Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn nhiều khó khăn

  • 06:49 | Thứ Sáu, 22/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nên hàng năm giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Lệ Thủy luôn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định; các ngành nghề CN-TTCN được duy trì, qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển CN-TTCN trên địa bàn vẫn còn có những khó khăn nhất định…
 
Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Dương Công Nhân cho biết: Những năm qua, địa phương rất quan tâm đến việc tuyên truyền, động viên nhân dân chú trọng đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập…
 
“Hiện, toàn xã có 363 cơ sở sản xuất ngành nghề TTCN đang hoạt động và phát triển ổn định với doanh thu 6 tháng năm 2023 ước đạt hơn 50 tỷ đồng. Các cơ sở đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Điển hình, như: Hợp tác xã (HTX) làng nghề chiếu cói An Xá với doanh thu đạt hơn 400 triệu đồng; HTX làng nghề rượu Tuy Lộc với doanh thu đạt hơn 600 triệu đồng; HTX sản xuất và nuôi trồng nấm sạch với doanh thu ước đạt hơn 600 triệu đồng…”, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy thông tin.
Cơ sở sản xuất CN-TTCN phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Cơ sở sản xuất CN-TTCN phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Giám đốc HTX làng nghề chiếu cói An Xá Trần Hữu Trung cho biết, sản xuất chiếu cói trước đây hoàn toàn làm bằng thủ công. Bởi vậy số lượng sản phẩm làm ra rất ít. Hiện, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mỗi năm HTX sản xuất khoảng 7-10 tấn nguyên liệu, nhưng nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập từ địa phương khác về…
 
“HTX đang tích cực vận động, khuyến khích các hộ dân tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan liên quan trong việc xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; kết nối mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm chiếu cói An Xá…”, Giám đốc HTX làng nghề chiếu cói An Xá cho biết thêm.
 
Làng Quy Hậu (xã Liên Thủy), được biết đến với nghề làm nón đã tồn tại hơn trăm năm qua. Dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhưng ngày nay, nón lá Quy Hậu vẫn nức tiếng gần xa.
 
Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh cho biết, Quy Hậu hiện có khoảng hơn 700 hộ gia đình trực tiếp sản xuất nón lá, mỗi ngày sản xuất ra thị trường từ 800-1.000 chiếc nón. Nón lá Quy Hậu chủ yếu được thương lái trong vùng thu mua sau đó xuất đi các tỉnh, thành phía Nam, như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang…
Nón lá Quy Hậu đang từng bước thay đổi mẫu mã để có thị trường tiêu thụ ổn định.
Nón lá Quy Hậu đang từng bước thay đổi mẫu mã để có thị trường tiêu thụ ổn định.
Được biết, trước đây, địa phương đã thành lập HTX làng nghề nón lá Quy Hậu. Tuy nhiên, sau này HTX phải giải thể vì hoạt động không hiệu quả, không có nguồn vốn; việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nón lá Quy Hậu gặp rất nhiều khó khăn…
 
“Ở Quy Hậu sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ lực, nghề làm nón tuy là nghề truyền thống nhưng cũng chỉ được xem là nghề phụ, giải quyết thu nhập cho các gia đình lúc nông nhàn. Mấy năm gần đây, người dân đã không còn mặn mà với nghề, bởi thu nhập không cao. Hiện nay, một số người dân ở địa phương đã mạnh dạn thay đổi cách làm truyền thống để tìm hướng đi mới, quảng bá, giới thiệu nón Quy Hậu có thị trường tiêu thụ ổn định…”, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho hay.
 
Huyện Lệ Thủy hiện có gần 2.600 cơ sở sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, trong đó, có 5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thu hút hơn 6.500 lao động với doanh thu hàng năm đạt hơn vài trăm tỷ đồng, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
 
Để nâng cao tốc độ phát triển CN-TTCN trên địa bàn, huyện Lệ Thủy sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trên cơ sở khôi phục, phát triển những ngành nghề truyền thống; du nhập phát triển ngành nghề mới phù hợp với địa phương, nhất là những ngành sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, hàng đặc sản, hàng lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu; ưu tiên sử dụng công nghệ thiết bị tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường; chú trọng công tác đào tạo nguồn lực, đặc biệt là thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật cao…

Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lệ Thủy Dương Đức Nghĩa cho biết, mặc dù vẫn duy trì tốc độ phát triển ổn định, có những chính sách hỗ trợ, nhưng các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn cơ bản vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu; sản xuất không ổn định, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu theo từng thời điểm của thị trường...

“Thiếu nguồn lao động có tay nghề cao, đại bộ phận chưa qua đào tạo, chủ yếu trưởng thành từ truyền nghề và tự phát, lao động chưa thực sự sống được bằng nghề, không có người “cầm trịch”. Mặt khác, vốn của đại đa số các cơ sở sản xuất CN-TTCN là tự có, đang trong tình trạng có đến đâu làm đến đó, vốn vay gặp khó khăn. Bởi vậy, việc mở rộng sản xuất, thay đổi máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường đang là “bài toán” cần có lời giải để các ngành nghề CN-TTCN duy trì, không bị mai một theo thời gian…”, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lệ Thủy cho hay.
N.Hải

tin liên quan

Lượng khách đến Quảng Bình vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2023

(QBĐT) - Sáng 21/9, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2023, du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón 3-3,5 triệu lượt khách nhưng 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đã đạt gần 3,7 triệu lượt.

Đề xuất mở cửa khẩu ở khu vực Chút Mút-Lạ Vin

(QBĐT) - Đó là một trong những nội dung của biên bản hội đàm giữa Sở Công thương Quảng Bình và Sở Công thương tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt được ký kết hôm nay, 21/9.

Bố Trạch: Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch sắn nơi có nguy cơ ngập úng

(QBĐT) - Bà con nông dân huyện Bố Trạch đang tập trung ra đồng, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch sắn ở những nơi có nguy cơ ngập úng cao.