Kỳ vọng từ cây dừa xiêm

  • 15:46 | Thứ Bảy, 04/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh đã chủ động thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa phương, bước đầu được đánh giá cao về tính phù hợp và bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, mô hình trồng cây dừa xiêm được xem là hướng đi mới đầy triển vọng, góp phần giải quyết bài toán đất hoang hóa, kém hiệu quả…
 
Gia đình chị Trần Thị Thương (thôn La Hà Nam, xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn) trước đây chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, như: Khoai, đậu, rau màu… nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, chủ yếu “lấy công làm lãi” do đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Hơn nữa, là địa bàn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình rất khó khăn, loay hoay, bế tắc.
 
Năm 2020, được sự tư vấn và hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh, chị Thương là hộ đầu tiên ở xã Quảng Văn mạnh dạn đưa vào trồng 200 cây dừa xiêm trên diện tích 0,5ha đất nhiễm mặn. Trong quá trình đưa cây dừa xiêm vào trồng, gia đình chị Thương đã được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ 50% giống và phân bón, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Mặc dù mới triển khai năm thứ 3 nhưng vườn cây dừa xiêm của gia đình chị Thương đã cho những quả bói. Dự kiến sang năm thứ 4 sẽ cho thu hoạch… 
Cán bộ Trung tâm KN-KN tỉnh và xã Quảng Văn hướng dẫn người dân chăm sóc cây dừa xiêm.
Cán bộ Trung tâm KN-KN tỉnh và xã Quảng Văn hướng dẫn người dân chăm sóc cây dừa xiêm.
“Đây là vùng đất nhiễm mặn nên trồng cây gì cũng èo uột, khó phát triển. Mấy năm gần đây, gia đình đầu tư trồng rau màu nhưng không hiệu quả vì mùa vụ bấp bênh, thời tiết thất thường. Đối với cây dừa xiêm, đúng theo tốc độ sinh trưởng, đến năm thứ 4 cây mới cho quả bói, nhưng gia đình mới trồng hơn 3 năm đã có 10 cây dừa cho quả bói. Trồng dừa xiêm không tốn nhiều công chăm sóc; đặc biệt trên đất nhiễm mặn, cây dừa xiêm thể hiện được ưu thế thích nghi rất lớn. Về hiệu quả kinh tế, theo hạch toán của gia đình, trong năm tới, trung bình mỗi cây để lại khoảng 10 quả thu hoạch, với giá bán 20.000đồng/quả, so với các loại cây trồng khác, giá trị mà cây dừa xiêm mang lại vượt trội hơn rất nhiều…”, chị Thương chia sẻ.
 
Cũng như gia đình chị Trần Thị Thương, gia đình anh Phạm Hồng Thanh (thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn) cũng đã đầu tư trồng 400 cây dừa xiêm xen ghép nuôi tôm, cua trên diện tích 1,7ha đất hoang hóa, nhiễm mặn từ năm 2021. Đến nay, vườn dừa xiêm của gia đình anh Thanhđã được 2 năm tuổi và đang lên xanh tốt. 
 
Theo chia sẻ của anh Thanh, việc trồng dừa xiêm xung quanh ao nuôi tôm, cua quảng canh vừa tận dụng được nguồn nước tưới cho cây, vừa không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của thủy sản. Đây mới là kết quả, tín hiệu bước đầu cho việc lựa chọn cây trồng phù hợp trên đất nhiễm mặn; kỳ vọng trong vài năm tới, từ cây dừa xiêm sẽ giúp gia đình tăng thêm thu nhập.
 
“Trước đây, diện tích đất hoang hóa của gia đình cũng để không như vậy, không trồng cây gì thêm do đất nhiễm mặn. Được sự hỗ trợ của Trung tâm KN-KN tỉnh, gia đình tôi đã đưa cây dừa xiêm vào trồng. Lúc mới trồng, được cán bộ kỹ thuật của đơn vị hướng dẫn tận tình, cây dừa lại thích hợp với thổ nhưỡng, nên phát triển rất tốt. Gia đình rất kỳ vọng trong tương lai cây dừa xiêm sẽ có nguồn thu đáng kể…”, anh Thanh cho biết thêm.
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho hay, chuyển giao kỹ thuật trồng giống dừa xiêm tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cho nông dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ năm 2020-2022, đơn vị đã thực hiện chuyển giao thành công 10,2ha dừa xiêm tại TX. Ba Đồn và các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch…
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn Trần Thanh Nam cho biết, nhiều năm qua, địa phương vẫn loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp với những vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn. Năm 2019, thực hiện nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn nghiên cứu, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của gia đình để tăng thu nhập…
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cũng cho hay, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT, từ năm 2020-2022, trên địa bàn xã đã có 7 hộ gia đình đã chuyển đổi đất nhiễm mặn, chua phèn sang trồng dừa xiêm với diện tích 4,8ha. Hơn nữa, có hộ còn đào thêm kênh mương, ao hồ để nuôi thủy sản xen ghép nhằm tăng hiệu quả, lấy ngắn nuôi dài. Đặc biệt, nhận thấy hiệu quả từ cây dừa xiêm mang lại, nhiều hộ gia đình trong xã đã đến học hỏi mô hình để trồng trong vườn nhà nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
 
“Năm 2023, xã Quảng Văn dự định trồng thêm 3ha dừa xiêm để vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa giải quyết vấn đề đất nhiễm mặn, đất hoang hoá kém hiệu quả tại địa phương. Ngoài kỳ vọng giải quyết được vấn đề đất bỏ hoang, chính quyền địa phương kỳ vọng cây dừa xiêm sẽ trở thành mô hình kinh tế hiệu quả cao; đồng thời, hướng tới mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái tại địa phương từ các mô hình trồng dừa…”, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn thông tin.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Quảng Bình mở lại cửa khẩu phụ Cà Roòng

Ngày 28/2, tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) chính thức mở lại cửa khẩu Cà Roòng-Nọong Ma phục vụ người dân biên giới 2 nước Việt Nam-Lào qua lại thăm thân và trao đổi, thông quan hàng hóa, sau 3 năm tạm đóng cửa.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(QBĐT) - Chiều nay,  28/2, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

Lão nông tiên phong làm vườn mẫu

(QBĐT) - Là người tàn tật do hậu quả của bom đạn thời chiến tranh nhưng ông Đinh Văn Bính, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế và tiên phong xây dựng vườn mẫu ở địa phương.