Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế

  • 07:29 | Thứ Hai, 06/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đang tích cực chuyển đổi đất lúa và cây trồng vùng gò đồi kém hiệu quả sang cây trồng khác có năng suất, sản lượng cao hơn.
 
Hiệu quả từ cây trồng mới
 
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch Lê Đình San, chúng tôi đến thăm vườn ổi của anh Lê Văn Thú (thôn 10, xã Lý Trạch). Trò chuyện với chúng tôi, anh Thú cho biết, khu vườn của gia đình anh có diện tích 2ha. Năm 2007, anh vay vốn đầu tư trồng cao su, đến năm 2013, khi cây chuẩn bị cho thu hoạch thì gặp trận bão lớn nên bị gãy đổ, thiệt hại lớn về kinh tế.
 
Cũng sau đó, giá cao su giảm, những người trồng cao su rơi vào khó khăn. Trước tình hình đó, anh Thú quyết định tìm hiểu cây trồng mới để thay thế cao su và sau đó đã lựa chọn trồng ổi, dưa hấu.
 
Anh Thú chia sẻ: “Cây cao su mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng khí hậu ở tỉnh ta quá khắc nghiệt, cây thường bị ảnh hưởng bởi mưa bão, gây thiệt hại nặng nề. Qua tìm hiểu, tôi thấy cây ổi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít bị tác động bởi thời tiết nên quyết định chuyển sang mô hình trồng ổi; bên cạnh đó, tôi cũng trồng thêm dưa hấu, bầu, bí…”.
 
Nhờ vậy, hiện nay khu vườn của gia đình anh Thú có 1ha ổi, mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm; 1ha trồng dưa hấu lãi khoảng 70 triệu đồng/vụ.
Gia đình anh Lê Văn Thú (xã Lý Trạch) có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng ổi trên vùng gò đồi.
Gia đình anh Lê Văn Thú (xã Lý Trạch) có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng ổi trên vùng gò đồi.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch Lê Đình San cho biết: “Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất gò đồi kém hiệu quả của toàn xã là 20ha, chủ yếu là cây ăn quả, cho thu nhập bình quân khoảng 150-170 triệu đồng/ha, gấp 1,5-1,7 lần so với cây cao su. Nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2023, xã tiếp tục tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất kém hiệu quả, dự kiến khoảng 10ha”.
 
Với quyết tâm nâng cao giá trị sử dụng đất, phù hợp với điều kiện thực tiễn, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đã chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Tại xã Vạn Trạch, trên diện tích đầm hồ, ruộng lúa nước sâu, xã đã chỉ đạo chuyển đổi sang mô hình cá-lúa; những diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô, dưa hấu.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch Hoàng Thanh Hoài cho hay: “Năm 2022, UBND xã đã thành lập Ban Chuyển đổi cây trồng-vật nuôi, với mục đích cải tạo diện tích đầm hồ, đất kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, vật nuôi thích ứng tốt hơn. Để việc chuyển đổi có hiệu quả, xã đã quy hoạch những vùng diện tích phù hợp, hướng dẫn bà con về kỹ thuật, lựa chọn cây trồng… Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 80ha đất, kế hoạch năm 2023 sẽ chuyển đổi thêm 30ha. Thực tế sau khi chuyển đổi, các loại cây trồng, mô hình sản xuất mới đã mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đó, điển hình, như: Mô hình cá-lúa cho lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, dưa hấu 70-100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trên đất kém hiệu quả”.
 
Để được tận mắt chứng kiến những thành quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Vạn Trạch, anh Hoàng Văn Thuận, công chức Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường xã đã dẫn chúng tôi đến thăm mô hình cá-lúa của anh Nguyễn Văn Vững (thôn Dài). Những thửa ruộng được quy hoạch thẳng tắp, bao quanh là nước hồ nuôi cá, ở giữa là đồng lúa xanh rì hiện ra đẹp mắt.
Mô hình chuyển đổi cá-lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Vững (xã Vạn Trạch) góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích ruộng sâu kém hiệu quả.
Mô hình chuyển đổi cá-lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Vững (xã Vạn Trạch) góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích ruộng sâu kém hiệu quả.
Vừa tranh thủ tỉa dặm lúa, anh Vững vừa vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, vùng này là đầm sâu, người dân chỉ trồng lúa nhưng năng suất thấp nên họ không “mặn mà” sản xuất. Nhận thấy lợi thế của vùng nước lợ, năm 2018, tôi được xã giao 1ha ruộng sâu để đầu tư thực hiện mô hình cá-lúa. Với việc trồng lúa xen thả cá (rô phi đơn tính, cá trắm), tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. Do đó, năm 2022, tôi quyết định đầu tư, mở rộng thêm mô hình với diện tích 3ha. Tuy nhiên thời hạn sử dụng đất chỉ có 5 năm, tôi rất mong thời gian tới nhà nước sẽ có những chính sách mới, tạo điều kiện cho chúng tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài nhằm yên tâm sản xuất, mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
 
Cần giải pháp theo hướng bền vững
 
Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, vùng gò đồi kém hiệu quả, trong những năm qua, UBND huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân.
 
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với các địa phương rà soát các diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác.
 
UBND xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch của huyện để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi chi tiết đến người dân trên địa bàn, bảo đảm đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất đạt hiệu quả.
 
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Đối với một số diện tích, việc chuyển đổi đã giảm được áp lực nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán diễn ra gay gắt, khó lường... Các cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng trên 20 triệu đồng/ha/vụ, có một số mô hình lãi đến 140 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 2-7 lần so với sản xuất lúa”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long chia sẻ.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Đầu ra cho các sản phẩm, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh còn ít nên giá cả bấp bênh; chưa có vùng sản xuất hàng hóa lớn, đa số là sản xuất nhỏ, manh mún, trong đó việc triển khai để liên kết sản xuất chuỗi giá trị theo tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn còn thiếu bền vững, cơ chế, chính sách hỗ trợ còn hạn chế; sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít…
 
Từ những khó khăn đó, UBND huyện Bố Trạch đã xây dựng đề án về phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Thực hiện nội dung, chính sách của đề án, huyện đã tập trung thực hiện một số chuỗi giá trị chủ lực, trong đó trọng tâm gắn sản xuất với chế biến, nhất là việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện đang tập trung đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa (trong địa bàn huyện, tỉnh) thông qua việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
 
Về lâu dài, huyện sẽ tìm các thị trường lớn, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu ngay tại địa bàn, tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt, sản lượng lớn…
 
Lê Mai

tin liên quan

Lão nông tiên phong làm vườn mẫu

(QBĐT) - Là người tàn tật do hậu quả của bom đạn thời chiến tranh nhưng ông Đinh Văn Bính, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế và tiên phong xây dựng vườn mẫu ở địa phương.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(QBĐT) - Chiều nay,  28/2, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

Quảng Bình mở lại cửa khẩu phụ Cà Roòng

Ngày 28/2, tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) chính thức mở lại cửa khẩu Cà Roòng-Nọong Ma phục vụ người dân biên giới 2 nước Việt Nam-Lào qua lại thăm thân và trao đổi, thông quan hàng hóa, sau 3 năm tạm đóng cửa.