Mở hướng kinh tế với mô hình nuôi hươu lấy nhung

  • 11:00 | Thứ Sáu, 28/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đã quyết định phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đây là mô hình kinh tế còn mới lạ với người dân trong vùng, cho hiệu quả bước đầu và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân địa phương.
 
Quảng Hợp là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Quảng Trạch. Với đặc thù diện tích đồi núi chiếm tỷ lệ lớn nên lâu nay chăn nuôi trâu, bò là hướng đi được nhiều người dân lựa chọn để phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch bệnh xảy ra nên người chăn nuôi trâu, bò chịu không ít thiệt hại. Với mong muốn tìm ra được giống vật nuôi vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao để phát triển tại địa phương, ông Bùi Thái Dương đã đi học hỏi các mô hình chăn nuôi ở các tỉnh và quyết định chọn nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế.
 
Ông Dương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có chăn nuôi trâu, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trong một lần đến Hà Tĩnh công tác, thấy người dân ở đó có mô hình nuôi hươu lấy nhung rất hiệu quả, tôi nghĩ Quảng Hợp tiếp giáp với Hà Tĩnh, điều kiện khí hậu, đất đai cũng tương đồng nên có thể nuôi loài vật này. Hơn nữa mô hình nuôi hươu có tính đột phá và cho giá trị kinh tế cao nên sẽ rất có tiềm năng tại địa phương. Vì thế tôi đã quyết định đưa mô hình nuôi hươu lấy nhung về phát triển kinh tế cho gia đình”.
Đàn hươu của gia đình ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp.
Đàn hươu của gia đình ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp.
Để phát triển mô hình, ông Dương đã đi tham quan học hỏi thêm các mô hình ở các tỉnh và lên tự tìm hiểu các thông tin liên quan thông qua mạng xã hội. Khi đã nắm bắt được cách nuôi hươu và cách thu hoạch nhung hươu, từ nguồn vốn vay của người thân và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch, ông Dương đã đầu tư 300 triệu đồng để mua 11 con hươu về nuôi.
 
Ông cũng đã đầu tư 250 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại, phục vụ quá trình nuôi hươu. “Quảng Hợp là xã vùng núi, địa hình cao nên dễ có mối. Chính vì vậy khi làm chuồng phải thiết kế làm sao tránh bị mối làm tổ và phá hỏng. Chi phí làm chuồng vì thế cũng cao hơn so với các vùng khác. Qua tìm hiểu tôi đã sử dụng cột làm bằng bê tông và gỗ phải chịu được mối mọt. Mái lợp bằng xốp thoáng mát tránh thời tiết nắng nóng của miền Trung. Nền nuôi được lót bằng lớp tro trấu để bảo đảm vệ sinh”, ông Dương chia sẻ.
 
Ông Bùi Thái Dương cho biết thêm, cái khó nhất của nuôi hươu lấy nhung là việc chăm sóc để hươu không bị bệnh và canh thời gian đúng để thu hoạch nhung hươu. Nếu thu hoạch sớm thì nhung chưa đạt và nếu để quá ngày thì nhung sẽ bị giảm giá trị dinh dưỡng. Về thức ăn, hươu chủ yếu ăn cỏ, giai đoạn hươu lên nhung thì bổ sung thêm tinh bột. Sau gần một năm chăm sóc, đàn hươu của gia đình ông đã thích nghi với môi trường sống và phát triển tốt; một số con trưởng thành đã cho thu hoạch nhung đợt đầu tiên.
 
"Mô hình nuôi hươu lấy nhung tuy còn khá mới với người dân xã Quảng Hợp nhưng nếu biết đầu tư bài bản sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với chăn nuôi thông thường. Từ hiệu quả mô hình nuôi hươu lấy nhung của ông Dương, hy vọng đây sẽ là bước chuyển hướng trong phát triển kinh tế địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập", Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu cho hay.
Đầu ra của sản phẩm nhung hươu đã có đơn vị doanh nghiệp bảo đảm thu mua thường xuyên. Ngoài ra, sản phẩm này được xem như dược liệu quý nên được rất nhiều người ưa chuộng và tìm mua. “Hiện tại, gia đình tôi thu hoạch và bán nhung tươi chưa qua sơ chế. Nhung hươu được xem là dược liệu quý nên người dân mua về để ngâm rượu hoặc nấu cháo, dùng rất tốt cho sức khỏe. 1kg nhung hươu hiện có giá 16 triệu đồng. Mặc dù giá thành cao nhưng người dân đến tìm mua nhiều. Số lượng thu hoạch đợt đầu vẫn còn ít nên chưa đủ cung cấp cho người dân có nhu cầu ở trong vùng”, ông Dương vui mừng chia sẻ.
 
Thành công bước đầu của mô hình nuôi hươu lấy nhung của gia đình ông Dương được nhiều người biết đến. Đã có một số người dân ở Tuyên Hóa, ở xã Quảng Châu (Quảng Trạch) đến xin tham quan, học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình tại địa phương.
 
Chia sẻ về hướng phát triển mô hình trong thời gian tới, ông Dương cho hay, dự kiến sẽ nhân rộng thêm số lượng hươu con và mở rông thêm chuồng trại để đầu tư vào phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung bài bản hơn.
 
Đ.N

tin liên quan

Kê khai đăng ký đất đai lần đầu theo quy định của pháp luật

(QBĐT) - Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh, trước tình trạng nhiều địa phương vẫn còn trường hợp chưa thực hiện kê khai đăng ký đất đai lần đầu dẫn đến một số diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không thuộc trường hợp được cấp GCN, không đưa vào đăng ký để quản lý.

 

Nuôi trồng thủy sản trên biển: Cơ hội và thách thức

(QBĐT) - Là địa phương có vịnh Hòn La, có Đảo Yến, diện tích mặt nước rộng, nước biển êm, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản trên biển, những năm gần đây, người dân xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đang tập trung phát triển các mô hình nuôi cá bớp, cá mú và các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Tập huấn công tác Thi đua-Khen thưởng cho các thành viên

(QBĐT) - Ngày 26/4, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức lớp tập huấn về công tác Thi đua-Khen thưởng và các vấn đề liên quan cho 69 học viên đến từ các HTX, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.