Phát triển kinh tế rừng bền vững

  • 08:09 | Thứ Ba, 07/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khoảng 30 năm trở lại đây, thực hiện các chính sách của Nhà nước trong phát triển lâm nghiệp, bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Trải qua hành trình đầy gian nan, vất vả, rừng đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con.
 
Nhiều người dân có thâm niên trồng rừng kể, những năm 80 của thế kỷ trước, bà con thường phát nương làm rẫy để chống đói. Sau một thời gian, đời sống dần được nâng cao, họ không còn làm nương rẫy nữa nên để lại những vùng đất trống, đồi trọc. Để tận dụng nguồn tài nguyên quý giá, phát triển kinh tế cho nhân dân, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cùng lực lượng Kiểm lâm đã tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng. Đầu những năm 2000, khi đất rừng được giao khoán, chia cho các hộ dân, phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
 
Đến nay, Quảng Bình có 120.721ha rừng trồng, trong đó rừng sản xuất 93.527ha, rừng phòng hộ 7.581ha, rừng đặc dụng 606ha và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 19.007ha. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch và trồng lại gần 10.000ha rừng. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 584.744m3, năng suất bình quân đạt 17,4 m3/ha/năm. Đến nay, Quảng Bình đã có 4.287ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, khoảng 5.000ha rừng gỗ lớn...
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết: “Để bà con trồng rừng hiệu quả, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp tham mưu, tập huấn để giao đất trồng rừng, tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm, kiến thức về lâm nghiệp trong cán bộ, nhân dân đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng”.
Nguồn giống hoàn toàn đáp ứng cho người dân trồng rừng.
Nguồn giống hoàn toàn đáp ứng cho người dân trồng rừng.
Huyện Quảng Ninh hiện trồng được 16.500ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, trong đó có khoảng 14.000ha diện tích trồng keo, tràm. Rừng trồng tập trung nhiều ở xã Trường Xuân, Trường Sơn, Xuân Ninh, Vĩnh Ninh... Để nâng cao giá trị rừng trồng, huyện đã vận động bà con chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, liên hệ với các tổ chức để cấp chứng chỉ rừng FSC cho người dân.
 
Anh Trần Văn Phương, ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) kể: “Năm 1994, khi Nhà nước giao đất trồng rừng và có hỗ trợ gạo nhưng không mấy ai mặn mà. Lúc đó, trong thôn chỉ có một số ít hộ mạnh dạn nhận đất, khai hoang để trồng keo, tràm. Sau mấy năm rừng lên xanh tốt, mang lại cuộc sống ấm no, giúp tôi làm được nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”. Gia đình anh Phương có trên 50ha đất trồng rừng, trong đó, anh đã trồng được 10ha rừng gỗ lớn. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên rừng của anh phát triển rất tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong năm 2022, anh đã bán được 10ha rừng trồng, thu lãi gần 900 triệu đồng. Không chỉ có gia đình anh Phương mà còn hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Trường Xuân ấm no nhờ trồng rừng.
 
Xã Trường Xuân có trên 2.500ha rừng sản xuất, trong đó có 500ha rừng gỗ lớn, trên 480ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Năm 2022, toàn xã đã khai thác và trồng lại 125ha rừng, giá trị kinh tế ước đạt trên 4,3 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang cho biết: “Để phát triển kinh tế rừng, UBND xã đang tập trung chỉ đạo bà con trồng lại diện tích rừng vừa khai thác, phát dọn thực bì, tuyên truyền vận động bà con trồng rừng gỗ lớn, liên hệ với các tổ chức có thẩm quyền để cấp chứng chỉ rừng FSC cho người dân”.
 
Huyện Minh Hóa có diện tích rừng trồng trên 10.400ha phân bổ khắp 15 xã, thị trấn. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã trồng mới 1.500ha, trong đó diện tích rừng trồng sau khai thác đạt 1.509ha. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 100.700m3, giá trị ước đạt 75,4 tỷ đồng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa Nguyễn Công Chung cho biết: “Để trồng rừng hiệu quả, huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi linh hoạt từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trích ngân sách mua giống cây keo cấy mô, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, làm các thủ tục để cấp chứng chỉ rừng FSC cho bà con”...
 
Xã biên giới Trọng Hóa có gần 1.000ha đất có rừng trồng, trong đó có gần 100ha rừng trồng gỗ lớn 178ha rừng cây bản địa. Nhờ trồng rừng nên nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, làm được nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Anh Hồ Đăm, ở bản La Trọng 2 phấn khởi: “Từ khi được giao 10ha đất trồng rừng, mình đã bán bò để mua giống cây và đầu tư công sức để trồng. Được cán bộ xã lên tận rừng bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, hơn 15 năm tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế, mình đã bán được 2 lứa rừng, mỗi lứa đạt khoảng 200 triệu đồng”.
 
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin đề xuất: “Để người dân sống được bằng nghề trồng rừng, đề nghị UBND huyện, các ban, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ các dự án để người dân có thêm kinh phí, phân bón, cây giống trồng rừng; xem xét một số diện tích đất trống do Ban Quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa quản lý giao lại cho người dân sản xuất. Đối với UBND xã, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trồng, khai thác rừng đúng kỹ thuật”…
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long, nhằm thúc đẩy phong trào trồng rừng, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình trồng rừng, cấp chứng chỉ rừng; đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, chi cục cũng sẽ tham mưu xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn để thực hiện liên kết, hình thành chuỗi giá trị và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp...
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sản xuất giống cây lâm nghiệp, mỗi năm sản xuất được 35 triệu cây. Để quản lý nguồn cung cấp cây giống, Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đã tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cho việc cung cấp cây giống cho bà con trồng rừng.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Quảng Bình mở lại cửa khẩu phụ Cà Roòng

Ngày 28/2, tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) chính thức mở lại cửa khẩu Cà Roòng-Nọong Ma phục vụ người dân biên giới 2 nước Việt Nam-Lào qua lại thăm thân và trao đổi, thông quan hàng hóa, sau 3 năm tạm đóng cửa.

Lão nông tiên phong làm vườn mẫu

(QBĐT) - Là người tàn tật do hậu quả của bom đạn thời chiến tranh nhưng ông Đinh Văn Bính, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế và tiên phong xây dựng vườn mẫu ở địa phương.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(QBĐT) - Chiều nay,  28/2, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.