Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp

  • 05:40 | Thứ Hai, 27/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, các cấp tòa án đã chủ động, sáng tạo đề ra rất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động tòa án.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngày 26/2, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.
 
6 định hướng sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân
 
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về cải cách tư pháp, về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới cho Tòa án. Trong đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật."
 
Theo báo cáo tại hội nghị, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân sau 8 năm thi hành, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán ngày càng giảm, đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
 
Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử của các tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử được thực hiện một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho tòa án các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác tòa án.
 
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Cụ thể, nhận thức về vị trí, vai trò của tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” chưa thực sự phù hợp, thống nhất, dẫn tới việc xác định chưa đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án.
 
Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chưa thực sự phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động; chưa có cơ chế hiệu quả bảo vệ cho các Thẩm phán. Cơ chế phân bổ, phê duyệt ngân sách cho tòa án còn bất cập.
 
Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ đánh giá, những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của tòa án nêu trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng tòa án chuyên nghiệp, hiện đại; cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. 
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Xuất phát từ thực tiễn trên và để thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về cải cách tư pháp, về đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa ra 6 định hướng trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.
 
Các định hướng gồm: Hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tòa án; Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân; sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; bảo đảm nguồn lực để xây dựng tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án.
 
Vị thế, uy tín của Tòa án ngày càng được nâng cao
 
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, các cấp tòa án đã chủ động, sáng tạo đề ra rất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động tòa án nói chung và nâng cao chất lượng công tác xét xử nói riêng.
 
Nhiều chủ trương, nhiệm vụ lớn về cải cách tư pháp đã được tòa án đề xuất thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống tòa án được củng cố và đổi mới mạnh mẽ; đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ giữ chức danh tư pháp được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; chất lượng công tác xét xử của tòa án các cấp đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Vị thế, uy tín của tòa án ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, chất lượng công tác xét xử của Tòa án các cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót; tổ chức và hoạt động của tòa án còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
 
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân... Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”...
 
Do đó, hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chương trình hội nghị dành phần lớn thời gian để đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử thời gian vừa qua, thảo luận, thông qua các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Hội nghị thảo luận, thống nhất các định hướng lớn để đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 
“Trên cơ sở ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu tại hội nghị, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử; hoàn thiện hồ sơ Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
 
Cũng tại hội nghị, đại diện Ban Nội chính Trung ương giới thiệu tới toàn thể các đại biểu nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Đây là cuốn sách có khối lượng tri thức lớn, tổng kết lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của cuốn sách mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đang được Đảng ta chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, không khoan nhượng và đã đạt những kết quả toàn diện, tích cực./.
 
Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Anh Quân, bà Đặng Thị Hàn Ni

Tiến sỹ luật Đặng Anh Quân bị khởi tố vì đã đưa một số thông tin xuyên tạc, vu khống trong các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, trong khi bà Đặng Thị Hàn Ni bị khởi tố vì hành vi vu khống.
 

Một người tử vong tại mỏ đá

(QBĐT) - Chiều ngày 24/2, ông Đoàn Kim Xuyên, Trưởng thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) xác nhận: Thôn và gia đình vừa tiếp nhận thi thể một người dân chết do bị tai nạn tại một mỏ đá ở huyện Lệ Thủy đưa về.

Khởi tố 2 cán bộ phường chiếm đoạt tiền hỗ trợ lũ lụt

(QBĐT) - Kế toán và một thủ quỹ của phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn vừa bị cơ quan công an khởi tố vì chiếm đoạt tiền hỗ trợ, khắc phục lũ lụt của người dân nuôi tôm trên địa bàn.