Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

  • 10:17 | Thứ Sáu, 22/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lệ Thủy là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã tích cực vận động, khuyến khích nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững…
 
Trường Thủy là xã có diện tích đất tự nhiên lớn, trong đó diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 85%. Những năm gần đây, xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những chương trình trọng điểm của địa phương, xã Trường Thủy đã mạnh dạn vận động nhân dân thực hiện, trong đó chú trọng phát triển các loại hình kinh tế với đa cây, đa con…
 
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho hay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi, địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng (keo, tràm) có điều kiện thuận lợi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, xã Trường Thủy đã chuyển đổi được hơn 30ha đất sang trồng cam mật, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, hồ tiêu, sim, nghệ, chanh leo, sả….. 
Người dân huyện Lệ Thủy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập.
Người dân huyện Lệ Thủy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy thông tin thêm, xác định kinh tế rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng gò đồi, địa phương đã triển khai vận động và khuyến khích người dân chuyển dịch từ trồng rừng cung cấp nguyên liệu giấy sang trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng nhận FSC, qua đó, nâng cao chất lượng rừng trồng. Hiện, xã Trường Thủy có hơn 30ha rừng trồng gỗ lớn…
 
“Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định, đạt giá trị từ 100-200 triệu đồng/ha, lợi nhuận gấp 5-10 lần trồng keo, tràm. Từ những kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện xã Trường Thủy có 6 vườn mẫu được UBND tỉnh công nhận và 15 vườn mẫu được UBND huyện công nhận…”, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết.
 
Xã Xuân Thủy, hiện có diện tích đất trồng lúa hai vụ gần 500ha. Những năm gần đây, xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Xã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho người dân khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
 
Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Dương Đức Phố cho hay, đến nay, Xuân Thủy đã chuyển đổi được 8,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen-cá; chuyển đổi hàng chục ha lúa tái sinh sang trồng lúa hè-thu. Hiện, địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi hơn 27ha ruộng xâm canh xã Phú Thủy sang thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ và sản xuất lúa vụ hè-thu…
 
Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững, huyện Lệ Thủy sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật giúp các hộ dân triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng để áp dụng vào sản xuất; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt; đồng thời xây dựng các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn kết với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản; đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản gắn với chương trình OCOP, kết hợp tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

“Với sự thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và các chính sách phù hợp, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương bước đầu đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỉnh, huyện cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; có biện pháp, giải pháp hỗ trợ đầu ra cho nông sản, giá vật tư nông nghiệp và các chính sách ưu đãi khác cho người dân…”, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, qua đó, góp phần đưa ngành nông nghiệp ở địa phương phát triển toàn diện theo hướng chất lượng, giá trị và bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển, từng bước hoàn thiện dần các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
 
Đến nay, huyện Lệ Thủy có hơn 3.800ha diện tích cánh đồng lớn trồng cây lúa; hơn 3.000ha diện tích thực hiện canh tác lúa cải tiến (SRI); 700ha diện tích rau màu tập trung. Mặt khác, huyện đã thực hiện chuyển đổi 65ha đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; chuyển đổi hơn 730ha lúa tái sinh sang lúa hè-thu; chuyển đổi 80ha diện tích trồng rau màu tập trung, an toàn theo hướng VietGAP và 55ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu…
Ngọc Hải

tin liên quan

Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn nhiều khó khăn

(QBĐT) - Nhờ phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nên hàng năm giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Lệ Thủy luôn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, việc phát triển CN-TTCN trên địa bàn vẫn còn có những khó khăn nhất định…

Đề xuất mở cửa khẩu ở khu vực Chút Mút-Lạ Vin

(QBĐT) - Đó là một trong những nội dung của biên bản hội đàm giữa Sở Công thương Quảng Bình và Sở Công thương tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt được ký kết hôm nay, 21/9.

Lượng khách đến Quảng Bình vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2023

(QBĐT) - Sáng 21/9, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2023, du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón 3-3,5 triệu lượt khách nhưng 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đã đạt gần 3,7 triệu lượt.