Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lối đi nào cho Hạc Hải-Kiến Giang?

  • 07:10 | Thứ Ba, 16/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiều muộn, chúng tôi xuôi thuyền từ bến nhỏ bên hông một ngôi nhà ở xã Hoa Thủy (Lệ Thủy). Phá Hạc Hải đầu hạ nước đầy ăm ắp, hiền lành chảy qua những cánh đồng đang bước vào vụ gặt. Ngày 16 âm lịch, khi bên kia hoàng hôn vẫn còn hiện hữu bằng những quầng sáng tím hồng thì bên này trăng đã kịp lên, nhàn nhạt rồi dần ngả vàng, sáng rực chiếu rọi mênh mông cả vùng sông nước.
 
Mùa vui
 
Đây là lần thứ hai tôi trở lại phá Hạc Hải, nơi có hai vợ chồng anh Nguyễn Công Xuân-Đỗ Thị Hòa, những người nông dân cần mẫn với ruộng đồng, tôm cá. Bằng khát khao giới thiệu vẻ đẹp bình yên, khoáng đạt của Hạc Hải-Kiến Giang với mọi người, hơn hai năm trước, họ dựng lên vài chiếc chòi tre để những người yêu sông nước dừng chân ngắm cảnh…
 
Gần 30 năm trồng lúa, nuôi cá tôm, thả rập… tại nơi này, khi “làn sóng” du lịch cộng đồng đánh thức nhiều miền quê và mang lại cuộc sống ấm no, nắm bắt thời cuộc, họ hồn nhiên dựng chòi, chuẩn bị đồ ăn thức uống đậm chất quê nhà rồi mời bạn bè, người thân quen ghé thăm. Sau hai năm, “tiếng lành đồn xa”, vẻ đẹp bình dị của vùng sông nước cùng tấm lòng hai vợ chồng anh chị, đặc biệt là cách tiếp cận, nâng niu, bảo tồn giá trị của thiên nhiên, đã khiến nơi này trở nên “hút khách”. 
Du khách hứng thú với các dịch vụ tại điểm “Du lịch phá Hạc Hải Xuân Hòa”.
Du khách hứng thú với các dịch vụ tại điểm “Du lịch phá Hạc Hải Xuân Hòa”.
Trên hành trình thăm “Du lịch phá Hạc Hải Xuân Hòa” như tên page, anh Nguyễn Công Xuân (SN 1971, xã Hoa Thủy), trong bộ áo bà ba, hào hứng “thuyết minh” cho chúng tôi về Hạc Hải-Kiến Giang. Niềm say mê và tình yêu quê hương của anh truyền sang những người khách lạ, đậm nét và ấn tượng như buổi chiều Hạc Hải với bóng dáng những cây bần cô đơn kiên cường nghiêng mình bên mép sóng…
 
Anh bảo, đó là vài cây bần hiếm hoi còn trụ lại khi Hạc Hải được ngăn mặn, ngọt hóa để trồng lúa. Giữa vùng đầm phá, ruộng lúa và lau lách mênh mông trải dài, bóng dáng những cây bần nổi bật trên nền trời trở nên kiêu hãnh và đẹp lạ lùng.
Và qua bao năm tháng, những cá, tôm, cua, rạm… Hạc Hải cũng đổi thay để phù hợp với môi trường sinh sống. Nguồn lợi từ nơi này khi vơi, khi đầy tùy từng con nước, nhưng tất thảy đều mang vị ngọt đậm đà ít nơi nào có được!
 
Gắn bó và mưu sinh cùng Hạc Hải gần 3 thập kỷ với rất nhiều buồn vui và hy vọng, những ngày này, niềm vui ngập tràn trong ánh mắt và nụ cười của họ khi mô hình “Du lịch phá Hạc Hải Xuân Hòa” ngày một đông du khách ghé thăm! Đón chúng tôi bên mép sóng là chị Đỗ Thị Hòa cùng mùi thơm khó cưỡng tỏa ra từ những món ăn chị tự tay chuẩn bị. Đó là tôm, rạm, cá rô, cá lóc, vịt, gà…, những sản vật tự nhiên của vùng đầm phá hoặc từ trang trại của anh chị.
Những món ăn vùng đầm phá níu chân du khách.Sản vật tự nhiên ở vùng đầm phá Hạc Hải.
Không chỉ níu chân du khách bằng không gian khoáng đạt, yên bình và những món ngon mang đậm hương vị quê nhà, bằng sự hiểu biết và tình yêu, trách nhiệm của mình, họ đã góp phần biến vùng đất này trở thành chốn trú ngụ an toàn của những bầy sẻ nhỏ. Lẫn trong tiếng cá quẫy và lao xao sóng nước là thanh âm vui nhộn của lũ chim. Họ hồ hởi kể về những chiếc tổ chim bé xíu và chim non cựa mình ngơ ngác chào đời giữa đám lau lách rồi cứ thế bình yên lớn lên, líu lo mỗi sáng mỗi chiều…
 
“Sự hoang sơ của phá Hạc Hải và những con người hiền lành, chân chất cùng các món ăn nơi này gợi nhớ thật nhiều về ký ức, về tuổi thơ. Tôi và bạn bè mình chắc chắn sẽ còn quay lại đây!”, chị Đặng Thị Hoài Thu (TP. Đồng Hới) chia sẻ.
 
Giấc mơ Hạc Hải
 
Những thành công bước đầu của mô hình này đã được tiếp sức bằng sự động viên, khen ngợi của du khách. Trên cơ sở đó, thạc sĩ Phan Nữ Ý Anh, Trường đại học Quảng Bình đã triển khai đề tài phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững tại địa bàn phá Hạc Hải thuộc hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
 
Đề tài đã nêu bật những giá trị của khu vực phá Hạc Hải, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, phân tích thực trạng hoạt động sinh kế của người dân các xã tiếp giáp với phá Hạc Hải, gồm: Gia Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Hồng Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy) và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển. 
 
Khẳng định mô hình du lịch sinh thái tại địa bàn phá Hạc Hải có tác dụng tích cực đến kinh tế địa phương, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững tại địa bàn phá Hạc Hải với các kịch bản phát triển sản phẩm du lịch phù hợp.
Hoàng hôn Hạc Hải.
Hoàng hôn Hạc Hải.
Ông Nguyễn Thế Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cũng cho biết, sau hộ gia đình anh Xuân, hiện có thêm hai hộ triển khai mô hình này trên khu vực phá Hạc Hải. UBND xã đã mời 3 hộ gia đình đến làm việc. Bên cạnh việc ghi nhận, động viên bà con, UBND xã yêu cầu bà con phải thực hiện đúng các quy định về hoạt động của các mô hình này.
 
“Là những mô hình tự phát của bà con nhưng bước đầu mang lại những kết quả tích cực, có thể mở ra hướng đi mới cho sinh kế người dân vùng đầm phá Hạc Hải. Chúng tôi mong muốn các sở, ngành chức năng có sự quan tâm hướng dẫn, tiếp sức cho bà con để mô hình được phát triển đúng hướng, bảo đảm mang lại nguồn lợi bền vững cho người dân nhưng giữ gìn trọn vẹn môi trường sinh thái nơi đây!”, ông Thắng chia sẻ.
 
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho biết, phát triển du lịch khu vực Hạc Hải-Kiến Giang là một trong những định hướng quan trọng của huyện Lệ Thủy để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện, phòng đang làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai tham mưu nội dung này cho UBND huyện. Các mô hình tại xã Hoa Thủy cũng sẽ được đưa vào nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả giá trị của vùng đầm phá Hạc Hải và sông Kiến Giang trong những năm tới.
 
Có thể thấy những mong muốn, dự định, hướng đi của người dân-chính quyền địa phương-cơ quan chức năng đã gặp nhau tại một điểm, là điều kiện quan trọng để phát triển giấc mơ du lịch Hạc Hải-Kiến Giang một cách quy củ, bài bản. Tuy nhiên bên cạnh đó là rất nhiều rào cản, nhất là những quy định đối với mô hình du lịch sinh thái vùng đầm phá, đặc biệt khi họ đang là những người “mở đường”. Để biến giấc mơ này thành hiện thực cần sự chung tay, quyết tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm của nhiều cấp, ngành liên quan.
 
Tiễn chúng tôi trên chiếc thuyền máy rời Hạc Hải khi trăng đã lên quá đỉnh đầu, anh Xuân hào hứng với lời hẹn ngày trở lại. Đến bây giờ, những gì anh chị nhận được mới chỉ là những lời động viên khen ngợi của du khách, một ít kinh phí từ dịch vụ ngắm cảnh, câu cá và các suất ăn từ những sản phẩm họ nuôi trồng, đánh bắt.
Những món ăn vùng đầm phá níu chân du khách.
Những món ăn vùng đầm phá níu chân du khách.
Ấp ủ giấc mơ mở rộng mô hình để đón nhiều du khách hơn nữa, họ đầu tư điện năng lượng mặt trời, trồng sen, nâng niu chăm chút đàn chim trời, sắm áo quần bà ba, nón lá, nấu những món ăn ngon… để du khách có những trải nghiệm đẹp nhất khi đến đây. Hồn nhiên như thế, họ chưa hình dung được rất nhiều những điều cần phải làm để có thể tự hào giới thiệu mô hình “Du lịch phá Hạc Hải Xuân Hòa” một cách “danh chính ngôn thuận”.
 
Để giấc mơ của những người nông dân chân chất, hiền lành nhưng đầy khát vọng và đang đi rất đúng hướng như gia đình anh chị Xuân-Hòa thành hiện thực, cần lắm sự đồng hành, vào cuộc của những tổ chức, cá nhân liên quan. Mong một ngày không xa, sông nước Hạc Hải-Kiến Giang sẽ vui hơn, cư dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc.
 
Và “đất lành chim đậu” là nghĩa bóng, cũng đồng thời là nghĩa đen khi sẽ có nhiều hơn những khu vườn lau sậy bình yên nơi Hạc Hải để bầy sẻ nhỏ gọi nhau bay về, sinh sôi, ríu rít trong tiếng sóng nước và tôm cá quẫy lao xao…
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về.