Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Hành trình đi tìm những người lính "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam"

Bài 1: Những người con đi tìm cha

  • 05:36 | Thứ Bảy, 03/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm 1968-1970 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, nhiều địa phương thuộc Đặc khu Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị hiện tại) trở thành nơi đóng quân của bộ đội chủ lực, trong đó có Đại đội 9 (C9), Tiểu đoàn 6 (D6), Trung đoàn 270 (E270), Quân khu 4. Họ được đồng bào vùng giới tuyến mến gọi bộ đội Cụ Hồ "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Trong một trận đánh ở bờ Nam sông Bến Hải, rất nhiều bộ đội C9 anh dũng hy sinh... để lại bao tiếc thương vô hạn cho người còn sống.
 
Hòa bình lập lại, cũng là lúc nhiều gia đình liệt sỹ C9,D6, E270 năm xưa bắt đầu một hành trình dài trộn lẫn giữa hy vọng và vô vọng tìm người thân từ thông tin ít ỏi trên giấy báo tử: Hy sinh ngày 17/6/1969; nơi hy sinh, mặt trận phía Nam... Qua các nhà ngoại cảm, họ “nhận” người thân mình đang an nghỉ tại các nghĩa trang phía Nam, thế nhưng hoàn toàn không phải như thế.
 
Chuyện của người trong cuộc
 
Anh Nguyễn Văn Ước (xã Quang Phú, TP. Đồng Hới) kể: "Cha tôi là liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ, sinh năm 1936, nhập ngũ tháng 5/1965, đơn vị C9, D6, E270, Quân khu 4. Giấy báo tử xác định hy sinh ngày 17/6/1969; lúc hy sinh cấp bậc chuẩn úy; chức vụ đại đội phó; nơi hy sinh, mặt trận phía Nam".
 
Từ năm 1992, qua kênh ngoại cảm, gia đình anh Nguyễn Văn Ước “nhận” một phần mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn để thờ phụng. Trong tâm thức, anh đinh ninh rằng đó là cha, thế nhưng không phải. Đến năm 2015, khi khớp nối các kênh thông tin thì phần mộ đó không phải của liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ. Cũng từ năm 2015, trên cơ sở các dữ liệu ít ỏi mình có, anh Ước và người thân tiếp tục tìm kiếm. Quá trình tìm kiếm, anh Nguyễn Văn Ước biết chắc chắn đơn vị cha mình từng đóng quân tại Đặc khu Vĩnh Linh.
 
Đi sâu tìm hiểu, trận đánh ngày 17/6/1969 (cũng là thời điểm hy sinh của các liệt sỹ) diễn ra ở một nơi nào đó thuộc các xã: Gio Châu, Gio An, Gio Bình (huyện Gio Linh, Quảng Trị) bên kia sông Bến Hải. Tuy nhiên, địa điểm chính xác trận đánh vẫn chưa xác định vì thiếu nhân chứng lịch sử. Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị do Bộ Quốc phòng cung cấp không có thông tin cụ thể về vị trí đóng quân cũng như địa bàn chiến đấu của C9.
 
Cũng như anh Nguyễn Văn Ước, anh Nguyễn Văn Thắng (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có cha là liệt sỹ Nguyễn Văn Nha, đơn vị C9, D6, E270; hy sinh trong trận đánh ngày 17/6/1969; thời điểm hy sinh cấp bậc chuẩn úy, chức vụ chính trị viên đại đội.
 
Trên cơ sở thông tin giấy báo tử, gia đình anh Thắng tìm cha... trong vô vọng. Năm 2003, anh Thắng nhờ vào ngoại cảm và nhận một phần mộ tận Nghĩa trang liệt sỹ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để thờ cúng, đinh ninh đó là cha mình. Được sự nhất trí của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, gia đình anh Thắng cho khắc tên liệt sỹ Nguyễn Văn Nha lên bia mộ. Đến năm 2022, phát hiện phần mộ thông tin không chính xác, anh Thắng xin trả lại nguyên bản như ban đầu.
Phần mộ liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Ước “nhận” thờ phụng thông qua ngoại cảm.
Phần mộ liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Ước “nhận” thờ phụng thông qua ngoại cảm.

Đại đội 9 “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”

Theo hành trình tìm cha của các anh Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Văn Thắng và một số thân nhân liệt sỹ đơn vị C9, chúng tôi dần tiếp cận nguồn tư liệu rõ hơn về nơi đóng quân cũng như địa bàn chiến đấu của C9 trong đội hình D6, E270, Quân khu 4.
 
Ông Lê Viết Thuận (SN 1945, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh), nhập ngũ năm 1965 thuộc D4, E270, Quân khu 4, hiện tại là Trưởng ban liên lạc E270 nhớ lại: Đơn vị C9 năm 1969 đóng quân ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tham gia chiến đấu tại các xã: Gio Châu, Gio An, Gio Bình... (huyện Gio Linh) và một số địa bàn huyện Cam Lộ. Tuy cùng trung đoàn nhưng khác tiểu đoàn, khác nhiệm vụ nên bản thân không biết rõ chi tiết hoạt động của C9.
 
Ông Trần Ngọc Hảo (SN 1956, xã Gio Châu, Gio Linh), nguyên Xã đội trưởng xã Gio Châu thời kỳ chống Mỹ thông tin: Khoảng năm 1968, 1969 (ông Hảo không nhớ chính xác mốc thời gian), có đơn vị bộ đội ta (không rõ phiên hiệu) tổ chức đánh địch ở đồi A1 thuộc xã Gio Quang. Đánh trận xong, trên đường hành quân quay về nơi tập kết, đến thôn Hà Trung, xã Gio Châu, khoảng 3, 4 giờ chiều thì lọt vào ổ phục kích địch. Quá trình chiến đấu, nhiều bộ đội hy sinh. Do trong khu vực địch tạm chiếm nên bộ đội hy sinh không thể đưa về tuyến sau được. Qua nhiều ngày..., bị địch lợi dụng hố bom, hầm công sự chôn lấp.
 
Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị do Bộ Quốc phòng cung cấp cũng chỉ xác định: Năm 1969, E270 đóng quân ở xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam, Vĩnh Linh), tham gia chiến đấu tại nhiều địa bàn khác nhau ở tỉnh Quảng Trị. Đối với đơn vị C9, không có thông tin cụ thể về vị trí đóng quân cũng như địa bàn chiến đấu.
 
Liên quan đến trận đánh ngày 17/6/1969 của C9 không có tài liệu lưu trữ phản ánh chi tiết, kể cả tài liệu lịch sử truyền thống E270. Tuy nhiên, may mắn cho những người con tìm cha như anh Ước, anh Thắng khi tiếp cận được danh sách liệt sỹ E270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu hiện tại đang lưu trữ tại Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Vĩnh Linh. Theo danh sách này có 53 liệt sỹ được xác định danh tính trong đó có liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ là cha anh Nguyễn Văn Ước và liệt sỹ Nguyễn Văn Nha, cha anh Nguyễn Văn Thắng.
 
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ C9 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu. Qua rà soát công tác tìm kiếm, quy tập ở xã Gio Châu từ năm 1975 đến năm 2013, chỉ phát hiện 4 phần mộ liệt sỹ (chưa xác định rõ danh tính) trên địa bàn xã (không ghi cụ thể thôn nào). 4 phần mộ liệt sỹ trên hiện an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio Linh (số mộ từ 36-39, hàng số 4, lô số 14). Sau khi Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9/4/2013 có hiệu lực, công tác tìm kiếm, quy tập chuyển giao cho các đơn vị quân đội.
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ hiện tại do Đội 584, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh phụ trách. Theo thượng tá Trương Khắc Duẩn, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị: Sau khi củng cố, tiếp nhận nguồn thông tin về các liệt sỹ đơn vị C9, D6, E270, Quân khu 4 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Đội 584 nhiều lần tổ chức lực lượng khảo sát, nắm thông tin tại xã Gio Châu nhưng không còn nhân chứng biết về vị trí an táng để tổ chức lực lượng tìm kiếm, quy tập.
 
Như vậy, trong hành trình tìm cha, anh Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Văn Thắng cùng các cơ quan, địa phương tỉnh Quảng Trị bước đầu xác định: Danh tính thân nhân mình trong danh sách 53 liệt sỹ hy sinh ngày 17/6/1969 đã biết tên tuổi; địa điểm C9 đóng quân ở bờ Bắc sông Bến Hải; nơi hy sinh thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, bờ Nam sông Bến Hải... Tuy nhiên, diễn biến, chi tiết trận đánh ngày 17/6/1969 như thế nào, sự hy sinh anh dũng của cha các anh và đồng đội ra sao, vẫn đang còn là câu chuyện dang dở.
 
May mắn thay... hay sự anh linh các liệt sỹ C9 một thời “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, trên hành trình tìm cha của những người con, họ gặp được đồng đội cha mình là ông Nguyễn Văn Minh (SN 1949, quê quán xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), đang sinh sống tại phường Linh Tây, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), nguyên chiến sĩ liên lạc C9, tham gia chiến đấu trong trận đánh ngày 17/6/1969 ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu cách đây 54 năm về trước.
 
53 liệt sỹ xác định được danh tính của C9, D6, E270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có quê quán rộng khắp: Hà Nội, Hà Bắc (cũ), Hải Hưng (cũ), Nam Hà (cũ), Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh... Riêng tỉnh Quảng Bình có 3 liệt sỹ. Ngoài liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ, hai người còn lại là liệt sỹ Dư Văn Quế (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) và liệt sỹ Đinh Thế Chư (xã Xuân Hóa, Minh Hóa).
 
Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Hồn thiêng giữa lòng đất mẹ!

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.

"Lênh đênh" những con tàu 67

(QBĐT) - Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đội tàu 67 (cách gọi những tàu cá đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67) cả nước nói chung cũng như trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn.