong sự lưu luyến của hàng triệu người dân Campuchia. Hành trang hồi hương là chiếc ba lô đơn sơ sờn bạc và bao tình cảm nhớ thương mà triệu triệu người dân xứ Chùa Tháp đã gửi gắm. Thời gian trôi đi, những chuyên gia, lính tình nguyện năm nào giờ tóc đã ngả màu. Vậy mà trong họ, ký ức vẫn vẹn nguyên như thuở 18, đôi mươi.
 
Đại tá Lê Văn Quang, nguyên cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình từng là chuyên gia tham gia hỗ trợ nước bạn Campuchia trong những năm 80 của thế kỷ trước. Trở về quê nhà, ông mang theo cuốn sách “Tự học tiếng Campuchia” và cất giữ cẩn thận cho đến hôm nay. Cầm trên tay cuốn sách đã sờn góc, úa vàng, ông rưng rưng: “Nó quý hơn bất cứ thứ gì khác”. Quý bởi suốt mấy năm ở Campuchia, cuốn sách ấy đã giúp ông thành thạo tiếng nước bạn và không ai khác, chính ông-một người lính Việt Nam lại dạy chữ Campuchia cho cán bộ, nhân dân bản địa. Cuốn sách như một báu vật mà mỗi khi nhìn thấy nó, ông lại nhớ về những tháng ngày vượt khó, vượt khổ, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc đã giao phó.
Nhiều năm trôi qua nhưng ông Phạm Quang Lịch vẫn cất giữ cẩn thận những trang thư của người bạn phía bên kia biên giới.
Nhiều năm trôi qua nhưng ông Phạm Quang Lịch vẫn cất giữ cẩn thận những trang thư của người bạn phía bên kia biên giới.
“Chế độ diệt chủng Pôn Pốt để lại một hậu quả vô cùng nặng nề là rất nhiều cán bộ, người dân Campuchia không biết chữ. Mấy năm lăn lộn ở bên đó, chúng tôi vừa học, vừa giảng dạy lại cho bạn”, đại tá Lê Văn Quang chia sẻ thêm.
 
Khói lửa chiến trường rèn ý chí
 
Thương binh Đoàn Ngọc Sơn (thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh) là một trong những người lính tình nguyện Việt Nam trở về từ “cửa tử” nơi chiến trường Campuchia ác liệt. Trong một trận phục kích, ông bị thương nặng rồi được đưa về nước, sau đó, hôn mê trong suốt thời gian dài. Mất liên lạc với đơn vị, cả gia đình ngỡ rằng ông đã hy sinh nên lập bàn thờ tưởng nhớ. Thời điểm ấy, người mẹ già bao bận khóc nghẹn vì nhớ thương người con trai vừa tròn 20 tuổi.
 
Một thời gian sau, ông bình yên trở về trong niềm vui vỡ òa của đại gia đình nhưng di chứng chiến tranh để lại vẫn dai dẳng cho đến hôm nay và bao bận tưởng như có thể đánh gục người lính già. Là thương binh hạng ¼, cứ trái gió, trở trời, vết thương lại hành hạ thể xác ông. Nhưng như ông bảo, bản lĩnh người lính được tôi rèn từ chiến trường đã giúp ông đứng vững, cùng vợ con làm ăn kinh tế ngay tại quê hương.
 
“Tôi chỉ là một thương binh bình thường, sống một cuộc đời bình thường nhưng luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên, không chịu khuất phục trước bệnh tật, hoàn cảnh, để không trở thành gánh nặng cho xã hội”, ông Sơn bùi ngùi.
 
Trở về từ Campuchia, đến nay, phần lớn những người lính tình nguyện năm xưa đều có cuộc sống khó khăn, tuổi cao, sức yếu. Nhưng khói lửa chiến trường đã rèn trong họ ý chí không chịu đầu hàng trước nghịch cảnh. Dù chăm lo đời sống gia đình hay ở các vị trí công tác khác nhau, ý chí kiên cường, vượt khó được rèn giũa, hun đúc trong một thời gian khổ ở nước bạn giúp họ càng thêm vững vàng đảm nhiệm tốt mọi nhiệm vụ, tiếp tục góp sức xây dựng quê hương.
 
Ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình bày tỏ: “Gần 10 năm tại Campuchia là khoảng thời gian quý giá, tôi luyện cho người chiến sĩ sự trưởng thành rất lớn. Đó là tư duy mạnh dạn sẵn sàng đương đầu với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ va vấp, không sợ thất bại. Không chỉ riêng tôi mà các đồng chí từng là chuyên gia công tác tại chiến trường khốc liệt Campuchia đều như thế”. Ý chí ấy đã giúp ông mạnh mẽ chèo lái con thuyền Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình đi từ khó khăn, thua lỗ trầm trọng trở thành “cánh chim đầu đàn”, một trong những doanh nghiệp lớn của tỉnh.   
 
Nắm chặt tay đồng đội
 
Trong rất nhiều cuộc chuyện trò, ông Đặng Xuân Huề cứ nhắc mãi câu nói: “Chúng tôi gọi đây là hội “xương máu”. “Xương máu” là bởi những hy sinh, mất mát là điều không thể nào đong đếm được. Sự sống là điều quý giá nhưng càng giá trị hơn khi được hồi sinh từ trong những gian khổ, hy sinh. Cùng nhau đi qua lửa đạn, tình cảm của những người lính trong thời bình vì thế càng thêm bền chặt. Tri ân người đã khuất, kết nối những đồng đội đã trở về bình an bên nhau, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình được thành lập như một nhịp cầu nghĩa tình, nối đôi bờ quan hệ tình cảm ngoại giao nhân dân hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.
Với những thành tích đã đạt được, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tặng cờ thi đua xuất sắc.
Với những thành tích đã đạt được, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tặng cờ thi đua xuất sắc.
Mỗi người, mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh nhưng khi đồng đội cần, gác lại những bộn bề riêng tư, họ sẵn sàng đến bên nhau, giúp đỡ chí tình, trong sáng như 40 năm về trước. Sẻ chia, đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường chính là cách để những người đang sống tri ân những đồng đội đã khuất. Họ sẵn sàng bỏ tiền túi ra để duy trì, đẩy mạnh các hoạt động thăm nom hội viên khi đau ốm hoặc qua đời; hỗ trợ gia đình các liệt sỹ, kết nối tìm lại thân nhân.
 
Bận rộn chốn thương trường nhưng ông Đặng Xuân Huề vẫn gánh vác lên vai trọng trách chủ tịch hội để có điều kiện được gần gũi, quan tâm đến đồng đội. Riêng bản thân ông đã bỏ gần 1,6 tỷ đồng để duy trì hoạt động của hội, trực tiếp giúp đỡ những đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ông Phạm Quang Lịch dù đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn tham gia vào Ban Chấp hành hội, nhiệt tình với tất cả hoạt động. Với ông, còn sức là còn gánh vác, còn trách nhiệm.
 
Và biết bao con người nữa, họ đã lặng lẽ bỏ lại sau lưng những khó khăn riêng tư để nắm chặt tay đồng đội cùng đi qua bao thử thách của cuộc sống đời thường. Tình đồng chí đi qua gian khó, tình nghĩa sắt son hai nước Việt Nam-Campuchia sẽ ăm ắp, thủy chung như dòng Mê Kông dẫu qua bao thác, bao ghềnh vẫn miệt mài chảy mãi.
Diệu Hương

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.