"Lỡ hẹn"... nông thôn mới

  • 08:08 | Thứ Ba, 07/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo lộ trình, nhiều xã trên địa bàn tỉnh được chọn để xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao sẽ hoàn thành các tiêu chí để cán đích trong năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các xã đều chưa nộp hồ sơ thẩm định xét công nhận để chạm đích NTM nâng cao. Theo chia sẻ của các địa phương, nguyên nhân là do một số tiêu chí đang làm khó, khiến lộ trình về đích NTM nâng cao đang còn xa.
 
Khó ở tiêu chí nước sạch
 
Hải Ninh là xã biển nằm phía Đông của huyện Quảng Ninh. Vào những năm trước, Hải Ninh là một trong những địa phương khó khăn của huyện. Với xuất phát điểm là xã nghèo, tuy nhiên, những năm gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, Hải Ninh đã nhanh chóng trở thành xã có kinh tế phát triển khá. Diện mạo NTM của xã ngày càng khởi sắc khi các tuyến đường nông thôn được bê tông hóa sạch đẹp, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, năm 2020, xã Hải Ninh cán đích NTM.
 
Để tiếp tục hành trình xây dựng địa phương ngày càng phát triển, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục bắt tay thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mục tiêu này của địa phương lại gặp không ít khó khăn. Theo dự kiến, năm 2022 xã sẽ hoàn thiện các tiêu chí để đạt NTM nâng cao, nhưng do gặp khó ở tiêu chí nước sạch, Hải Ninh đã không hoàn thành “giấc mơ” theo kế hoạch.
 
Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phạm Văn Liệu cho biết: Hiện nay, các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao chúng tôi đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, ở tiêu chí nước sạch, xã đang gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, xã đạt NTM nâng cao thì phải có tỷ lệ người dân sử dụng nước máy sạch tập trung cao nhưng hiện tạiở Hải Ninh, người dân chủ yếu vẫn sử dụng nước giếng để phục vụ sinh hoạt. Chúng tôi rất mong có đơn vị đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống nước sạch, sau đó người dân sẽ đầu tư đường ống bắt vào nhà để sử dụng”. 
Xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) gặp khó với tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM nâng cao.
Xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) gặp khó với tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM nâng cao.
Vĩnh Ninh cũng là một trong các xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh được chọn để xây dựng NTM nâng cao. Tuy nhiên, tiêu chí nước sạch cũng đang làm khó quá trình về đích của xã.
 
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Đỗ Mười cho biết: Khi tỉnh ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã có một số tiêu chí chưa đáp ứng tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chí nước sạch. Hiện tại, xã chưa có thôn nào được sử dụng nước máy. Người dân trong vùng chỉ sử dụng nước giếng khoan. Để thực hiện tiêu chí này tương đối khó, phải có sự đầu tư vài chục tỷ đồng thì mới kéo được hệ thống nước sạch về cho người dân. Ngoài sự đóng góp của nhân dân, quan trọng là phải có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Mong muốn trong thời gian tới, xã sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để sớm hoàn thành NTM nâng cao”.
 
Khó trong xây dựng sản phẩm OCOP
 
Mặc dù cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí, tuy nhiên xã Duy Ninh (Quảng Ninh) vẫn chưa thể về đích NTM nâng cao. Nguyên nhân là do xã còn vướng trong xây dựng sản phẩm OCOP (tiêu chí tổ chức phát triển sản xuất). Là xã thuần nông nhưng nông nghiệp phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ, chính vì vậy việc lựa chọn sản phẩm nông nghiệp để định hướng phát triển theo hướng OCOP là vấn đề không hề dễ dàng với địa phương này.
 
Chủ tịch UBND xã Duy Ninh Phạm Minh Cảnh chia sẻ: Thời gian qua, xã đã lựa chọn nhiều sản phẩm để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Vậy nhưng đến nay, xã vẫn chưa có sản phẩm OCOP đạt chuẩn. Dựa trên các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của địa phương, năm 2020 xã đã chọn sản phẩm sắn dây để xây dựng sản phẩm OCOP.
 
Tuy nhiên, sau thời gian hướng dẫn nhưng không thực hiện được, xã đã chuyển hướng sang chọn sản phẩm cá chẽm. Tuy nhiên, cái khó của địa phương là sản phẩm cá chẽm này người dân nuôi và đánh bắt theo phương pháp truyền thống nhỏ lẻ, chưa chú trọng vào các khâu chế biến, đóng gói. Chính vì vậy năm 2023, xã quyết định chọn sản phẩm trầm hương để xây dựng thành sản phẩm OCOP và hy vọng sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn OCOP để địa phương sớm hoàn thành lộ trình NTM nâng cao.
 
Không chỉ riêng xã Duy Ninh, hành trình xây dựng sản phẩm OCOP để cán đích NTM nâng cao đang là bài toán khó của nhiều địa phương hiện nay. Tại xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới), con đường đi tìm sản phẩm OCOP của địa phương cũng khó khăn, nan giải không kém.
 
“Năm 2021, để định hướng sản phẩm OCOP, xã đã chọn sản phẩm nước uống đóng chai. Qua 2 năm phấn đấu, nhận thấy sản phẩm khó đạt các tiêu chuẩn để được công nhận là sản phẩm OCOP, xã chuyển hướng sang chọn sản phẩm tinh dầu tràm, tinh dầu sả ở thôn Ba Đa. Đây là sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương, được các hộ dân của tổ hợp tác tự trồng nguyên liệu đầu vào và tự chế biến. Thời gian tới, xã sẽ định hướng và tuyên truyền cho tổ hợp tác phương thức xây dựng sản phẩm, như: Sản xuất, chế biến, đưa ra thị trường như thế nào để đạt tiêu chuẩn và sớm được công nhận là sản phẩm OCOP”, bà Trần Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Nghĩa Ninh cho biết.
 
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho hay: Năm 2022, số xã phấn đấu đạt NTM nâng cao gồm 19 xã. Tuy nhiên, đến nay, hầu như các xã chưa hoàn thành đúng lộ trình. Trong quá trình phấn đấu thực hiện, nhiều xã đang gặp khó khăn ở một số tiêu chí, nhất là tiêu chí nước sạch nông thôn và xây dựng sản phẩm OCOP. Để sớm hoàn thành các tiêu chí và về đích NTM nâng cao, các xã cần huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện các tiêu chí, nhất là những tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, tự rà soát các tiêu chí khó để có phương án đề xuất với cơ quan chức năng, qua đó có biện pháp sửa đổi phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.
 
Đ. Nguyệt

tin liên quan

Quảng Bình mở lại cửa khẩu phụ Cà Roòng

Ngày 28/2, tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) chính thức mở lại cửa khẩu Cà Roòng-Nọong Ma phục vụ người dân biên giới 2 nước Việt Nam-Lào qua lại thăm thân và trao đổi, thông quan hàng hóa, sau 3 năm tạm đóng cửa.

Lão nông tiên phong làm vườn mẫu

(QBĐT) - Là người tàn tật do hậu quả của bom đạn thời chiến tranh nhưng ông Đinh Văn Bính, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế và tiên phong xây dựng vườn mẫu ở địa phương.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(QBĐT) - Chiều nay,  28/2, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.