Nuôi gà đồi ở "xứ sở gà đồi"…
(QBĐT) - Mấy lần lên Tuyên Hóa công tác, tôi thường rủ anh bạn đồng nghiệp ở đài huyện (nay là Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Truyền thông) đi thưởng thức gà đồi (gà ta hoặc gà kiến) Tuyên Hóa. Nhưng, anh nhất quyết bảo, nếu phải chọn món gà, anh chỉ ăn gà nhà mình nuôi được hoặc gà của nhà dân nuôi thả rong. Đó mới là loại gà đồi “chính hãng”. Còn bây giờ, nhà hàng, quán ăn, tiệc tùng ở đâu cũng chỉ là gà công nghiệp. Thấy lạ vì đây là “xứ sở gà đồi” lại khó kiếm được gà đồi.
Cơm gà Lạc Sơn
Đến Tuyên Hóa không thể không nhắc đến món cơm gà Lạc Sơn trứ danh. Những năm trước, ở ngay tại thị trấn Đồng Lê, khách ở xa đến công tác rất khó có thể kiếm được quán cơm. Lúc đó, cơm gà là sự lựa chọn số một, lại tiện lợi và ngon, bổ, rẻ.
Giờ đây, thị trấn miền núi này đã có một số quán cơm bình dân. Nhưng thương hiệu cơm gà Lạc Sơn vẫn khó có thể thay thế. Khách qua đường đoạn khu vực chợ Đồng Lê, chỉ cần ghé lại, gọi hộp cơm gà ngồi thưởng thức ngay bên vỉa hè. Có người, nhà ở thị trấn, sáng đi làm chỉ cần cắm nồi cơm điện, trưa về mua hộp gà kho nữa là đủ bữa.
Món cơm gà do người dân Lạc Sơn, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) “khai sinh” ra từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, để bán rong trên “tàu chợ”. Nhưng sự nổi tiếng của nó đã vượt ra khỏi dải đất nhỏ hẹp nép mình một bên là dãy núi đá vôi, một bên là dòng sông Gianh này. Bí quyết thơm ngon của cơm gà Lạc Sơn chính là giống gà kiến thả rong và kỹ thuật kho gà. Vì gà kiến được nuôi thả vườn, nên thịt chắc và ngọt.
Có một điều đặc biệt là qua nhiều chục năm, người bán cơm gà Lạc Sơn vẫn bán theo cách cũ. Cơm gà vẫn được bỏ vào thúng đan bằng nan tre nên giữ được nhiệt lâu mà không mất vị. Lúc di chuyển, người bán phải đội thúng lên đầu. Sở dĩ, lúc trước người bán cơm gà Lạc Sơn bán “cơm đội” là để di chuyển cho dễ dàng, linh động lúc lên tàu hoặc xuống tàu. Có lẽ, hình ảnh giản dị này đã góp phần tạo nên thương hiệu cơm gà Lạc Sơn.
Ngày “tàu chợ” dừng hoạt động, những tưởng cơm gà Lạc Sơn theo đó cũng sẽ biến mất. Nhưng không, người Lạc Sơn đã nhạy bén thời cuộc, hóa giải khó khăn đó bằng cách “đội cơm” xuống phố.
Những “đội quân cơm đội” chủ yếu là chị em phụ nữ tràn xuống TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn ngược lên thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa). Cơm gà Lạc Sơn trở thành bữa cơm “lạ miệng” cho người dân lao động và cả cánh nhân viên công sở. Ban đầu các chị đi bán dạo, đến lúc “quen mặt” thì chỉ cần gọi điện. Sau vài phút, các chị đội thúng tất tả “ship” cơm đến tận văn phòng.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa Trần Văn Cần cho biết, hiện tại sản phẩm từ gà đồi Tuyên Hóa chưa đa dạng và chưa kết nối với các đầu mối tiêu thụ lớn, mặt khác do kinh phí và cơ sở vật chất đầu tư phát triển thương hiệu còn hạn chế, nên việc mở rộng chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa đang mở rộng sản xuất thêm hai sản phẩm là gà cấp đông (gà qua sơ chế) và trứng gà đồi Tuyên Hóa, để phục vụ nhu cầu của thị trường. Hiện, 2 sản phẩm này đang được Cục Sở hữu Trí tuệ thẩm định.
|
Có điều, nhiều người bảo, giờ cơm gà Lạc Sơn đã mất vị. Bởi, phần lớn loại gà ấy không còn là gà đồi nuôi thả rong. Một chị bán cơm gà Lạc Sơn ở chợ Đồng Lê cho hay, mỗi ngày chị làm thịt từ 5-6 con gà. Nhẩm tính, “đội quân cơm đội” ở thôn Lạc Sơn có đến hơn 40 người. Vị chi mỗi ngày, có hơn 200 con gà được tiêu thụ tại chỗ. Gà ta cần phải nuôi từ 5-7 tháng mới xuất chuồng, không kịp lớn để bán.
Nguồn cung không đủ cầu, nên nhiều năm nay, người Lạc Sơn phải mua gà trang trại (gà nuôi công nghiệp khoảng 3 tháng) về nuôi om một thời gian, rồi mới thịt để làm cơm gà Lạc Sơn. Vậy là cơm gà Lạc Sơn đang thiếu…gà.
Không phải gà nào cũng là… gà đồi
Quán “Gà đồi Xuân Phùng” ở thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa (Tuyên Hóa) từ lâu trở thành một thương hiệu uy tín và là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người. Quán lụp xụp nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 12A, luôn được giới sành ăn tìm đến. Uy tín của quán không đến từ sự sang trọng, mà chính là thương hiệu các món ngon (có đến 7 món) được chế biến từ giống gà đồi thứ thiệt được nuôi thả rong.
Suốt 12 năm nay, quán “Gà đồi Xuân Phùng” tồn tại được cũng là nhờ vào các món chế biến từ giống gà đồi nơi xứ núi miền Tây này. Những năm gần đây, anh Nguyễn Văn Phùng, chủ quán còn nhận đặt hàng của khách quen ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Để trực tiếp chọn mua đúng loại gà đồi thứ thiệt, anh phải lùng sục, xộc vào tận chuồng gà nhà dân khắp các xã trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Anh Phùng cho rằng, gà đồi nuôi theo phương pháp công nghiệp cũng không phải là gà đồi. Có thời điểm, quán “cháy hàng” vì không có nguồn gà đồi ưng ý. Nếu có chút lừa dối mà trộn lẫn giống gà nào khác (ý là gà nuôi công nghiệp-P.V), là chính mình tự giết mình bởi đa phần khách đến quán đều là khách quen, lại rất sành ăn. Miếng gà đồi cho vào miệng vừa ngọt thịt, thơm và dai vừa đủ, không giống như giống gà nuôi công nghiệp dày thịt, nhưng bở nớt.
Từ khi phong trào nuôi gà công nghiệp nở rộ, giống gà đồi Tuyên Hóa ngày càng ít dần. Tôi hỏi anh: Thế còn gà của các hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện thì sao? Anh Phùng trả lời: “Tôi đã đến xem, nhưng chất lượng loại gà đồi đó cũng tùy nhà…”.
Năm 2019, trước sự cạnh tranh khốc liệt của gà công nghiệp và nguy cơ mai một của giống gà đồi, cùng với phương pháp, cách thức chăn nuôi truyền thống, huyện Tuyên Hóa đã đề ra chương trình phát triển chăn nuôi “Gà đồi Tuyên Hóa”. Người dân tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ giống, thành lập HTX, tổ hợp tác…
Sự khởi xướng đó, âu cũng là sự thức thời không chỉ nhằm cứu vãn, bảo vệ phương pháp, kỹ thuật nuôi, mà còn phát huy tiềm năng lợi thế vùng gò đồi, vốn là thế mạnh cho phương pháp chăn nuôi gà thả rong. Và quan trọng hơn, Tuyên Hóa kỳ vọng, từ đây, “Gà đồi Tuyên Hóa” sẽ trở thành một chuỗi thương hiệu cấp huyện. Nhưng sau chừng ấy năm, “Gà đồi Tuyên Hóa” vẫn chỉ mới có tên gọi.
“Có tên nhưng chưa có tiếng”
Đó là lời của anh Đoàn Hồng Hà, một trong số ít hộ thành viên kiên trì với nghề chăn nuôi gà đồi của HTX Chăn nuôi gà đồi và Dịch vụ nông-lâm nghiệp Sơn Hóa (Tuyên Hóa). Cho đến thời điểm này, sau hơn 5 năm gắn bó với gà đồi, mỗi lứa anh chỉ nuôi khoảng 100 con. Mỗi năm 3 lứa, nuôi gối nhau. Nói như anh là “nuôi chẵn, bán lẻ”, mà thôi. Bởi, nuôi nhiều không bán được. Không riêng gì anh, nhiều hộ thành viên HTX khác cũng vậy.
Giám đốc một HTX chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện than phiền với chúng tôi rằng: “Chăn nuôi để duy trì HTX thôi. Nói là HTX, nhưng các thành viên, thân ai nấy lo, HTX không có vai trò gì, ngoài hướng dẫn kỹ thuật và phòng bệnh. Làm anh “giám đốc… nông dân” như chúng tôi không đủ khả năng và “tầm với” để lo liệu từ đầu vào đến đầu ra, trong khi nguồn lực HTX không có. Sau 5 năm thành lập, HTX không mua được cái máy tính để bàn và máy in để làm việc thì lấy đâu ra kinh phí để hoạt động. Tem truy xuất nguồn gốc của huyện phát cho các hộ thành viên chẳng ai sử dụng, mà cũng không cần sử dụng. Vì “nuôi đàn, bán lẻ” thì cần gì đến tem. Và cũng không có người nào mua 1, 2 con gà lại nhiêu khê đến mức hỏi tem để làm gì. Để có gà nuôi, người dân phải mua giống trôi nổi trên thị trường. Có hộ mua gà giống về nuôi, hơn tháng sau mới biết mua phải giống gà công nghiệp”. Sau một hồi trút bầu tâm sự, vị giám đốc HTX trầm ngâm nói: “Nếu đã làm thì phải làm cho ra tấm ra món, chứ cứ tổ chức nuôi, mà không tính nguồn cung gà giống, kết nối đầu ra, phải chế biến như thế nào, thì sao gọi là chuỗi giá trị, chăn nuôi sao bền vững được”.
Lại nhớ chuyện một anh bạn khác cũng ở Tuyên Hóa biết tôi thích gà đồi ở đây liền rủ về nhà. Mới dọn món gà lên, anh giới thiệu ngắn gọn: “Trứng của con gà này là của gà nhà mình đẻ. Còn con gà này chỉ “ăn chay, chạy bộ” (ý nói gà ăn phụ phẩm nông nghiệp, nuôi thả vườn). Đây mới gọi là gà đồi, kiếm đâu cho xa. Chăn nuôi không khó, chỉ khó kiếm người thưởng thức thôi”. Tôi đồng ý với anh, xây dựng thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” cũng vậy. Chưa nói đến những vấn đề khác, nuôi gà đồi mà phải nhập gà giống lai trôi nổi thì khó mà gọi là gà đồi Tuyên Hóa được (?!).
Dương Công Hợp