Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

  • 06:40 | Thứ Bảy, 29/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.
 
Mục tiêu phù hợp
 
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế (KT) nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền KT năng động ở khu vực miền Trung.
 
Trong đó, trọng tâm là các ngành dịch vụ và du lịch (DL) nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng (KCHT) kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
 
Cùng với các mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL), cải thiện đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến năm 2030, năng lực phòng, chống thiên tai của tỉnh sẽ được nâng cao để từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội (KT-XH) những năm gần đây và những thuận lợi, khó khăn, các mục tiêu cụ thể đặt ra bảo đảm phù hợp với tiềm năng, lợi thế và năng lực của tỉnh. Đó là tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4-8,8%/năm; thu ngân sách đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 145-150 triệu đồng; tổng số khách DL đến Quảng Bình khoảng 10 triệu lượt khách.
 
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền KT đạt trên 75%; giải quyết việc làm cho người lao động 18.000 người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%; số giường bệnh/10.000 dân đạt 50 giường trở lên; tỷ lệ che phủ rừng 68%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, có 2-3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38%, 100% đô thị trực thuộc tỉnh cơ bản đạt nền tảng về đô thị thông minh.
Một góc TP. Đồng Hới.
Một góc TP. Đồng Hới.
Để hoàn thành những mục tiêu nêu trên, Quy hoạch xác định hai trung tâm động lực tăng trưởng là Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), với định hướng trở thành trung tâm DL đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và xây dựng Khu kinh tế (KKT) Hòn La trở thành KKT động lực. Ba trung tâm đô thị gồm có TP. Đồng Hới và các vùng phụ cận, trong đó TP. Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ là Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là TX. Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, KKT Hòn La, Tiến Hóa; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang (tương lai là thị xã) và đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh, Áng Sơn.
 
Hội tụ những tiềm năng, thế mạnh như một “quốc gia thu nhỏ”, Quy hoạch xác định ba hành lang KT vững chắc là hành lang KT đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1, đường ven biển; hành lang KT Đông-Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-TX.Ba Đồn-Cảng biển Hòn La; hành lang KT trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc-Nam phía đông.
 
Trong 4 trụ cột KT thì DL tiếp tục được xác định là ngành KT mũi nhọn với mục tiêu khẳng định thương hiệu DL Quảng Bình trên bản đồ DL quốc tế. Công nghiệp là ngành trọng điểm, trong đó tập trung phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo. Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Tự hào với đường bờ biển dài hơn 116km và vùng đặc quyền KT rộng trên 2 vạn km2, phát triển hiệu quả, bền vững KT biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục là một trong 4 mục tiêu trụ cột của nền kinh tế.
 
Quy hoạch cũng xác định 3 khâu đột phá, gồm: Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng KCHT đồng bộ, hiện đại; đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách bảo đảm cho huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển KT-XH; phát triển NNL, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
 
Nền móng vững chắc
 
Đến thời điểm này, một số mục tiêu đã được đặt nền móng cơ bản, là tín hiệu vui trên hành trình mới. Cùng với việc xây dựng khâu đột phá đầu tiên của Quy hoạch là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng KCHT đồng bộ, hiện đại, ngay sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/TU, ngày 9/12/2020 về xây dựng hệ thống KCHT KT-XH giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.
 
Trong danh mục các dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện, về hạ tầng giao thông, dự án Đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3 đã được khởi công vào cuối năm 2022 đầu năm 2023, hiện đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, cũng trong năm 2023, dự án mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu, ước mơ của nhiều người dân Quảng Bình, sẽ được triển khai.
 
Tuyến đường DL kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB, đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang được rà soát quy hoạch, hoàn thiện các đề án để tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Bước đầu, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất ý tưởng đầu tư tuyến đường này.
 
Về hạ tầng xã hội, các dự án về chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh đang được triển khai mạnh mẽ. Trung tâm Thể dục-thể thao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được khởi công cùng ngày 8/1/2023. Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2) đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công. Đây là những dự án động lực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, cũng là nền móng quan trọng cho việc hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch về KCHT đồng bộ, hiện đại đến năm 2030. 
 
Cùng với những dự án động lực đang được thực hiện, danh mục các dự án đầu tư về hạ tầng KT-XH đến năm 2030 được xây dựng và phê duyệt bảo đảm phát huy hiệu quả tiềm năng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và các địa phương, lĩnh vực. Về hạ tầng DL, các dự án vốn đầu tư tư nhân được tập trung vào khám phá hang động, tham quan trải nghiệm VQG PN-KB từ trên cao, các khu phức hợp nghỉ dưỡng, sinh thái… Hướng thu hút đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” mạnh mẽ để DL thực sự là ngành KT mũi nhọn.
 
Giải pháp và nguồn lực
 
“Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là căn cứ cơ bản để tổ chức triển khai các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh, phát triển KCHT, xây dựng đô thị, phân bố dân cư, đất đai, tài nguyên môi trường… Quy hoạch được thông qua sẽ mở đường cho việc xây dựng và thực hiện chính sách thu hút các nguồn lực (vốn, tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ…) để đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, duy trì và bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường”.
 Vũ Đại Thắng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Quy hoạch đã nêu cụ thể 7 giải pháp về huy động vốn đầu tư; phát triển NNL; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước.
 
Trong đó, vốn đầu tư là yếu tố rất quan trọng để thực hiện Quy hoạch. Để huy động nguồn vốn, Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó sẽ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, mở rộng các hình thức đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước… Quy hoạch được thông qua cũng là cơ sở quan trọng để kêu gọi vốn đầu tư.
 
Đối với NNL, đã có 7 giải pháp được ưu tiên thực thi; trong đó, giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực đối với phát triển bền vững. Đây là giải pháp mang tính bao trùm, tác động trực tiếp đối với 6 giải pháp cụ thể còn lại.
 
Để bảo đảm tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là nền KT phát triển năng động của miền Trung và cả nước, kết quả thực hiện Quy hoạch giai đoạn 2021-2030 đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, khát vọng vươn lên, sự chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo để đi đúng lộ trình, hoàn thành mục tiêu “xây dựng Quảng Bình trở thành nền KT năng động của miền Trung” vào năm 2030.
 
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Tích cực chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức luôn được Công đoàn Bảo hiểm xã hội tỉnh quan tâm thực hiện

Quốc hội Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Nghị viện Uruguay

Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam và hai cơ quan lập pháp của Uruguay ký thỏa thuận hợp tác, thể hiện sự coi trọng của Uruguay đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam.
 

Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Bố Trạch lần XII, nhiệm kỳ 2023-2028

(QBĐT) - Trong 2 ngày 26-27/4, Hội Nông dân huyện Bố Trạch tổ chức Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028.