Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Quảng Bình: Mang tiện ích đến mọi nhà

  • 06:57 | Thứ Ba, 25/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành xu thế tất yếu và nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, CĐS cũng là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
 
Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định ngân hàng (NH) là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên CĐS trước.
 
Chiến lược CĐS quốc gia đã định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
 
Và, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, CĐS được xác định như là một trong những trụ cột chính của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Điều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao cho ngành NH.
 
Thời gian qua, ngành NH đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc CĐS toàn diện: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn. Để ghi dấu ấn cho hoạt động CĐS của ngành, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong chương trình CĐS quốc gia, NH là ngành đầu tiên có ngày CĐS riêng của ngành-ngày 11/5 hàng năm.
 
CĐS ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực NH. CĐS đã giúp các NH nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, CĐS giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) cạnh tranh tốt hơn trong một hệ sinh thái đang thay đổi nhanh chóng. Điều này giúp duy trì tỷ suất lợi nhuận tốt, tái tạo tài sản con người và tiền tệ, duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường đầy thách thức; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho khách hàng, NH và toàn xã hội, góp phần tăng trưởng nền kinh tế. 
Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân.
Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân.
Ngoài ra, nhờ CĐS, công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa giới hành chính hay thời gian khi toàn bộ đã triển khai xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng thông qua hệ thống quản lý văn bản (edoc); 100% văn bản gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia được ký số và được xác thực theo quy định. Hệ thống báo cáo định kỳ điện tử dần thay thế chế độ báo cáo giấy, góp phần chuyển đổi phương thức điều hành, theo dõi, đánh giá dựa trên dữ liệu số theo thời gian thực hiện. Việc tối ưu hóa hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tổ chức các cuộc họp, hội nghị không chỉ giúp tiết kiệm kinh phí mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHNN. Chính vì vậy, NHNN 7 năm liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách thủ tục hành chính.
 
Bên cạnh đó, ngành NH được xếp hạng cao nhất về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT). Cụ thể: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-NHNN về đẩy mạnh CĐS và bảo đảm ANTT, ATTT trong hoạt động NH; thành lập mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT ngành NH và tổ chức các hoạt động ứng cứu sự cố. Việc đầu tư cho an toàn thông tin chiếm 15% đầu tư cho CNTT, trong đó ứng dụng công nghệ mới (AI, Big Data…) hoặc thuê ngoài để giám sát ATTT. Ngoài ra, công tác bảo đảm ATTT tại các TCTD thường xuyên được thanh tra, kiểm tra, giám sát.
 
Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống NH đã được kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Hiện, các NH trên địa bàn Quảng Bình đã triển khai mở tài khoản bằng eKYC với 66.490 tài khoản được mở bằng phương thức điện tử đang hoạt động. Hầu hết các TCTD đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược CĐS; tích cực ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc hợp tác với Công ty Fintech nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong hoạt động thanh toán. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa 100%.
 
Các NH đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân… Một số sản phẩm nổi bật trong hành trình CĐS, như: Ra mắt phiên bản Smartbanking; triển khai hệ thống omni ibank; phát triển tính năng trên máy giao dịch tự động… Một số NH thương mại (Vietcombank, BIDV, Vietinbank…) đã phối hợp với Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ của NH thương mại, như: Mở tài khoản eKYC, thực hiện các giao dịch NH điện tử, NH số; giao dịch tại ATM, thay thế thẻ ATM do NH phát hành.
 
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thời gian qua tăng trưởng tốt. Đến nay, trên địa bàn có 1.257 POS, 14.431 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code; 3 doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ Mobile Money (Vinaphone, Viettel, MobiFone) với 1.455 điểm kinh doanh, 42.274 người dùng (trong đó 52,9% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa), giá trị giao dịch trong năm 2022 tăng gần 6 lần so với năm 2021. Số khách hàng sử dụng dịch vụ NH thông qua các kênh thanh toán trực tuyến tăng trưởng cả về số lượng và giá trị.
 
Trong năm 2022, giao dịch thanh toán qua POS đạt 501.000 lượt, tăng 61% với giá trị giao dịch đạt 956 tỷ đồng, tăng 42%; giao dịch thanh toán qua QR Code đạt 293.000 lượt, tăng 156% với giá trị giao dịch 230 tỷ đồng, tăng 200%; qua kênh internet đạt 1.136.000 lượt, tăng 79% với giá trị giao dịch 14.088 tỷ đồng, tăng 35%; qua kênh điện thoại di động đạt 34.446.290 lượt, tăng 110% với giá trị giao dịch 358.167 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2021.
 
Việc TTKDTM đối với dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính, thanh toán tiền điện, nước, viện phí, học phí… được triển khai hiệu quả và đạt kết quả tích cực. Trong năm 2022, tiền điện được thanh toán qua phương thức không dùng tiền mặt 1.975 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 89,6%, tăng 14,9%; tiền nước 47 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,9%, tăng 22,1%; viễn thông 170 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 43,9%, tăng 27,8% so với năm 2021. Đây là kết quả rất tích cực của quá trình CĐS NH trong thời gian vừa qua.
 
Để triển khai thiết thực và hiệu quả công cuộc CĐS theo các chương trình, đề án của Chính phủ, kế hoạch CĐS ngành NH đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025, như: 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động... Theo đó, trong thời gian tới NHNN-Chi nhánh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đề xuất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động CĐS NH. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an và các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động liên tục hệ thống thanh toán điện tử liên NH, các hệ thống thông tin quan trọng của NHNN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông để người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực, là người được hưởng lợi thực sự từ công cuộc CĐS ngành NH, từ đó tích cực tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ NH trên kênh số.
 
Đinh Quang Hiếu
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình