Nông dân đồng hành cùng hàng Việt

  • 07:19 | Thứ Năm, 04/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên (HV), nông dân (ND) ưu tiên, sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
 
Để đưa CVĐ đi vào thực tiễn, HND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của CVĐ theo Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
 
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động HV, ND, cộng đồng dân cư ưu tiên mua sắm, sử dụng, tiêu dùng hàng Việt Nam; mua hàng Việt Nam phục vụ cho sản xuất, xây dựng, tiêu dùng, như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, chế biến nông sản, xi măng, sắt thép, các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, hàng gia dụng…  
 
Ngoài việc thay đổi thói quen mua sắm hàng Việt, HND tỉnh cũng chú trọng tạo điều kiện giúp các HV, ND sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, thế mạnh cho địa phương. Trong đó, hội cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân, liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng cho sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để xây dựng các mô hình sản xuất, mua trang thiết bị, máy móc, công cụ trong nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh…
Hội Nông dân huyện Bố Trạch trưng bày, giới thiệu hàng hóa đến người tiêu dùng.
Hội Nông dân huyện Bố Trạch trưng bày, giới thiệu hàng hóa đến người tiêu dùng.
Ông Đoàn Thanh Định, HND xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Nhờ được sự quan tâm, tư vấn của HND xã, tôi đã lựa chọn được sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong nước có chất lượng cao, giá cả phù hợp để phục vụ việc chăn nuôi của gia đình cũng như cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bà con trong xã. Các vật dụng, sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của gia đình tôi cũng luôn ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam bởi chất lượng tốt, giá cả phải chăng, phù hợp với đại đa số người dân vùng nông thôn như chúng tôi hiện nay.
 
Ngoài ra, hội cũng đã tích cực phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... của HV, ND đến người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các HV tham gia các hội chợ nông nghiệp, thương mại, triển lãm trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương. Những việc làm thiết thực của hội đã góp phần giúp các sản phẩm của Quảng Bình dần khẳng định thương hiệu, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu; điển hình là các sản phẩm đặc sản quê hương, như: Nón lá, khoai deo, cá rim, mực rim, nước mắm, các loại tinh dầu…
 
Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Nam Long cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền tại một số cơ sở hội vẫn chưa được thường xuyên, còn mang tính hình thức, chưa sâu rộng; việc hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, HV, ND đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kết nối thị trường còn hạn chế; việc sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; các làng nghề truyền thống chưa được đầu tư khôi phục và phát triển theo kịp với nhu cầu thị trường nên nhiều làng nghề ngày càng mai một, sản phẩm khó khăn về đầu ra...
 
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả CVĐ, HND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt tinh thần các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện CVĐ; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước lồng ghép với thực hiện CVĐ một cách hiệu quả, mà trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền vận động, hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ để ND tiếp cận được các nguồn vốn, các thông tin về thị trường, giá cả, chất lượng sản phẩm hàng tiêu dùng, tính ưu việt của hàng Việt Nam…
 
 Thanh Hoa

tin liên quan

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.

Chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

(QBĐT) - Ngày 26/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh ban hành Công văn số 25/VPTT về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mở hướng kinh tế với mô hình nuôi hươu lấy nhung

(QBĐT) - Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đã quyết định phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đây là mô hình kinh tế còn mới lạ với người dân trong vùng, cho hiệu quả bước đầu và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân địa phương.