Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy:

"Nếu sợ thiên tai sẽ đánh mất cơ hội được trải nghiệm"

  • 16:49 | Thứ Sáu, 17/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thiên tai, bão lũ đang có xu hướng tịnh tiến theo hướng cực đoan. Ngành Du lịch đang nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm thích ứng thời tiết để kinh doanh không bị gián đoạn và mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Bởi, như tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai chia sẻ: “Nếu sợ thiên tai, sợ bão lũ, sẽ đánh mất đi cơ hội để trải nghiệm”. 
 
- Theo anh, kịch bản nào về biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong những năm tiếp theo?
 
- Hôm nay, tôi đã có dịp chuyện trò cùng người dân ở xã Tân Hóa (Minh Hóa). Bà con ở đây bảo rằng, trước năm 2010, ở địa phương không hề có lũ lớn. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, lũ lụt ngày càng cực đoan hơn, đặc biệt là trong 3 năm 2010, 2019 và 2020.
 
Điều đó chứng tỏ, tình hình thiên tai có xu hướng tịnh tiến theo hướng cực đoan nhiều hơn. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang và sẽ xảy ra nên chắc chắn không tránh khỏi điều đó. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản có nhiều hạn hán và lũ lụt hơn trong thập kỷ tới đây.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy (bên phải) và đại diện Công ty Oxalis ký kết chương trình hợp tác phát triển sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy (bên phải) và đại diện Công ty Oxalis ký kết chương trình hợp tác phát triển sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết.
- Vậy với một ngành kinh doanh như ngành Du lịch thì phải làm gì để ứng phó với điều đó ạ?
 
- Như bạn nói, du lịch là một ngành kinh doanh, mà đã là kinh doanh thì chúng ta phải tránh vấn đề gián đoạn. Thời tiết là một trong những yếu tố gây nên sự gián đoạn đó. Vì vậy, sự chuẩn bị sẵn sàng với các thời tiết cực đoan là việc cực kỳ cần thiết. Thời tiết ở Quảng Bình khá đặc thù khi có những tháng mùa mưa lũ rất rõ ràng.
 
Trong thời gian này, đa số ngành Du lịch sẽ đóng cửa hoặc những người khách có xu hướng không muốn đi du lịch vào mùa có thiên tai, bão lũ. Đó chính là sự gián đoạn. Vậy thì ngành Du lịch phải thích ứng và phải thay đổi hình thức. Không ai muốn đóng cửa một cơ sở du lịch với hàng trăm lao động trong vài ba tháng trời. Vì vậy, đòi hỏi phải khai thác các hình thức du lịch phù hợp với thời tiết. 
 
Ở khía cạnh của thiên tai, thì không có thiên tai nào kéo dài 2 tháng liên tục. Trong khoảng thời gian gọi là mùa thiên tai, mùa bão lũ, vẫn có những ngày nắng ấm, những ngày bình thường. Vậy tại sao chúng ta lại đóng cửa cả ngành dịch vụ trong khoảng thời gian 2, 3 tháng liền? Đó là một thiệt thòi cho những người làm kinh doanh du lịch, người lao động và cả người dân địa phương. 
Tân Hóa - làng du lịch thích ứng thời tiết sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Tân Hóa - làng du lịch thích ứng thời tiết sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
- Như anh vừa nói, du khách thường có xu hướng không muốn đi du lịch vào mùa có thiên tai, bão lũ. Anh có nghĩ rằng nếu sợ lũ, sợ thiên tai thì sẽ đánh mất đi cơ hội trải nghiệm?
 
- Rõ ràng rồi. Tôi là người cảnh báo thiên tai và tôi luôn luôn đưa ra thông điệp rằng, bạn phải sẵn sàng đối phó và không được mạo hiểm với thiên tai. Thông điệp đó cực kỳ quan trọng. Ví dụ như trong bão lũ sẽ cấm mọi hoạt động ngoài trời để không ảnh hưởng tính mạng, tài sản. Nhưng có những loại hình thiên tai chưa đến ngưỡng phải cấm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đó là ngưỡng chịu đựng của hạ tầng và con người thì chúng ta nên tận dụng cơ hội đó.
 
Tại Tân Hóa, người dân có chia sẻ rằng, nếu lũ lên 7-10 ngày, họ vẫn có thể bảo đảm điều kiện an toàn, đủ thực phẩm để phục vụ du khách trải nghiệm vì họ có nhà phao, có phương tiện di chuyển…
 
Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường vậy tại sao chúng ta không biến nó trở thành sản phẩm du lịch, một đời sống bình thường như mọi đời sống khác? Nói cách khác, nếu chúng ta cứ sợ thiên tai, chúng ta sẽ bị động, mà bị động thì không phải phương án tối ưu để thích ứng với thiên tai.
 
- Thời tiết mỗi địa phương, mỗi khác. Nghĩa là cũng sẽ có những đặc sản du lịch theo mùa, ở từng địa phương? 
 
- Đúng vậy! Nếu như ở Tân Hóa đang xây dựng thành làng du lịch thích ứng với thời tiết, để du khách có thể trải nghiệm đời sống mùa lũ ngay trên chính ngôi nhà nổi của bà con địa phương, thì tại đồng bằng sông Cửu Long cũng có đặc sản mùa nước nổi.
Mô hình nhà phao tránh lũ của xã Tân Hóa.
Mô hình nhà phao tránh lũ của xã Tân Hóa.
Những năm gần đây, mùa nước nổi không còn về nhiều như ngày xưa nhưng có mùa triều cường. Khi các mực nước triều tăng cao hơn sẽ khiến cho các loại hình sản xuất nông nghiệp bị giảm đi. Đó trở thành thời tiết cực đoan với nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải biết tận dụng các thời gian đó để tạo ra các sản phẩm phi nông nghiệp. Đó chính là các sản phẩm dịch vụ du lịch.
 
Vùng Ngọc Hiển (Cà Mau), Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hoàn toàn có thể tạo các sản phẩm trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa mà người dân không thể canh tác được lúa hoặc thủy sản. Đồng bằng sông Cửu Long lại có thể kết nối các điểm du lịch với nhau bằng giao thông đường thủy, vừa giảm áp lực lên giao thông đường bộ, đồng thời tăng sự trải nghiệm của du khách.
 
Đó là một trong những ví dụ để thấy là ngay cả trong cả mùa nước nổi, thủy triều cao thì vẫn tận dụng để phát triển du lịch. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra được các sản phẩm đặc sắc, mang tính chất vùng miền nhưng vừa có sự tham gia của người dân để tăng năng lực thích ứng của người dân trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
 
- Được biết, Công ty Oxalis vừa bổ nhiệm anh là đại sứ thương hiệu đối với các sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết-một danh hiệu mà có lẽ là chưa từng có trên thế giới. Vậy lý do gì khiến anh nhận nhiệm vụ mới mẻ này? 
 
- Đúng là như bạn nói, danh hiệu đại sứ này chưa từng có trong tiền lệ. Là một người theo dõi về thời tiết cực đoan, tôi nhận ra rằng, trong thời gian thiên tai bão lũ thì đa số các hoạt động bị gián đoạn nhưng như thế thì kinh tế và thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách thích ứng phù hợp. Oxalis là một trong những doanh nghiệp tiên phong nỗ lực trong việc này.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy chuyện trò cùng người dân xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa).
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy chuyện trò cùng người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa).
Tôi là một trong những người luôn luôn ủng hộ, hỗ trợ trong nhiều chương trình trong nước và quốc tế về các giải pháp thích ứng với biến đối khí hậu. Đây cũng như là một kênh tôi muốn đóng góp công sức của mình trong việc hỗ trợ các bên liên quan, không riêng Oxalis, trong việc tạo ra các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Là người đã và đang đưa tin phục vụ cộng đồng trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, nên tôi sẽ biết được thời điểm nào sẽ là thời điểm thiên tai cực đoan quá mức mà chúng ta không nên khai thác bất cứ hoạt động du lịch nào nhưng cũng có những thời điểm vẫn có khả năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong các mùa thiên tai đó.
 
Nếu chúng ta biết tận dụng các thông tin về thời tiết cực đoan, tận dụng thiên nhiên và lợi thế địa phương, biến nó thành sản phẩm trải nghiệm để tạo thu nhập cho nhiều người, thì tại sao lại không làm? Nên khi Oxalis đặt vấn đề, tôi nhận lời ngay.
 
- Nhưng thử nghiệm thì sẽ đi kèm với thách thức và khó khăn?
 
- Đương nhiên, nhưng nếu chúng ta không mạnh dạn thử nghiệm và không biến thử nghiệm thành mô hình nhân rộng thì sẽ không có cơ hội phát triển. Tôi xem đây là một cơ hội của cả hai bên để xúc tiến tạo ra một sản phẩm mới và nếu như thành công ở Tân Hóa, chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng ở các địa bàn khác. Nhưng như tôi đã nói, làm bất cứ điều gì, tôn trọng tự nhiên vẫn là việc quan trọng. 
 
- Cảm ơn anh về những chia sẻ này. 
Diệu Hương (thực hiện)

tin liên quan

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những giải pháp đồng bộ

(QBĐT) - Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho tỉnh Quảng Bình là xấp xỉ 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là hơn 3.378 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 2.100 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ thực tế năm 2022, hiện các sở, ngành, địa phương đang tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện và giải ngân VĐTC bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Biển Nhật Lệ sẵn sàng đón du khách

(QBĐT) - Chuẩn bị cho mùa du lịch biển 2023, UBND TP. Đồng Hới đã chỉ đạo các phòng ban chức năng và địa phương liên quan chỉnh trang các điểm du lịch, trong đó có khu vực bãi tắm Nhật Lệ, sẵn sàng đón du khách.

Tăng cường công tác phối hợp kiểm soát thị trường

(QBĐT) - Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường luôn chú trọng công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.