Tạo chuyển biến trong công tác quản lý khoáng sản

  • 10:31 | Thứ Bảy, 25/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản (KS) trên địa bàn Quảng Bình thời gian gần đây đã tạo được sự chuyển biến. UBND tỉnh đánh giá, công tác quản lý tài nguyên KS bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Công tác cấp giấy phép hoạt động KS thực hiện theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KS.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Huệ cho biết: Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về KS. Theo đó, Sở TN-MT đã tổ chức tuyên truyền phổ biến những nội dung cơ bản của Luật KS 2010, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và KS, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS), quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và KS...
 
"Ngoài hình thức tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn được thực hiện thông qua Đài PT-TH Quảng Bình, như: Thực hiện chuyên mục “Tài nguyên và Môi trường” được phát hàng tháng trên sóng phát thanh và truyền hình; các bài viết trên Báo Quảng Bình, Tập san của Sở Tư pháp, phát tờ rơi...", ông Nguyễn Huệ cho biết.
 
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực sự tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN-MT nói riêng và nhân dân trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp KTKS nói chung. Qua đó, từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên KS, đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, KS trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả.
 
Ngăn chặn KTKS trái phép
 
Để ngăn chặn tình trạng KTKS trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương rà soát lại tất cả các mỏ KS đã cấp phép, trong đó tập trung vào các mỏ cát, sỏi về quy trình cấp phép; đánh giá, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về KS để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
 
Mặt khác, tỉnh chú trọng công tác kiểm tra việc khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án KTKS để bảo đảm hài hòa giữa KTKS và bảo vệ môi trường. Tăng cường chất lượng trong công tác thẩm định, đánh giá trữ lượng và cấp phép KTKS. Tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông có thời hạn không quá 5 năm để hạn chế tối đa việc thất thoát tài nguyên KS.
 Tình trạng lập các bến bãi trái phép để tập kết khoáng sản cơ bản đã được chấn chỉnh.
Tình trạng lập các bến bãi trái phép để tập kết khoáng sản cơ bản đã được chấn chỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn xã, bảo đảm việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ để kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động KTKS trái phép. Chủ động triển khai phương án bảo vệ KS chưa khai thác trên địa bàn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KS trên địa bàn huyện; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương có chung đường địa giới hành chính trên sông và cửa biển trong quản lý khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn.
 
Những năm trước đây, Quảng Trạch là địa bàn diễn ra tình trạng khai thác và lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép khá phức tạp tuy nhiên hiện nay tình trạng này đã cơ bản được chấn chỉnh. Minh chứng rõ ràng nhất là tình hình quản lý, khai thác tài nguyên KS ở các khu vực, như: Xã Cảnh Hóa, Phù Hóa đã đi vào nền nếp.
 
Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Để đưa hoạt động KS trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, khắc phục tình trạng vi phạm như trước đây, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý chặt chẽ KS chưa khai thác. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KS, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép.
 
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
 
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân, triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng KTKS trái phép, công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động KS thời gian qua đã được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.
 
Hiện tại, tổng số giấy phép KTKS còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 121 giấy phép, trong đó có 16 giấy phép do Bộ TN-MT cấp, 105 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã cấp 3 giấy phép KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường (gồm 2 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp và 1 giấy phép khai thác sét gạch ngói).
Chánh Thanh tra Sở TN-MT Phạm Tiến Cảm cho biết: Hoạt động kiểm tra, thanh tra trong thời gian qua của ngành TN-MTđã tập trung vào các nội dung: Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động KS, việc chấp hành các quy định trong giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến KS, kiểm tra, xử lý các hoạt động KTKS trái phép, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động KS, đặc biệt là thanh tra về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn; kiên quyết xử lý những bến bãi lập sai quy định để lợi dụng tiêu thụ cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc.
 
Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị được UBND tỉnh cấp phép đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ cấp phép và tiến hành khai thác đúng vị trí được giao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và báo cáo định kỳ hoạt động KS đến Sở TN-MT. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như khai thác không theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt; khai thác trái phép, thực hiện không đầy đủ việc cắm mốc theo quy định, khai thác vượt công suất cho phép, báo cáo định kỳ không đúng mẫu, thiếu số liệu…
 
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm. Trong năm 2022, UBND tỉnh, các ngành, UBND các huyện, thị xã đã xử lý vi phạm 235 trường hợp, với số tiền xử phạt và truy thu hơn 9,8 tỷ đồng (trong đó, số tiền xử phạt hơn 4,3 tỷ đồng, số tiền truy thu hơn 5,5 tỷ đồng). Việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đưa hoạt động KTKS trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, đúng luật và có hiệu quả.
 
A.Tuấn

tin liên quan

Làm nghề rừng phải giàu từ rừng

(QBĐT) - Khi ở cương vị Đặc phái viên Chính phủ thực hiện chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. 

Làm giàu từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân

(QBĐT) - Nhờ biết cách vận động và sử dụng hợp lý từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân ở huyện Quảng Trạch đã xây dựng được các mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Giữ gìn nghề truyền thống của quê hương

(QBĐT) - Với người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch), việc bảo tồn nghề thủ công như nón lá, nghề mây xiên không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà còn là giữ gìn truyền thống của quê hương. Bởi đó là cái nghề đã di cư theo họ từ quê cũ xã Quảng Văn và Quảng Hải (nay thuộc TX. Ba Đồn) đi "kinh tế mới" ở xã Quảng Tiến.