Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Chính sách thuế đối với việc sửa đổi pháp luật về đất đai

  • 06:23 | Thứ Hai, 20/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết đánh giá lại kết quả sau 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, những thành tựu đạt được cũng như hạn chế trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất trên phạm vi cả nước.
 
Thực tiễn thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra ở nhiều địa phương như Thủ Thiêm, vụ Tân Hoàng Minh hay FLC… gây thiệt hại lớn đến lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều kẽ hở, mâu thuẫn, chồng chéo..., từ đó, các tổ chức, cá nhân dễ lợi dụng để trục lợi.
 
Một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều tiêu cực như trên là xuất phát từ chính sách thuế, chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế liên quan đến thị trường bất động sản phát triển, tiềm ẩn tình trạng đầu cơ, trốn thuế ở nhiều địa phương.
 
Thứ nhất, chính sách về thuế sử dụng đất quá thấp nên nhiều chủ thể đầu cơ về đất đai dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Cụ thể, nhiều diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn bỏ hoang thời gian dài, không đưa vào sử dụng…
 
Thứ hai, thông qua các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhiều chủ thể thông đồng, lợi dụng việc thỏa thuận giá trị chuyển nhượng với nhau thấp hơn giá trị sử dụng thực tế nhằm trốn thuế, trục lợi.
 
Dưới góc độ kinh tế, đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, nếu đầu tư không đúng cách sẽ dẫn đến lãng phí, hiệu quả kinh tế thấp, tạo nên những cơn sốt đất ảo, “bong bóng” bất động sản... 
Lĩnh vực đất đai và quản lý đất đai đang còn nhiều bất cập tại xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới).
Lĩnh vực đất đai và quản lý đất đai đang còn nhiều bất cập tại xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới).
Điều chỉnh thuế sử dụng đất hợp lý là một công việc khó khăn trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai. Nếu đánh thuế sử dụng đất quá cao, làm cho nhà đầu tư về các lĩnh vực kinh tế khác sẽ e ngại đầu tư. Nếu áp thuế sử dụng đất thấp thì nạn đầu cơ đất đai, trốn thuế lại tiếp tục xảy ra. Mặt khác, áp thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc quy hoạch đất đai đấu giá ở các địa phương, vì đây là nguồn thu ngân sách quan trọng. Vấn đề này đòi hỏi Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết như thế nào vừa hạn chế nạn đầu cơ đất đai dẫn đến lãng phí, giải quyết nạn trốn thuế vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế của quốc gia.
 
Nghiên cứu chính sách thuế đất đai của một số quốc gia trên thế giới nói chung có những khác biệt về thuế đất, mức độ áp thuế đất đối với các lĩnh vực, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… cơ bản có hai cách áp thuế mà chúng ta có thể áp dụng.
 
Thứ nhất, áp thuế theo kiểu bậc thang, tức là các tổ chức, cá nhân sử dụng lô đất thứ nhất giới hạn diện tích thì không áp thuế hoặc áp thuế rất thấp; bắt đầu từ lô thứ hai, nhà nước áp thuế đất tăng dần theo phần trăm giá trị của lô đất theo từng năm; sử dụng lô thứ ba trở đi nhà nước áp thuế cao hơn lô đất thứ hai, cứ như vậy các chủ thể sử dụng đất buộc phải hạn chế tình trạng đầu cơ về đất đai, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất.
 
Đối với từng loại đất, nhà nước sẽ tính thuế, trong đó đất trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp không tính thuế hoặc áp thuế thấp; đất chăn nuôi áp thuế rất thấp để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; đất ở và đất thương mại, dịch vụ thì áp thuế cao. Trong lĩnh vực này nhà nước không nên áp thuế một lần, bởi vì áp thuế một lần sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế đối với thửa đất thứ hai trở đi và nhiều chủ thể nộp thuế đối với một số thửa đất thuộc quyền sở hữu của mình nhưng lại không sử dụng đất.
 
Thứ hai, áp thuế theo tỷ lệ phần trăm giá trị lô đất theo từng năm nhưng tùy từng địa phương và từng loại đất, để thực hiện Nhà nước thường áp thuế theo tỷ lệ phần trăm giá trị từng thửa, từng khu vực. Khu vực thành thị áp thuế cao hơn vùng nông thôn; đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc vào trồng trọt thì hầu như không áp thuế hoặc áp thuế thấp; lĩnh vực chăn nuôi áp thuế rất thấp; đất ở và đất phát triển kinh tế áp thuế cao... Cứ như vậy, các chủ thể sử dụng đất hàng năm phải nộp thuế, buộc các chủ thể chuyển nhượng bớt từng lô đất cho người khác, hoặc tìm cách phát huy hiệu quả sử dụng của từng lô đất nhằm đưa lại lợi nhuận để nộp thuế, từ đó giảm thiểu nạn đầu cơ, lãng phí về đất đai.
 
Đối với thuế chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất là 2% giá trị chuyển nhượng cũng nên giảm xuống để thuận tiện cho các chủ thể chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất. Trong cả hai hình thức áp thuế trên thì áp thuế theo tỷ lệ phần trăm giá trị từng thửa đất được sử dụng nhiều hơn cũng như tạo sự công bằng hay khuyến khích các chủ thể sử dụng hiệu quả.
 
Từ những phân tích trên, nên trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đất đai chúng ta nên áp thuế theo tỷ lệ phần trăm giá trị thửa đất trong một năm là phù hợp cho từng địa phương. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn nên áp thuế cao hơn, các địa phương còn lại áp thuế thấp hơn. Khu vực trung du, miền núi có thể áp thuế rất thấp hoặc không áp thuế vì những vùng này chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
 
Mặt khác, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, việc vận dụng thuế đất đai hợp lý, thống nhất, linh hoạt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích người dân tận dụng đến mức tối đa sử dụng đất.
 
Các cơ quan quản lý trong lĩnh vực đất đai cũng cần phải thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng đất ở các địa phương để áp thuế hay có chế tài xử phạt phù hợp khi xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đất đai.
 
                                                                                            Nguyễn Thành Lê
(Trường Chính trị tỉnh)

tin liên quan

Tạm giữ nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca

Ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng bị tạm giữ để điều tra liên quan vụ án trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
 

Triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm

(QBĐT)- Ngày 16/2, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trao thưởng thành tích xuất sắc trong đấu tranh vụ án vận chuyển pháo trái phép

(QBĐT) - Ngày 16/2, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức lễ trao thưởng đột xuất cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) thuộc Công an tỉnh Quảng Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.