Làm nghề rừng phải giàu từ rừng

  • 13:54 | Thứ Sáu, 24/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với đường Trường Sơn “huyền thoại” và những cuộc hành quân thần kỳ chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, khi ở cương vị Đặc phái viên Chính phủ thực hiện chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Trung tướng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Giờ đây, bên mái Trường Sơn hùng vĩ, những cánh rừng “327” gắn với tâm huyết của ông đã bén đất, lên xanh, mang lại ấm no cho người dân…
 
Ký ức những cánh rừng “327”
 
Quyết định 327-CT về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 15/9/1992 (chương trình 327) với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; định canh, định cư; ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
 
Đến năm 1998, chương trình 327 cơ bản hoàn thành và chuyển hướng đầu tư phát triển trên diện rộng với mục tiêu trồng nhiều cây lâm nghiệp. Hơn 30 năm đã trôi qua, những vùng đất “tử địa” đất trống, đồi núi trọc năm xưa, giờ đã được phủ màu của rừng trồng. Và, dấu ấn đó có bóng hình của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên.
 
Lần theo con ngõ nhỏ ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy), chúng tôi tìm đến nhà nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trần Đức Triển. Ở tuổi 90, nhưng ông Triển vẫn còn minh mẫn. Lật giở những dòng ký ức của mình về Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên, ông Triển hào sảng kể những câu chuyện trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm các dự án thuộc chương trình 327. Ảnh:Tư liệu
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm các dự án thuộc chương trình 327. Ảnh:Tư liệu
“Khi chương trình 327 được triển khai, mỗi lần anh Đồng Sỹ Nguyên về thăm, làm việc với tỉnh, dù thời gian tiếp xúc ngắn, nhưng lần nào anh cũng dặn dò ân cần, có những định hướng sâu sắc cho tỉnh; đặc biệt, là anh nhắc nhở cán bộ tỉnh, cần chú trọng việc trồng rừng để có thể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nâng cao thu nhập cho người dân…”, ông Trần Đức Triển cho hay.
 
Theo ông Trần Đức Triển, lúc đầu, việc thực hiện chương trình 327 chủ yếu giao cho các nông, lâm trường quốc doanh hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân trồng rừng. Bởi vậy, nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc đã được bà con nhân dân phủ xanh bởi các loại cây: Thông, cao su, keo. Nhiều lần về với bà con nhân dân các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy để động viên, chỉ đạo, nói chuyện về trồng rừng, anh Nguyên cũng lưu ý, người dân Quảng Bình cần đưa vào trồng cây keo, không nên trồng cây bạch đàn trắng, vì loài cây này chỉ một chu kỳ là hủy hoại đất, hiệu quả kinh tế không cao…
 
Ông Lê Văn Thắng, nguyên Giám đốc Nông trường Đại Giang, hiện cư trú tại thôn Văn Thủy, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) khi hồi tưởng về chương trình 327 đã rất tự hào bảo rằng, những năm 1993, chương trình phát triển rầm rộ lắm! Người dân các xã Phú Thủy, Trường Thủy, Thái Thủy, Kim Thủy, Dương Thủy, Sen Thủy náo nức hưởng ứng. Chương trình 327, ngoài thực hiện chiến lược di dời dân còn tiến hành huy động sức dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng thông, cao su, keo…
 
“Khó khăn của việc thực hiện chương trình 327 thời kỳ đó là nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt chưa xác định được hiệu quả lâu dài của việc trồng rừng, nên một số hộ chưa mặn mà. Sau này, được tuyên truyền, vận động, lại được nhà nước hỗ trợ vốn vay để trồng rừng, đơn vị đã vận động hàng trăm hộ dân các xã vùng phía Tây huyện Lệ Thủy trồng được gần 600ha cao su, 450ha thông và khoảng 200ha keo. Nhiều làng tái định cư trên địa bàn huyện cũng được thành lập trong thời kỳ này…”, ông Lê Văn Thắng cho biết.
 
Theo ông Lê Văn Thắng, chương trình 327 sau này nhiều lần được Chính phủ bổ sung các mục tiêu, bao gồm: Cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc…
 
Ấm no từ rừng
 
Những cuộc “thiên di” nhận đất, trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hơn 30 năm trước của người dân các địa phương ở Quảng Bình đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Giờ, màu xanh của cây rừng, của no ấm đã hiện hữu khắp nơi trên các làng quê.
 
Đi giữa màu xanh của bạt ngàn rừng cao su đang mùa thay lá, chỉ tay về phía chân đồi, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư bảo: “Đó là rừng cao su của chương trình 327 cách đây hơn 30 năm trước! Nhiều hộ dân vẫn giữ được rừng cao su, thông và một số đã bắt đầu thay thế bằng những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn…”.
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Phi (thôn Đông Xuân, xã Trường Thủy) cũng nằm trong cuộc “thiên di” phủ xanh đất trống, đồi trọc của 30 năm trước. Bà Phi kể rằng, năm 1993, hưởng ứng phong trào giãn dân và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, gia đình bà đã gồng gánh 4 đứa con còn nhỏ rời nơi định cư cũ do ảnh hưởng của lũ lụt để lên vùng này nhận 4ha đất trống trồng cao su, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Nguyễn Thị Phi (xã Trường Thủy, Lệ Thủy) đã có 30 năm gắn với chương trình 327.  
Bà Nguyễn Thị Phi (xã Trường Thủy, Lệ Thủy) đã có 30 năm gắn với chương trình 327.  
“Ngoảnh lại, mới đó mà cũng đã 30 năm, vui có, buồn có; những cây cao su “327” vẫn còn cho thu hoạch. 4ha cao su trồng ngày xưa, dần được thay thế bằng những cây keo có giá trị hơn. Với gia đình tôi, hiệu quả của cây cao su là rõ rệt, có những năm được giá, mỗi ngày gia đình tôi có thu nhập gần 2 triệu đồng…”, bà Nguyễn Thị Phi bộc bạch.
 
Năm 1983, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Trần Minh Trầm (thôn Văn Minh, xã Trường Thủy), bắt đầu nhận đất rừng ở vùng Ba Trạng để phát triển kinh tế. Mãi đến giữa những năm 1990, vườn cây cao su, keo lai của gia đình ông bắt đầu mọc lên từ rừng cây cỏ um tùm ở đây…
 
Chuyện làm giàu từ rừng lúc đó gia đình ông Trầm chưa nghĩ tới, chỉ mong có việc làm hàng ngày, lo cơm áo cho các con. Vậy mà cũng đã ngót 30 năm ông bám trụ vùng đất Ba Trạng. Hiện, ông Trầm có cơ ngơi với 5ha cây cao su và 40ha rừng trồng kinh tế. Ông bảo, mỗi năm gia đình có nguồn thu hơn 400 triệu đồng…
 
Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư cho rằng, hiện nay, đa phần các hộ dân ở xã Trường Thủy đều gắn bó với rừng, vườn đồi để phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân ở địa phương có thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Trường Thủy hôm nay đã thực sự vươn lên từ sự chung sức, chung lòng, đoàn kết của người dân, chính quyền địa phương trong đó có dấu ấn đặc biệt quan trọng của chương trình 327…
 
Xin được kết thúc bài viết bằng câu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong cuốn hồi ký “Với cả cuộc đời”: “Cuối cùng, điều đọng lại khi chỉ đạo chương trình 327 mà tôi thật sự tâm huyết là: Làm nghề rừng phải làm giàu từ rừng, điều kiện làm giàu ở rừng khả năng lớn hơn ở đồng bằng. Cha ông mình vẫn nói “rừng vàng” là vậy…”.
 
Quảng Bình hiện đứng thứ hai cả nước về độ che phủ rừng với tỷ lệ đạt trên 68%. Năm 2022, tỉnh đã thực hiện khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng 294.105ha; chăm sóc 25.199ha rừng trồng; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 590.706m3; trồng được 9.100ha rừng trồng tập trung; diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt gần 4.000ha; 4.300ha rừng trồng được cấp chứng FSC…

Ngọc Hải

 

tin liên quan

Giữ gìn nghề truyền thống của quê hương

(QBĐT) - Với người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch), việc bảo tồn nghề thủ công như nón lá, nghề mây xiên không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà còn là giữ gìn truyền thống của quê hương. Bởi đó là cái nghề đã di cư theo họ từ quê cũ xã Quảng Văn và Quảng Hải (nay thuộc TX. Ba Đồn) đi "kinh tế mới" ở xã Quảng Tiến.

Làm giàu từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân

(QBĐT) - Nhờ biết cách vận động và sử dụng hợp lý từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân ở huyện Quảng Trạch đã xây dựng được các mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Bệnh đạo ôn hại lúa vụ đông-xuân đang phát sinh

(QBĐT) - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh gieo cấy được 29.268ha lúa vụ đông-xuân. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết sáng sớm và chiều tối có nhiều sương mù, ngày hửng nắng, rải rác có mưa, đêm trời lạnh nên thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại.